| Hotline: 0983.970.780

Nhanh chóng cải tạo toàn diện đàn bò thịt cả nước

Thứ Hai 26/08/2019 , 09:22 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc mở rộng quy mô cơ sở khai thác tinh bò đực giống phục vụ cải tạo đàn bò thịt cả nước, đồng thời NK một số giống gốc bò đực chất lượng cao, nhất là giống bò BBB (Blanc Blue Belge) của Bỉ.

Bùng nổ bò “3B”

Nhằm đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, nhất là nâng cao tỉ trọng của thịt bò trong định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa làm việc với một số đơn vị nuôi giữ và khai thác tinh bò đực giống gốc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội), nơi có phong trào lai cải tạo đàn bộ rất tốt ngày 2/6/2019. Ảnh: Kiên Cường.

Mặc dù chủ trương cải tạo đàn bò tại Việt Nam đã trở thành phong trào từ rất lâu, tuy nhiên đến nay tốc độ vẫn còn khá chậm, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Một trong những hạn chế đó là hệ thống các đơn vị khai thác, cung ứng nguồn tinh bò đực giống gốc có chất lượng cao tại nước ta vẫn còn rất ít ỏi.

Tại phía Bắc, Cty CP Giống gia súc Hà Nội là một trong số ít đơn vị đã và đang lưu giữ đàn bò đực, với các giống bò ngoại chất lượng tốt như bò BBB, bò Brahman, Senepol.

Tuy nhiên, số lượng đàn bò đực phục vụ khai thác, SX tinh tại đây hiện còn rất ít ỏi, với chỉ 5 bò đực giống Brahman, 8 bò đực BBB. Số bò đực này trước đây Học viện Nông nghiệp Việt Nam quản lí phục vụ cho nghiên cứu.

Về sau, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Cty CP Giống gia súc Hà Nội đã hợp tác, thành lập Trung tâm SX tinh bò chất lượng cao (đóng tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), vì vậy số bò này đã được chuyển về nuôi giữ tại đây, phục vụ khai thác tinh bò chuyển giao ra SX. Năm 2018, Cty CP Giống gia súc Hà Nội NK thêm 4 bò đực giống Senepol, nâng tổng số bò đực giống khai thác tinh tại Trung tâm SX tinh bò chất lượng cao lên 17 con.

Trong số này, giống bò BBB vẫn đang là giống được nông dân và các DN chăn nuôi bò thịt cả nước đánh giá rất cao và đang phát triển rất mạnh.

Ông Bùi Đại Phong, GĐ Cty CP Giống gia súc Hà Nội cho biết: Từ một số mô hình lai tạo đàn bò nội với giống bò BBB tại một số vùng ở Hà Nội trước đây, hiện nay, đã có trên 30 tỉnh thành trên cả nước, kể cả nhiều tỉnh phía Nam đã và đang triển khai lai tạo đàn bò F1 với tinh đực là giống BBB.

Theo thống kê của Cty, đã có hơn 140 nghìn bê F1 lai giống BBB được ra đời từ nguồn tinh khai thác tại Cty. Bên cạnh các giống cái nền được đưa vào thụ tinh nhân tạo phổ biến với giống BBB như bò cái nền lai Sind, lai Brahman, Cty cũng đã lựa chọn thụ tinh nhân tạo tinh bò đực giống BBB với bò cái nền Zebu và đã khẳng định cho ra bê con F1 có ưu thế vượt trội nhất về sinh trưởng, chất lượng, tỉ lệ thịt xẻ...

Khu nuôi giữ đàn bò đực giống tại Trung tâm SX tinh bò chất lượng cao. Ảnh: Kiên Cường.

Từ năm 2017, Cty CP Giống gia súc Hà Nội cũng đã đầu tư dây chuyền và các thiết bị SX tinh bò đông lạnh cọng rạ chất lượng cao từ Đức. Bên cạnh đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm về toàn bộ quy trình kỹ thuật, giám sát việc chăm sóc đàn bò đực giống.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đánh giá: Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, Cục Chăn nuôi đặt yêu cầu mỗi bò đực giống khai thác bình quân 7.000 liều tinh/năm, với chỉ tiêu giúp 5.000 bò cái nền chửa thông qua thụ tinh nhân tạo (tỉ lệ thành công khoảng 1,6 liều tinh/bò cái nền có chửa). Nếu so với chỉ tiêu này, chất lượng tinh của đàn bò đực giống hiện tại của Trung tâm SX tinh bò chất lượng cao là đạt và vượt yêu cầu.
 

Nhập khẩu thêm bò đực giống gốc BBB từ Bỉ

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhằm đẩy nhanh việc cải tạo đàn bò thịt trên cả nước, cùng với việc tiếp tục mở rộng quy mô các cơ sở lưu giữ bò đực giống phục vụ khai thác tinh cũng như chính sách đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo, Cục Chăn nuôi đã giao các đơn vị quản lí bò đực giống phải tiếp tục nghiên cứu thêm đối với tinh bò phân li giới tính.

Cục Chăn nuôi cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm sớm tháo gỡ thủ tục để tiến tới có thể NK được bò đực giống gốc BBB, có chất lượng tốt nhất tại “quê hương” của giống bò này là Bỉ.

Theo ông Trọng, trước đây, Việt Nam đã triển khai NK bò đực giống BBB từ Bỉ, tuy nhiên do Việt Nam và Bỉ chưa ký kết về hiệp định thú y, nên chưa thể NK được, mà phải NK từ Úc, vốn có chất lượng thấp hơn từ Bỉ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có cơ chế để sớm NK thêm một số bò đực giống gốc trực tiếp từ Bỉ nhằm đẩy mạnh chiến lược cải tạo đàn bò thịt tại nước ta.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra dây chuyền SX tinh bò tại Trung tâm SX tinh bò chất lượng cao (Phù Đổng, Gia Lâm, HN). Ảnh: Kiên Cường.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cơ cấu tiêu thụ thịt tại Việt Nam đang rất mất cân bằng, trong đó tỉ trọng thịt gà và thịt lợn đang chiếm áp đảo, trong khi đó thịt bò lại đang chiếm tỉ trọng quá nhỏ so với mặt bằng chung của thế giới. Bên cạnh đó, với nhu cầu tiêu dùng thịt bò, nhất là thịt bò chất lượng cao ngày càng tăng, lượng thịt bò NK cũng đang ngày càng tăng mạnh. Vì vậy, định hướng chung của ngành chăn nuôi trong tái cơ cấu, là sẽ tiếp tục đẩy mạnh tỉ trọng thịt bò trong cơ cấu chăn nuôi. Để đạt được chiến lược này, thì một trong những yêu cầu hàng đầu là phải cải tạo đàn bò trong nước, trong đó chủ động nguồn bò đực giống chất lượng cao.

Tại Cty CP Giống gia súc Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực chỉ sau 2 năm đưa vào khai thác và SX tinh, nhưng đã cho ra được sản phẩm tinh bò đảm bảo chất lượng tốt. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là mở rộng quy mô nhằm lan tỏa nhanh ra SX. Theo đó thời gian tới, Cty và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ, không chỉ dừng lại ở quy mô hiện tại mà phải tiến tới tăng thêm số lượng bò đực giống, nhất là giống chất lượng cao như BBB, đồng thời đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô SX và phân phối tinh ra phạm vi cả nước, vào các tỉnh phía Nam, miền Trung...

Sản xuất tinh đến đâu tiêu thụ tới đó

Trên thực tế, tỉ lệ thành công bằng thụ tinh nhân tạo với nguồn tinh khai thác của Trung tâm hiện nay đã đạt khoảng dưới 1,2 liều tinh/bò cái nền có chửa.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về chất lượng tinh như hoạt lực tinh trùng, mật độ tinh trùng, số lượng tinh trùng... đều đạt và vượt so với tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Chất lượng tinh bò được đánh giá tốt, cũng đã góp phần giúp nhu cầu sử dụng tinh bò phục vụ thụ tinh nhân tạo của Cty CP Giống gia súc Hà Nội thời gian qua SX tới đâu, tiêu thụ tới đó.

Cụ thể 6 tháng đầu năm 2019, Cty này SX ra tổng cộng hơn 79 nghìn liều tinh bò cọng rạ (trong đó có gần 25 nghìn liều tinh bò BBB) thì đã tiêu thụ hết gần 68 nghìn liều ra thị trường... Cty cũng đang duy trì đội ngũ dẫn tinh viên với trên 100 người nhằm đẩy mạnh việc thụ tinh nhân tạo cho nông dân và các DN chăn nuôi trên cả nước.

Giống bò thịt đặc biệt của thế giới

Bò BBB (Blanc Blue Belge) là giống bò lấy thịt cao sản có nguồn gốc từ Bỉ. Đây là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được tạo ra từ năm 1919 nhờ lai tạo giống bò địa phương của Bỉ với bò Shorthorn (Pháp). Giống bò BBB là giống bò thịt đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội, nhất là vùng đùi sau.

Tại Việt Nam, tinh bò đực BBB đã được đưa vào thụ tinh nhân tạo để lai cải tạo với nhiều giống bò cái nền tại nước ta như bò cái nền lai Sind, lai Brahman, cái nền Zebu... 

Hiện nay, bê lai F1 giữa giống BBB và cái nền Sind, Brahaman, Zebu tại nước ta lúc mới sinh đã nặng trung bình từ 27 – 32 kg. Do kích thước bê con quá lớn nên bò cái nền đưa vào thụ tinh nhân tạo phải là cá thể được chọn lựa đạt yêu cầu tốt, và đã phải đẻ 1 lứa. 

Bò lai BBB lớn rất nhanh, bình quân mỗi ngày (cả chu kỳ) tăng trọng 1kg, tiêu tốn thức ăn trung bình 35-40 kg thức ăn thô xanh/ngày. Tới 16-18 tháng tuổi, bò đạt trọng lượng từ 450-500 kg/con, tỉ lệ thịt xẻ đạt tới 60%.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.