| Hotline: 0983.970.780

Nhãn xuồng cơm vàng vùng gió cát

Thứ Năm 19/09/2013 , 11:00 (GMT+7)

Khi nhãn chín vỏ chuyển sang màu nâu sậm, ở giữa (phần đầu cuống) lõm xuống, hai đầu nhô lên trông rất giống cái xuồng, khi bóc vỏ trái ra, cơm vàng ươm, thơm lừng.

Thành phố biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), một vùng đất cát đầy nắng, gió được thiên nhiên ban tặng món quà quý giá, đó là cây nhãn xuồng cơm vàng. Nông dân đã mạnh dạn đầu tư ghép cải tạo nhãn để làm giàu; không ít người trở thành tỷ phú.

NGƯỜI "KHAI SINH" NHÃN XUỒNG

Ông Phan Văn Tư (Tư Trệt, 84 tuổi) ở số 71 đường Bắc Sơn, phường 11, TP Vũng Tàu, người đầu tiên đặt tên cho cây nhãn xuồng vùng gió cát tâm sự, quê ông ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1963 ông lên lập nghiệp ở đồi 2, Cát Lở, tỉnh BR-VT. Hồi mới lên, đất đai ở đây hoang vu lắm, ai khai phá được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu.

Lúc đầu ông trồng nhãn trơ, nhãn da bò, nhãn tiêu, nhưng do chất lượng không ngon, hạt to, chưa được thị trường ưa chuộng. Năm 1972 tình cờ vào xóm vườn (khu vực đồi núi) thấy đàn dơi tha nhãn về ăn, rồi nhả đầy hạt xuống đất, ông nhặt về ươm trồng. Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, vườn nhãn bắt đầu cho thu hoạch.

Năm ấy cả vườn cây nào cũng có trái, nhưng trái không đồng đều, chất lượng không ngon. Chỉ duy nhất một cây có trái to gần bằng đầu ngón chân cái, rất sai, hạt nhỏ, cơm dày, màu vàng ươm, có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng. Vụ thu hoạch đầu tiên (thu bói), vợ ông Tư mang biếu cả xóm mỗi người một ít để ăn lấy thảo, ai ăn cũng nức nở khen ngon.

Hình dạng đặc biệt của trái nhãn này rất to, to hơn nhãn da bò ở Huế, khi nhãn chín vỏ chuyển sang màu nâu sậm, ở giữa (phần đầu cuống) lõm xuống, hai đầu nhô lên trông rất giống cái xuồng (thuyền), khi bóc vỏ trái ra, cơm vàng ươm, thơm lừng. Chính vì vậy ông đặt tên là nhãn xuồng cơm vàng.

Ông Tư chia sẻ, cây nhãn xuồng thực sự là một sản vật được trời đất, thiên nhiên ban tặng. Mình cần phải đón nhận, lưu giữ bằng mọi giá. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông quyết định nhân giống bằng cách ghép cải tạo toàn bộ diện tích 2 ha nhãn kém năng suất.

Ông ghép bằng cách lấy mắt bo ở cây nhãn quý ghép vào gốc cây nhãn thường hoặc nhãn da bò… Sau khi mắt ghép mới đâm chồi nảy lộc, ông cưa cành của cây cũ để cho cây mới phát triển. Ghép theo phương pháp này cây rất khỏe, nếu kỹ thuật tốt, từ khi ghép mắt, chỉ sau 1 năm là có trái. Tuy nhiên khi trái nhỏ nên vặt đi để tập trung cho cây phát triển, năm thứ 3 mới chính thức thu hoạch.

Ông Tư kể, năm 1997 Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT tổ chức hội thi trái cây các tỉnh phía Nam, trái nhãn xuồng cơm vàng của ông đã vượt qua nhiều trái của các tỉnh khác và đạt giải Nhất.

Sau đó, người dân các nơi về tham quan, đặt vấn đề mua bo mắt và cây giống. Thế là ông lại trở thành người cung cấp giống. Có năm giống bán rộ, thu ngót tỷ đồng, chưa kể tiền bán trái nhãn.

Chia tay ông Tư, chúng tôi sang tham quan vườn nhãn rộng 9.000 m2 của anh Bùi Quang Duyệt (số 1216/78B, đường 30/4, phường 12, TP Vũng Tàu), một trong những gương mặt điển hình SXKD giỏi cấp tỉnh. Anh Duyệt cho hay, trước đây gia đình cũng vất vả, từng làm đủ thứ nghề như trồng rau xanh, trồng hoa, trồng táo, buôn trái…

"Trong thời gian đi buôn nhãn tôi thấy một số hộ trồng rất hiệu quả. Đêm về tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được, tại sao họ trồng được mình lại không trồng được? Năm 1992, tôi quyết định mua đất trồng nhãn, lúc đầu trồng nhãn thường để làm gốc ghép, sau khi trồng được 3 năm thì mua bo mắt (từ cây nhãn đầu dòng) của ông Tư mang về tự mày mò ghép.

Nhờ chịu khó cần cù, chăm sóc tốt, ghép đúng kỹ thuật, vườn nhãn phát triển tốt, cây nào cũng lúc lỉu quả, bán đươc giá cao", anh Duyệt chia sẻ.

NHÃN XUỒNG CÔNG NGHỆ CAO

Cũng theo anh Duyệt, ngay từ khi lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) học làm rau sạch, trồng hoa, anh đã học được cách làm nhà lưới, nhà kính. Khi về Vũng Tàu, anh mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới để trồng nhãn.


Anh Duyệt thu hoạch nhãn

Tuy nhiên, cách làm đơn giản hơn, vì trồng nhãn không phải làm khung nhà. Nếu trồng mới theo hàng lối thì phủ lưới toàn bộ vườn từ ngọn xuống sát đất, còn trồng không có hàng lối thì dùng lưới phủ kín từng cây một.

Khi thu hoạch nhãn xong, anh tháo hết lưới xuống giặt sạch, cất vào kho năm sau dùng tiếp. Mỗi lần mua lưới có thể sử dụng được 10 năm, làm nhà lưới có rất nhiều tính ưu việt như hạn chế được địch hại như rơi, chim, ruồi vàng, bọ xít…

 Đặc biệt ngăn ngừa rụng trái non. Bởi nơi đây gần biển, gió rất mạnh, nếu không dùng lưới, khi có gió các chùm quả tự va đập vào nhau, làm rụng trái dẫn tới giảm năng suất. Hơn nữa khi trái nhãn chín tỏa ra mùi thơm rất quyến rũ, nếu không lưới thì lũ dơi ăn hết.

"Vùng đất cát Vũng Tàu rất phù hợp với cây nhãn xuồng, đất rất giàu hàm lượng kali nên trái ngon ngọt, không đâu sánh bằng. Chẳng thế mà mấy người Việt kiều về thăm quê, họ lại tới tận vườn mua mang về bên Mỹ, Canada để làm quà. Gia đình tôi trồng 9 sào (1 sào 1.000 m2), mỗi sào trồng 27 cây, khoảng cách cây cách 5m, hàng cách hàng 5m.

Từ năm thứ 7 trở đi nhãn cho năng suất rất ổn định, từ 70 - 150 kg trái/cây. 1 sào nhãn xuồng đạt 1,8 - 2 tấn, tương đương 18 - 20 tấn/ha. Tới vụ thu hoạch thương lái tới đặt tiền cọc, tự thu hái và mang đi bán cho các siêu thị, các nhà hàng lớn. Giá bán tại vườn, tùy theo từng thời điểm từ 60.000 - 80.000 đ/kg, ngoài thị trường từ 100.000 -120.000 đ/kg", anh Duyệt cho hay.

Qua việc trồng, bán giống, ghép bo mắt, thu mua nhãn xuồng cơm vàng, hằng năm gia đình anh Duyệt thu về cả tỷ đồng. Năm 2008 anh đã xây được nhà kiên cố trên 2 tỷ, con cái có công ăn việc làm ổn định.

Ngoài công việc chăm sóc vườn nhãn của nhà, anh thường xuyên đi tư vấn, hướng dẫn ghép nhãn cho nông dân. Tạo điều kiện cho 2 lao động ăn ở tại vườn với mức lương 3 triệu đ/tháng và 20 lao động làm thời vụ, trả 150.000 đ/ngày.

Bà Phạm Thị Chính, PGĐ Trung tâm Khuyến nông BR-VT:

Nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu là cây đặc sản, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Toàn tỉnh có 700 ha đất trồng nhãn xuồng, chủ yếu ở huyện Tân Thành, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TP Vũng Tàu. Cây nhãn ở thời kỳ kinh doanh, năng suất trung bình 4 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt ở năm thứ 8 trở đi đạt trên 12 tấn/ha. Hiện Trung tâm đang hướng dẫn HTX Nhân Tâm trồng nhãn xuồng theo tiêu chuẩn VietGAP, làm hồ sơ đăng ký thương hiệu "Nhãn xuồng cơm vàng" của tỉnh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.