Thương hiệu là thứ tài sản vô hình của doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng. Thông thường, giá của các sản phẩm cùng loại của các hãng có thương hiệu lớn luôn cao hơn nhiều lần so với các hãng ít tên tuổi khác. Nhưng, điều này với ngành phân bón có vẻ không đúng…
Phân bón Lâm Thao – một thương hiệu mạnh
Phân bón Lâm Thao – sản phẩm của Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ những năm 1960 - kết quả của tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô (cũ). Nhà máy Supe Lâm Thao khi ấy chỉ sản xuất sản phẩm duy nhất là Supe lân Lâm Thao với công suất 100.000 tấn/năm để phục vụ sản xuất nông nghiệp của toàn miền Bắc.
Một cửa hàng vật tư, phân bón |
Sau rất nhiều lần thay đổi công nghệ sản xuất, đến nay, phân bón Lâm Thao với thương hiệu 3 nhành lá cọ xanh đạt năng lực sản xuất gần 2 triệu tấn phân bón các loại/năm (bao gồm supe lân, lân nung chảy và NPK các loại), trở thành một thương hiệu hàng đầu trong ngành sản xuất phân bón nước nhà.
Để đạt được thành tựu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như ngày nay, ngoài những nỗ lực mạnh mẽ trong việc đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng năm, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đầu tư hàng tỉ đồng để duy trì và phát triển thương hiệu “Phân bón Lâm Thao”, nâng cao giá trị thương hiệu, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm phân bón khác. Điều này được thể hiện rõ qua các giải thưởng và danh hiệu Đảng, Nhà nước và người tiêu dùng bình chọn, trao tặng.
Các giải thưởng và danh hiệu gần đây nhất mà Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã đạt được bao gồm:
+ Năm 2014: Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam, Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
+ Năm 2015: Thương hiệu xanh, Sản phẩm phục vụ nông nghiệp tiêu biểu, Giải thưởng Bông lúa vàng lần II cho sản phẩm NPK-S các loại (Lần thứ I năm 2012 cho sản phẩm Supe lân và Lân nung chảy), Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam
+ Năm 2016: Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam…
Không chỉ được bà con trên cả nước tin dùng, phân bón Lâm Thao còn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Ngoài các giải thưởng liên quan đến chất lượng, Lâm Thao còn được tôn vinh nhiều lần ở các lĩnh vực như: Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng, Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu, Doanh nghiệp tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới…
Trăn trở bài toán thương hiệu
Đảo qua chỉ một vài cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, có đến hàng trăm loại phân bón của nhiều đơn vị sản xuất khác nhau được bầy bán. Những sản phẩm cùng loại (hoặc có hàm lượng tương đương) hoặc nhìn ngoài “gần giống” với phân bón Lâm Thao cũng lên đến con số hàng chục.
Tuy nhiên, mặc dù chỉ xuất hiện trên thị trường được vài năm, thậm chí có loại chỉ được bày bán 1, 2 vụ nhưng lại có giá bán bằng hoặc gần bằng của Lâm Thao. Chúng được các cửa hàng này bán theo dạng bán “bia kèm lạc” tức muốn mua hàng tốt thì phải mua kèm theo hàng chưa tốt thậm chí là giấu luôn hàng tốt đi, chỉ bán hàng có chiết khấu cao, bất biết chất lượng thế nào.
Thông thường, giá của các sản phẩm cùng loại của các hãng có thương hiệu lớn luôn cao hơn nhiều lần so với các hãng ít tên tuổi khác. Ví dụ hai xe ô tô kiểu dáng và nội thất gần như nhau, nhưng xe của Toyota luôn đắt gần gấp 3 lần của Trung Quốc. Hay đơn giản như các dòng bánh trung thu của Kinh Đô luôn có giá cao hơn nhiều so với các dòng bánh cùng loại khác. Nhưng với phân bón, đặc biệt là các dòng sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng trung bình như NPK 5.10.3, NPK 6.8.4… rất khó để có thể áp dụng nguyên tắc này. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo ông Phạm Đức Thành, Phó phòng Kinh doanh Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao: Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá bán các loại phân bón Lâm Thao không cao hơn đáng kể so với các hãng ít tên tuổi khác cùng loại, nhưng chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, phân bón là sản phẩm để phục vụ người nông dân.
Việt Nam có đến 70% dân số sinh sống và làm việc ở khu vực nông thôn, đây là lực lượng đông đảo nhất nhưng đồng thời cũng là lực lượng có trình độ dân trí ở mức thấp - cơ sở để các mặt hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng được bầy bán một cách công khai lại dễ dàng quan mặt được một bộ phận lớn người nông dân thiếu hiểu biết.
Trong năm 2016, 2017, 2018 các Trạm giao dịch ngoài Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (đặc biệt là vùng Sơn La, Bắc Giang, Lạng Sơn và Hải Dương) đã phát hiện rất nhiều trường hợp làm nhái hoặc giả mẫu mã các sản phẩm phân bón của Lâm Thao bày bán trà trộn với các sản phẩm “thật” của Lâm Thao nhưng với giá thấp hơn từ 100 – 200đ/kg để đánh lừa người dân.
Mặc dù hàng tuần, Công ty vẫn liên tục tổ chức các lớp tập huấn “Hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao” tại các địa phương trên cả nước để ngoài việc hướng dẫn bà con sử dụng phân bón đúng cách còn hướng dẫn họ cách phân biệt sản phẩm phân bón Lâm Thao “thật” với các sản phẩm giả, nhái và kém chất lượng khác. Tuy nhiên, vẫn không ít vụ phân bón giả, nhái và kém chất lượng khác bị phát hiện và bà con vẫn phải hàng ngày chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Để tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng, ông Phạm Đức Thành cũng khuyến cáo bà con nên mua phân bón tại các cửa hàng bán phân bón Lâm Thao nằm trong hệ thống phân phối của Công ty, cần lưu ý logo Công ty là ba nhành cọ xanh có răng cưa kèm theo chữ Lâm Thao, chứ không phải là 3 nhành lá khoai hay 3 chồi non… như của một số hãng. |