| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng mô hình làm lúa hữu cơ

Thứ Hai 11/03/2019 , 15:45 (GMT+7)

Cty CP Công - Nông nghiệp sạch Việt Nam phối hợp với HTX Nông nghiệp Trung Thạnh (xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo đánh giá mô hình sản xuất giống lúa CXT 30 theo hướng lúa sạch hữu cơ.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo địa phương, ngành nông nghiệp và đông đảo bà con nông dân trong vùng.

16-20-25_thm_qun_thuc_te_dong_ruong_d_so_b_con_nong_dn_deu_dnh_gi_co_giong_lu_cxt_30_vi_co_tinh_thich_nghi_tot_ruong_sch_benh_cho_nng_sut_co_2
Nhiều nông dân đánh giá giống lúa CXT 30 thích nghi tốt, sạch bệnh, năng suất cao

Vụ đông xuân 2018-2019, giống lúa CXT 30 được triển khai trồng tại các cánh đồng ở huyện Cờ Đỏ và Thới Lai (TP Cần Thơ) đạt hiệu quả cao. Tham quan thực tế đồng ruộng, đa số bà con nông dân đều đánh giá cao giống lúa này vì có tính thích nghi tốt, đẻ nhánh khỏe, ruộng sạch bệnh, lá đòng thẳng đứng, bông to, tỷ lệ hạt chắc/bông cao.

Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trung Thạnh cho biết, khu vực HTX có khoảng 500 ha đất lúa, riêng 30 xã viên của HTX sở hữu 25 ha. ĐX 2018-2019 là vụ đầu tiên HTX sản xuất giống lúa CXT 30, kết quả cho thấy lúa phát triển rất tốt. Vụ vừa qua rầy nâu bộc phát mạnh, trong khi một số giống lúa khác bị cháy rầy cục bộ nhưng ruộng CXT 30 vẫn an toàn. Năng suất thu hoạch thực tế đạt 1,27 tấn/công (công lớn, lúa tươi cắt máy), cao nhất trong các giống lúa làm tại HTX vụ này.

“Thấy đạt hiệu quả cao, vụ HT 2019, HTX đã gieo mạ và cấy lại 10 ha giống lúa CXT 30, với lượng lúa giống chỉ từ 4,5 - 5 kg/công. Do giống lúa này đẻ nhánh rất khỏe nên cấy thưa vẫn đạt được số chồi như mong muốn”, anh Tú chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh Đoàn Tuấn Hoạch cho biết, toàn xã có 2.800 ha đất chuyên trồng lúa. Cái khó của bà con nông dân hiện nay là tình hình dịch bệnh ngày càng nhiều, chi phí sản xuất tăng cao, trong khi thị trường đầu ra của lúa hàng hóa khá bấp bênh. Vì vậy, nếu có được những giống lúa thích hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương và có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu để bà con yên tâm sản xuất, chính quyền rất ủng hộ.

TS Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Cty CP Công - Nông nghiệp sạch Việt Nam, là đồng tác giả với PGS.TS Tạ Minh Sơn đã nghiên cứu, chọn tạo giống lúa CXT 30, cho biết: “Giống lúa CXT 30 thích nghi với nhiều vùng sinh thái, đã được cho sản xuất khảo nghiệm khắp các tỉnh, thành trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đều cho năng suất cao, chất lượng gạo rất tốt. Do lúa có tính kháng sâu, bệnh nên rất thích hợp để canh tác trong mô hình lúa - rươi (ở miền Bắc) và lúa - tôm (ở miền Nam).

Chúng tôi đang hướng tới sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ từ phân bò hoai mục để bón và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, cải tạo đất. Mô hình này sẽ tạo thành vòng tròn hữu cơ, nông dân chỉ thu hạt lúa sạch để bán, còn lại tất cả rơm, rạ được trả lại cho đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất”.

Tại buổi hội thảo, TS Hồ Tuyên đã giới thiệu đến bà con nông dân chế phẩm vi sinh Emuniv, có tác dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ và cải tạo đất, giúp bà con giải quyết tốt vấn đề xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng trước khi gieo sạ lại vụ lúa tiếp theo.

Theo TS Hồ Tuyên, trung bình 1 ha lúa thu hoạch sẽ thải ra 16 - 18 tấn rơm, rạ, nếu được xử lý tốt sẽ cho ra 4 tấn phân hữu cơ để trả lại cho đồng ruộng. Với chế phẩm Emuniv, cứ 1g chứa hàng tỷ vi sinh vật có lợi, sẽ giúp cải tạo đất, phân giải lân, cố định đạm và chuyển hóa tạo nguồn kali hữu cơ từ rơm rạ, đồng thời bảo vệ bộ rễ, kích thích sinh trưởng của cây trồng. Từ đó, nông dân chỉ cần bổ sung thêm một lượng phân hữu cơ nhất định là đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, không cần phải bón thêm phân hóa học.

Về đầu ra của sản phẩm, ông Lê Trọng Kha, Giám đốc LeKha Mart cho biết, sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa cho bà con nông dân nếu sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn.

Theo ông Kha, thị trường của gạo hữu cơ hiện nay rất lớn, tiêu thụ tốt nhưng cái khó là quy trình canh tác của bà con nông dân chưa tốt, vụ này đạt nhưng vụ sau lại không đạt. Điều này rất khó cho những đơn vị thu mua chế biến xuất khẩu, nếu ký hợp đồng mà không có nguồn cung là sẽ phải bồi thường.

Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với các nhà khoa học, cơ quan quản lý địa phương về nông nghiệp, đơn vị thu mua chế biến đóng gói và nhà kinh doanh bán buôn xây dựng thương hiệu gạo chất lượng mới có thể tạo đầu ra ổn định lâu dài mang giá trị cao.

 

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.