| Hotline: 0983.970.780

Nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần tăng tốc đề án 1 tỷ cây xanh

Thứ Bảy 17/02/2024 , 06:05 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị địa phương tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp lồng ghép các chương trình để thực hiện đúng tiến độ đề án.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị (phải) trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây ngày 15/2, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị (phải) trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây ngày 15/2, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Sau 3 năm triển khai Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", cả nước trồng gần 770 triệu cây, đạt hơn 120% so với kế hoạch 3 năm, trong đó có gần 335 triệu cây phân tán và hơn 210.000ha rừng (tương đương hơn 435 triệu cây tập trung).

Có được kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, là bởi nhiều tỉnh và bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đã có cách làm hay, hoạt động sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Thứ trưởng chỉ rõ, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như: Một Việt Nam xanh, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè...

Đặc biệt, Trung ương Ðoàn đã xây dựng và vận hành bản đồ số "Vì một Việt Nam xanh" để giới thiệu về rừng và hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh, giúp nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân về vai trò của rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Về phía địa phương, tỉnh Quång Ngãi đã huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp vào "Quỹ trồng cây xanh" trị giá hơn 5,7 tỷ đồng, trong đó hơn 770 triệu tiền mặt và 127.000 cây xanh, góp công cho tổng số 5 triệu cây cho đề án 1 tỷ cây xanh.

Tại tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng chương trình "Sống khỏe góp xanh", góp phần trồng được 10.000 cây đa dụng tại khu vực Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già.

Tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số, và hoàn thành phần mềm quản lý cây xanh, bản đồ số về cây xanh trên phạm vi toàn tỉnh mang tên "Thai Nguyen Smart Trees", giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin về cây xanh trên địa bàn.

Đề án 1 tỷ cây xanh ngày càng được đông đảo tầng lớp người dân quan tâm, ủng hộ. Ảnh: Bảo Thắng.

Đề án 1 tỷ cây xanh ngày càng được đông đảo tầng lớp người dân quan tâm, ủng hộ. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng ghi nhận sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức. Cụ thể, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) đã xây dựng Dự án "Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh". Dự án đã tổ chức cho 360 chủ rừng trồng hơn 530ha rừng, với gần 600.000 cây bản địa.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA, từ nguồn tài trợ và tham gia của hơn 100 doanh nghiệp và 5.000 cá nhân, đã tổ chức trồng gần 700.000 cây xanh, tương đương hơn 320ha, trong đó có 110ha khoanh nuôi tái sinh tự nhiên tại rừng ngập mặn Cà Mau.

Từ hơn 2.200 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, đề án đã huy động thêm được hơn 4.100 tỷ đồng vốn xã hội hóa và 3.000 tỷ đồng vốn ODA cùng một số nguồn khác. Tính tổng cộng, đề án đã huy động gần 9.500 tỷ đồng vốn trong giai đoạn 3 năm đã thực hiện.

Đánh giá chung về việc tổ chức thực hiện đề án, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng các địa phương đã có sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực. Trong đó, 55 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Một số nơi còn nêu rõ danh mục cây trồng, cây bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế.

"Sự quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách lồng ghép với các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương; Phong trào xã hội hóa trồng cây phân tán được quan tâm, ủng hộ giúp đề án có được kết quả như ngày hôm nay", lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ.

Hai năm cuối của đề án, Thứ trưởng lưu ý quỹ đất trồng rừng mới sẽ ngày càng hạn hẹp. Ngoài ra, việc duy trì, phát triển quỹ đất cây xanh đô thị sẽ gặp rào cản bởi mục đích phát triển kinh tế của địa phương cũng gây ảnh hưởng.

Thứ trưởng đề nghị địa phương thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết vướng mắc trong thời gian triển khai đề án, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu.

Cùng với đó, rà soát quỹ đất, huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để quyết tâm hoàn thành đề án theo tiến độ và kế hoạch đã đề ra.

Đề án 1 tỷ cây xanh được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/4/2021, với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng 690 triệu cây phân tán, 310 triệu cây tập trung. Tính trung bình mỗi năm, 138 triệu cây phân tán và 36.000ha rừng (tương đương 62 triệu cây) được trồng mới. Con số này cao gấp hơn 1,5 lần so với năm 2020.

Nhằm thực hiện một cách hiệu quả, đúng kế hoạch, đề án tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai, nhất là với nhiệm vụ trồng cây phân tán tại các đô thị.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.