| Hotline: 0983.970.780

Nhật Bản hỗ trợ

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:09 (GMT+7)

Nhật Bản hỗ trợ kinh phí cho nông dân nghèo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre phòng trừ bệnh vàng lá Greening trên cây có múi...

Để giúp nhà vườn ĐBSCL phòng trừ bệnh vàng lá Greening trên cây có múi, giai đoạn 2011-2015, Nhật Bản hỗ trợ kinh phí cho nông dân nghèo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre thực hiện dự án (DA): “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn cho nông dân nghèo ở ĐBSCL”.

Bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT, GĐ BQLDA cây có múi JICA Bến Tre cho biết: DA đã thực hiện được hơn 1 năm tại 3 hộ dân trồng cam sành ở hai xã Thạnh Ngãi và Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) trên diện tích 1,7 ha theo phương cách hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian 5 năm.

Năm 2012, DA tiếp tục chọn thêm 10 hộ dân ở xã Thạnh Ngãi, Tân Phú Tây, Phú Mỹ và Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc thực hiện mô hình trên diện tích 5,4 ha. Nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ chi phí cải tạo đất và cách thiết kế vườn, cây giống sạch bệnh, cây trồng chắn gió và phân bón, thuốc BVTV. BQLDA cây có múi JICA Bến Tre đang nhân rộng mô hình ra 8 xã: Phú Mỹ, Tân Phú Tây, Phước Mỹ Trung, Thạnh Ngãi, Tân Thanh Tây, Hưng Khánh Trung A, Hòa Lộc và Thành An (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Mô hình ưu tiên cho hộ nghèo trồng cam, có diện tích đất tối thiểu 0,25 ha, phải có ít nhất một lao động trực tiếp canh tác. Bước đầu Dự án cây có múi JICA đã đạt kết quả khá tốt.


Phòng trị bệnh tốt sẽ giúp vườn cây cho năng suất cao

Ông Võ Văn Rô, ở ấp Ông Trung, xã Thạnh Ngãi, là một trong 3 nông dân tham gia mô hình mẫu đầu tiên nói: DA đã hỗ trợ nhà vườn từ cách thiết kế vườn, cung ứng cây giống trong nhà lưới, giống cây sạch bệnh, bón phân lót trước khi trồng, bón phân bổ sung và bón thúc giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh, hỗ trợ kỹ thuật trồng ổi xen trong vườn cam để xua đuổi rầy chổng cánh. Hiện tại, vườn cam của ông Rô đã ngăn ngừa được bệnh vàng lá Greening nguy hiểm sau hơn 1 năm trồng, cây phát triển rất tốt.

Tỉnh Hậu Giang hiện có 27.742 ha cây ăn trái, trong đó có 12.700 ha cây có múi, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ và TX Ngã Bảy. Trong đó có một số loại cây được coi là đặc sản như bưởi Năm Roi, quýt đường. Năm nay dịch hại trên cây có múi xuất hiện nhiều trên cây có múi ở Hậu Giang, đặc biệt là dịch sâu đục trái bưởi. Ông Võ Minh Phúc, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, dịch sâu đục trái bưởi bắt đầu bùng phát mạnh từ sau Tết Nguyên đán, làm 1.291/1.722 ha bưởi của tỉnh bị thiệt hại, dẫn đến giảm năng suất trên 70%. Ngoài ra, sâu cũng tấn công một số loại cây có múi khác như cam sành, chanh.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: Hầu hết các nhà vườn áp dụng đúng theo biện pháp khuyến cáo của ngành chuyên môn đều đã khống chế được dịch sâu đục trái bưởi. Tuy nhiên, lo ngại hiện nay là đối với những hộ trồng lẻ tẻ, họ ít quan tâm đến biện pháp phòng trừ nên đã tạo điều kiện cho sâu có môi trường sinh sống và lây lan sang các khu vườn khác.

Tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được coi vùng chuyên canh quýt hồng lớn nhất ở ĐBSCL, với diện tích 1.500 ha, mỗi năm cho ra thị trường trên 40.000 tấn trái. Bà Lê Thị Thủy, Chi cục phó Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 25.000 ha trồng cây ăn trái, trong đó trồng cây có múi như bưởi, cam, quýt hồng và chanh chiếm khoảng 40%. Những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên cây có múi xuất hiện rải rác, riêng trên cây quýt hồng, chủ yếu xuất hiện 2 bệnh thường gặp là thối rễ và bệnh loét trên thân và lá.

Để phòng trừ dịch hại hiệu quả trên cây có múi cần quản lý tốt các đối tượng sâu và bệnh hại như rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rầy mềm (đối với giai đoạn từ khi ra hoa đến đậu trái). Áp dụng phương pháp tổng hợp IPM, nếu mật số côn trùng cao sử dụng dầu khoáng DS 98.8 EC, SK 99, Abatimec hoặc một số thuốc hóa học Selecron 50 ND, Regent 800 WG, Confidor 100 SC, Actara 25 WG để phòng trị. Trong giai đoạn này không nên phun thuốc quá 2 lần.

Giai đoạn từ khi đậu trái đến khi thu hoạch cần quản lý các đối tượng côn trùng và bệnh hại như nhóm nhện, rầy mềm, rệp sáp, bọ trĩ, bệnh ghẻ, bệnh loét. Áp dụng phương pháp tổng hợp IPM để phòng trị, nên sử dụng các loại thuốc có gốc sinh học, hạn chế phun thuốc hóa học nếu thật sự cần thiết có thể phun một số loại thuốc như Vertimec 1.8EC, Comite 73EC, Ortus 5 SC, Regent 5SC, Admire 50EC. Nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc tránh các loại côn trùng kháng thuốc.

Th.s Nguyễn Duy Cường, Bộ môn BVTV, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam:

Trên cây có múi thường xuất hiện các loại bệnh như: Bệnh vàng lá Greening (Huanglongbing), bệnh Tristeza trên cam quýt, bệnh loét trên lá do vi khuẩn (Xanthomonas Campestris pv. citri), bệnh chết rạp, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh héo rũ Clitocybe tabescens, rệp sáp, bệnh xì mủ trên thân cây, bệnh ghẻ, bệnh chết cành do nấm Phomopsis citri, bệnh vết dầu loang, bệnh phấn trắng.

Các loại bệnh trên cây có múi thường xuất hiện quanh năm, tuy nhiên bệnh thường phát triển thành dịch vào đầu mùa nắng, tháng 11- 12 (DL) hằng năm. Cây chết hàng loạt vào tháng 1 đến tháng 4 (DL) và có thể tiếp tục kéo dài trong mùa mưa năm sau. Vì vậy,  cần quan tâm đến các biện pháp phòng trừ tổng hợp, để hạn chế sâu bệnh.

Quét vôi vào gốc cây vào cuối mùa nắng và đầu mùa mưa, mỗi năm nên bón vôi vào vùng đất xung quanh hệ thống rễ. Khi thấy hệ thống rễ bị bệnh, nên cắt bỏ rễ bệnh, quét hoặc tưới thuốc đặc trị vào vùng rễ, sau 15-20 ngày bón phân hữu cơ, tốt nhất là phân gà, cung cấp nấm đối kháng Trichoderma. Thu gom và đốt hết các xác bã thực vật có thể mang mầm bệnh nấm trên mặt đất. Trong vườn cây có nhiều cây bị bệnh, tránh tưới phun lên tán cây vì vô tình sẽ mang mầm bệnh lên phần tán cây. Nếu trong vườn có nhiễm tuyến trùng thì nên rải Regent 0,3G kết hợp với tưới thuốc Ridomyl Gold. Khi trồng mới nên lên mô cao, hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm