| Hotline: 0983.970.780

Nhân viên nghĩa trang nghỉ đồng loạt, người chết không được hỏa táng

Thứ Bảy 09/05/2020 , 07:48 (GMT+7)

33 trường hợp đã đăng ký tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình, Nam Định nhưng không thể hỏa táng do nhân viên đột ngột nghỉ việc.

Công viên nghĩa trang Thanh Bình, thuộc Công ty Hoàng Long ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Ảnh: VTC.

Công viên nghĩa trang Thanh Bình, thuộc Công ty Hoàng Long ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Ảnh: VTC.

Công viên nghĩa trang Thanh Bình (Đài hóa thân Thanh Bình) thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (Công ty Hoàng Long), nằm tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, Nam Định là nơi thực hiện dịch vụ hỏa táng cho hàng ngàn trường hợp mỗi tháng, cả trong và ngoài tỉnh.

Sáng 8/5, rất nhiều thân nhân người quá cố tập trung trước Công viên nghĩa trang Thanh Bình, yêu cầu Công ty Hoàng Long tiếp tục dịch vụ hỏa táng và phản đối việc công ty dừng hoạt động đột ngột khiến họ trở tay không kịp.

Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long cho biết, sáng 8/5, hơn 30 người là các cán bộ công nhân viên tổ tầng 1, tổ tầng 2, tổ nhà lò đã tự ý nghỉ việc. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến công ty không kịp trở tay và phải tạm dừng hoạt động.

Điều này khiến nhiều thân nhân các trường hợp đã đăng ký hỏa táng tại đây vào ngày 8/5 bức xúc và tụ tập phản đối, yêu cầu Công ty Hoàng Long tiếp tục hoạt động để gia đình được hoàn thành nghi lễ với người quá cố.

Để đảm bảo an ninh trật tự, ông Giao đã báo cho Cảnh sát 113, Công an huyện Mỹ Lộc, Công an xã Mỹ Thuận xuống kiểm soát tình hình tại địa bàn. Hiện tại chưa xảy ra hiện tượng gây rối trật tự và lực lượng công an đã cắt cử người túc trực tại Công ty Hoàng Long để đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long thông tin về vụ việc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long thông tin về vụ việc. Ảnh: Tùng Đinh.

Thông tin thêm về sự việc, ông Trần Đình Giao cho biết: “Hơn 30 cán bộ công nhân viên đột ngột nghỉ việc sáng 8/5 là do có sự “xúi giục” của bà Vũ Thị Kim Quy, là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Hoàng Long”.

Năm 2003, Công ty TNHH Hoàng Long được thành lập với vốn điều lệ 800 triệu đồng. Đến ngày 17/ 7/2012 chuyển đổi thành Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long với vốn điều lệ là 15 tỷ đồng gồm 3 thành viên là ông Trần Đình Giao - từ Chủ tịch Hội đồng thành viên sang Chủ tịch HĐQT; ông Lưu Văn Long – Tổng Giám đốc; bà Vũ Thị Kim Quy - thành viên và giữ chức kiểm soát viên công ty.

Do các thành viên HĐQT xảy ra mâu thuẫn nên phát sinh kiện cáo kéo dài. Qua nhiều lần xét xử, bản án số 41/2017/KDTM-PT về việc tranh chấp giữa các thành viên trong Công ty Hoàng Long do Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên ngày 6/3/2017 nêu rõ:

“Hủy Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 21/6/2013 của Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long; Hủy Quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lưu Văn Long số 14/QĐ-HL và hủy Quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với bà Vũ Thị Kim Quy số 15/QĐ-HL của Chủ tịch HĐQT cùng trong ngày 21/6/2013”. Tất cả đều có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, nội dung thứ nhất đã thi hành xong, còn việc thu hồi giấy phép đăng ký doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Những lùm xùm này dẫn đến hậu quả là hơn 30 cán bộ nhân viên Công viên nghĩa trang Thanh Bình nghỉ việc đột ngột ngày 8/5 với lý do “tâm lý hoảng sợ, lãnh đạo không thống nhất nên không làm được việc”.

Theo ông Giao, trước mắt công ty sẽ tạm thời dừng hoạt động trong vòng 5 ngày. Công ty cũng gửi thông báo cho những cán bộ công nhân viên nghỉ việc và công đoàn công ty, yêu cầu những người này quay trở lại làm việc. Nếu những nhân viên này không trở lại làm việc sau 5 ngày kể từ 8/5/2020, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động.

“Để tuyển được người mới và đào tạo vận hành trơn tru hệ thống ở Công viên nghĩa trang Thanh Bình có thể phải tốn đến 3 tháng”, ông Giao chia sẻ thêm.

Đồ vật trong Công ty Hoàng Long được dán niêm phong vào ngày 8/5 sau khi xảy ra sự việc hơn 30 công nhân viên nghỉ việc đột ngột. Ảnh: Tùng Đinh.

Đồ vật trong Công ty Hoàng Long được dán niêm phong vào ngày 8/5 sau khi xảy ra sự việc hơn 30 công nhân viên nghỉ việc đột ngột. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 6/10/2015, Công ty Hoàng Long ký hợp đồng kinh tế về việc cung cấp dịch vụ tang lễ với Công ty TNHH MTV dịch vụ tang lễ Trường Dương (Công ty Trường Dương), trụ sở số 496 đường Giải Phóng, xã Mỹ Xã, thành phố Nam Định. Khi đó, đại diện Công ty Hoàng Long là bà Vũ Thị Kim Quy, giữ chức vụ tổng giám đốc và đại diện Công ty Trường Dương là bà Phạm Thị Ánh Tuyết, giám đốc.

Đến ngày 30/4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nam Định tuyên bố phá chuyên án 420C liên quan đến liên quan đến Công ty Trường Dương.

Theo đó, cơ quan công an ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ hình sự với 3 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản gồm: Nguyễn Hữu Quang (SN 1997, trú tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực); Trần Xuân Hà (SN 1973, trú tại phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định) và Bùi Hải Quang (SN 1978, trú tại phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định).

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, sau khi ký hợp đồng độc quyền với giá hoả táng là 4,3 triệu đồng/ca, Công ty Trường Dương thông báo và thu của các cơ sở hoả táng tại Nam Định mức giá hoả táng là 5,5 triệu đồng/ca, cao hơn 1,2 triệu đồng/ca so với giá đã ký với Công ty Hoàng Long, bất chấp điều khoản hợp đồng nêu không được tự ý nâng giá.

Ngoài ra, theo điều tra của cơ quan công an, từ tháng 11/2019, 3 đối tượng Nguyễn Hữu Quang, Trần Xuân Hà, Bùi Hải Quang cùng với một số đối tượng khác xuống địa bàn huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu (thuộc tỉnh Nam Định) để đe doạ các cơ sở dịch vụ tang lễ phải thông báo khi nhận được các ca hoả táng và phải nộp thêm 500.000 đồng/ca. Nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt tổng số tiền 39.000.000 đồng của 5 chủ cơ sở tang lễ.

Người chết không được hỏa táng

Theo ông Trần Đình Giao, ngày 8/5 có 35 trường hợp đăng ký hỏa táng tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình. “Khi các nhân viên nghỉ việc đột ngột, có 2 thi thể đang hỏa táng dở, chúng tôi phải dùng nhiều biện pháp để hoàn thành công việc và 33 trường hợp còn lại buộc phải hủy bỏ”, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long cho biết.

Theo lời kể của ông Giao, trong số 33 trường hợp kể trên, có một cụ bà 81 tuổi tại huyện Vụ Bản sống độc thân. Sau khi qua đời, hàng xóm quyên góp được 600.000 đồng và có một người phụ nữ đứng ra nhận lo giúp phần chi phí còn lại để hỏa táng tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình.

Tuy nhiên, quá trình này không thể thực hiện được vì các công nhân viên của Công viên nghĩa trang Thanh Bình nghỉ việc. Do đó, thi thể bà cụ lại phải chuyển ra cơ sở ở Hải Phòng để hỏa táng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long thông tin thêm, trung bình mỗi tháng Công viên nghĩa trang Thanh Bình thực hiện hỏa táng cho hơn 1.000 trường hợp, ở nhiều địa phương khác nhau. Trong đó, chủ yếu là Nam Định, ngoài ra còn có Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên…

Theo hợp đồng giữa Công ty Hoàng Long và Công ty Trường Dương, giá dịch vụ hỏa táng đối với các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam là 4,3 triệu đồng/ca; các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên là 3,8 triệu đồng/ca và các tỉnh còn lại là 3,5 triệu đồng/ca.

Xem thêm
Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm