| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi

Thứ Ba 02/07/2019 , 08:52 (GMT+7)

Sau 6 năm triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), toàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) xây dựng được hơn 2.000 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi biogas cỡ nhỏ.

11-32-10_nh1
Đại diện Ban Quản lý dự án LCASP Hà Tĩnh kiểm tra, nghiệm thu công trình biogas tại huyện Thạch Hà. Ảnh: TN.

Tất cả các mô hình trên cơ bản phát huy hiệu quả cao, làm tiền đề cho địa phương này ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các xã, thị trấn “phủ” hết bể biogas trong chăn nuôi nông hộ.
 

100% mô hình phát huy hiệu quả

Ông Bùi Quốc Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà khẳng định, dự án LCASP đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc hỗ trợ người dân xây dựng bể biogas cỡ nhỏ và vừa để xử lý chất thải chăn nuôi.

Từ năm 2009 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học “du nhập” Thạch Hà. Thời điểm đó, ai cũng biết mô hình góp phần bảo vệ môi trường rất lớn, song do điều kiện đầu tư của hộ chăn nuôi còn hạn chế nên không thể nhân rộng.

Đến năm 2014, dự án LCASP Hà Tĩnh hỗ trợ Thạch Hà lắp đặt bể biogas cỡ nhỏ và vừa thì mô hình này mới thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điều kiện cần và đủ trong chăn nuôi nông hộ, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Dự án hỗ trợ 3 triệu đồng cho một bể biogas từ 9m3 trở lên. Người dân có thể lựa chọn lắp bể composite hoặc bể xây. Hiện toàn huyện Thạch Hà đã lắp đặt được hơn 2.000 công trình cỡ nhỏ, tập trung ở các xã là “thủ phủ” chăn nuôi nông hộ như: Thạch Văn, Thạch Hội, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Lạc…

Riêng năm 2019, thông qua chính sách hỗ trợ của dự án LCASP và chính quyền huyện Thạch Hà, người chăn nuôi đã xây dựng được hơn 50 công trình.

Ông Lê Văn Hòa, xã Thạch Hội thông tin, năm 2016 gia đình ông được dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng lắp đặt bể biogas composite hơn 10m3 để xử lý chất thải của 20 con lợn thịt. Trước khi lắp đặt bể, toàn bộ phân và nước thải ông phải gom trong một hố đất đào phía sau chuồng, mỗi đợt mưa lớn nước phân chảy tràn ra vườn của gia đình và hàng xóm, mùi hôi thối xộc vào nhà. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt bể mùi hôi giảm hẳn, ngoài ra ông còn tạo được khí gas để đun nấu.

Còn hộ bà Mai Thị Loan ở xã Thạch Trị thường xuyên giữ ổn định đàn lợn 20 con cả chục năm qua. Đầu năm 2018 bà Loan được dự án LCASP hỗ trợ tiền xây dựng bể biogas 10m3 xử lý chất thải. Sau một thời gian vận hành hiệu quả, bà Loan nâng tổng đàn lên 35 con, lượng chất thải vượt quá quy mô xử lý của bể nên bà mạnh dạn đầu tư thêm 15 triệu lắp đặt thêm một bể biogas khác.

Bà Loan nói: “Với gia đình tôi nuôi lợn là thu nhập chính nên khi thấy mô hình nào xử lý môi trường hiệu quả là tôi mạnh dạn đầu tư để tăng đàn”.
 

Sẽ phủ hết bể biogas trong chăn nuôi nông hộ

Toàn huyện Thạch Hà có hơn 30.000 con lợn chăn nuôi gia trại, nông hộ. Những vùng có mật độ chăn nuôi dày đặc như Thạch Hội, Thạch văn, Thạch Trị, Thạch Ngọc, Thạch Lạc… luôn “nóng” vấn đề ô nhiễm môi trường.

11-32-10_nh2_1
Mặc dù dự án LCASP đã kết thúc hỗ trợ nhưng nhờ đạt hiệu quả tốt nên Thạch Hà đang tiếp tục nhân rộng mô hình. Ảnh: TN.
Hiện dự án LCASP đã kết thúc hỗ trợ, tuy nhiên mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng tại Thạch Hà nói riêng và các huyện khác trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung.

Việc hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas cỡ nhỏ của dự án LCASP những năm qua đã góp phần thay đổi tư duy chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học cho người dân; đồng thời làm tiền đề cho huyện Thạch Hà và một số xã trên địa bàn đặt niềm tin, xây dựng chính sách hỗ trợ, phấn đấu đến năm 2020 có 100% số hộ chăn nuôi nông hộ đủ điều kiện được lắp đặt bể biogas.

Cụ thể, huyện Thạch Hà ban hành Nghị quyết 07, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nội dung “hỗ trợ 3 triệu đồng/mô hình biogas tối thiểu 9m3 trở lên”. Một số xã như Thạch Tân, Thạch Ngọc… ngoài nguồn hỗ trợ của dự án, của huyện còn hỗ trợ thêm từ 1 – 1,5 triệu đồng/mô hình cho hộ chăn nuôi lắp đặt bể biogas.

“Bể biogas cỡ nhỏ thực sự phát huy hiệu quả rất tốt. Nó vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo khí đốt vừa cung cấp phân hữu cơ phục vụ sản xuất, góp phần hoàn thiện tiêu chí vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới”, ông Bùi Quốc Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, 80% số hộ chăn nuôi nông hộ quy mô từ 5 con trở lên trên địa bàn huyện đã được lắp đặt bể biogas cỡ nhỏ.

Xây lắp gần 5.200 công trình quy mô nhỏ

Theo báo cáo từ BQL Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Hà Tĩnh, sau 6 năm triển khai dự án, đến nay toàn tỉnh xây lắp được gần 5.200 công trình biogas quy mô nhỏ (≤ 50m3), đạt và vượt kế hoạch tổng thể của dự án đề ra (kế hoạch 3.600 công trình) và 6 công trình biogas quy mô vừa (> 50m3).

Theo đánh giá bước đầu của người dân, các địa phương và đơn vị tư vấn, các công trình đều vận hành tốt, đem lại nhiều lợi ích cho người dân như tạo khí gas đun nấu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm bớt giờ làm việc cho phụ nữ và trẻ em khi nấu nướng, góp phần giảm nạn chặt phát rừng làm chất đốt…

LCASP Hà Tĩnh cũng đã thực hiện thành công 2 mô hình: “Máy tách phân sử dụng chất thải chăn nuôi” và “Kết hợp máy phát điện và máy tách phân sử dụng chất thải chăn nuôi” quy mô trang trại.

Theo đánh giá của chủ trang trại, 2 mô hình trên là giải pháp tối ưu nhất giảm lượng chất thải đổ vào hầm biogas; đồng thời, tạo nguồn phân hữu cơ vô tận cho sản xuất nông nghiệp; tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

NGUYỄN NGA

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.