Cọp ngồi nghe kinh
Thiên Bửu Thạch tự còn có tên gọi là chùa Ông Đá nằm bên sườn Bắc ngọn núi Bà thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định. Chùa là một hang đá tự nhiên. Câu chuyện vị sư khai sáng chùa ngồi tụng kinh, giọng kinh đã khiến đàn cọp hung dữ sống trong hang đá bên cạnh trở nên lành hiền, thường xuyên ra chùa ngồi lim dim mắt nghe kinh đã dẫn dắt tôi làm một chuyến ngao du lên chùa Ông Đá.
4 chữ "Thiên Bửu Thạch tự" được khắc trên mặt trước khối đá lớn làm mái chánh điện chùa Ông Đá |
Theo Đại đức Thích Nhuận Hiếu, dù không được lịch sử ghi lại, nhưng theo lưu truyền trong dân gian thì chùa Ông Đá được hình thành đã hơn 300 năm, cùng thời với Linh Phong Thiền tự (chùa Ông Núi) ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.
Tương truyền, ngày ấy dân làng này bị bệnh dịch tả chết vô số. Một hôm, có vị sư phái Mật Tông du hành ngang qua đây, thấy tình cảnh dân chúng như vậy động lòng thương xót bèn ở lại. Vốn có y thuật giỏi, nên vị sư ngày ngày hái thuốc nam chữa bệnh cứu người. Hiện nay, những bậc lão niên ở làng Chánh Oai còn truyền tụng công đức của nhà sư.
Trong thời gian vị sư Mật Tông lưu lại, thấy phong cảnh ở đây thanh tịnh, vị sư xin dân làng dựng cho một thảo am trong hang đá trên núi Cấm làm nơi tu hành, làm thuốc trị bệnh cứu người, dân gian gọi là chùa Ông Đá. Sau khi dân làng vượt qua đại nạn bệnh dịch tả, vị chân sư kia âm thầm ra đi. Không ai biết ngài đi đâu, chỉ còn thấy trên vách hang đá có bốn chữ Thiên Bửu Thạch Tự, giờ vẫn còn nguyên vẹn trước hang chánh điện.
Bô lão làng Chánh Oai kể rằng vị sư trên núi Cấm có thể nói cọp nghe. Phía trên hang đá vị sư lập chùa làm nơi tu hành còn có một hang đá khác, nơi cư ngụ của đàn cọp, đầu đàn là cọp bạch rất hung tợn.
Hang cọp nằm bên cạnh chánh điện chùa Ông Đá |
Trước kia, dân làng luôn sống trong sợ hãi vì đàn cọp thường xuyên xuống làng quấy phá. Khi nhà sư về ở hang đá bên cạnh, ngày ngày gõ mõ tụng kinh, đàn cọp chẳng những đã không vồ ông mà còn trở nên hiền lành, ngày ngày ngồi quanh hang đá chánh điện để nghe kinh. Từ đó, đàn cọp hết hung hãn, không còn xuống làng quấy phá như xưa. Thậm chí phật tử trong làng lên chùa cúng Phật, đàn cọp trông thấy nhưng không phản ứng gì, hiền như những chú mèo.
Ông Núi cứu nhân độ thế
Người xưa kể lại, người khai sáng Linh Phong Thiền tự là 1 nhà sư rất bí ẩn, được dân gian đặt tên là Ông Núi. Tương truyền, khi ấy cửa Thử đã dần dần bị bồi lấp, người dân tụ tập về thành lập khu dân cư, nay là thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định.
Ngày ấy, dịch tả hoành hành, dân làng chết như ngả rạ. Đang trong cơn tuyệt vọng, bỗng một nhà sư bí ẩn xuất hiện cho thuốc cứu dân, nhưng không tiết lộ nhân thân. Một đêm, vị đứng đầu làng Phương Phi khi ấy nằm chiêm bao, thấy một người đàn ông tướng tá hoang dã hiện ra trong mộng. Nghĩ đây chính là người đã cứu dân làng Phương Phi thoát khỏi đại nạn dịch tả, nên hỏi tên để lập miếu thờ. Người đàn ông trong mộng kia xưng là Lê Ban, rồi biến mất. Người đứng đầu làng họp dân, kể về giấc mơ, sau đó lập miếu thờ, người dân địa phương gọi là miếu Ông Núi.
Chùa Ông Núi nhìn xuống làng Phương Phi |
Theo sách Đại Nam Nhất Thống chí, vào năm Chính Hoà thứ 11 nhà Lê (1702), lúc ấy ở Đàng Trong chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đang trị vì, có một người tên gọi Lê Ban đến chùa Ông Núi tu hành. Ngôi chùa đầu tiên lợp bằng cỏ tranh được đặt tên là Dũng Tuyền. Nhà sư sống ở trên núi quanh năm, hiếm khi xuống đồng bằng. Dân gian truyền tụng nhà sư sống rất thanh bần, dùng vỏ cây làm quần áo, thỉnh thoảng mới quảy một gánh củi nặng người thường không thể quảy nổi xuống chân núi, nơi có ngã ba đường thường có người qua lại, để đó rồi về. Người địa phương cần củi thì đem gạo, muối đến đổi, gánh củi về.
Ngày hôm sau nhà sư mới xuống núi lấy gạo, muối nhưng không bao giờ quan tâm đến sự thiếu đủ, ít nhiều. Nếu thấy gạo, muối nhiều quá thì phân phát bớt cho dân chứ không lấy hết. Dân trong vùng gọi nhà sư là Ông Núi. Cũng bởi vậy mà chùa Linh Phong Thiền tự trong dân gian còn có tên là chùa Ông Núi. Nhà sư còn tìm hiểu dược tính cỏ cây trên núi, chế ra những linh dược chữa bệnh cho dân trong vùng. Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh, Ông Núi lại đem thuốc xuống cứu chữa, không bao giờ lấy tiền thuốc hay công chữa bệnh.
Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chu khen Ông Núi là bậc chân tu, sai trùng tu Dũng Tuyền tự và đặt tên chùa là Linh Phong Thiền tự, ban cho Ông Núi pháp hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư. Năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát triệu Ông Núi vào kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông ở kinh gần một tháng thì về, và được chúa ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục. Ông mất năm 1785.
Ông Võ Hợi đứng bên tháp mộ Ông Núi |
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có ghi chép nhiều lần triều đình cấp kinh phí trùng tu chùa Linh Phong vào các thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thành Thái. Vào thời Minh Mạng, một hôm nhà vua bị bệnh, vừa chợp mắt thì mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường hầu quạt, đến sáng thì khỏi bệnh. Khi ngự triều, nhà vua đem giấc mộng hỏi các quan, có người tâu rằng vị sư già đó là Mộc Y Sơn Ông ở chùa Ông Núi. Vua Minh Mạng ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới để thờ, đồng thời cấp 120 lượng bạc để trùng tu lại chùa. Đó là vào năm 1826.
Những dấu tích về ông Núi ngày nay chỉ còn lại ngôi mộ tháp và hang Tổ ở sau chùa Linh Phong. Dân gian cho rằng hang Tổ chính là hang đá mà ngày xưa ông Núi từng ở, từng ngồi niệm kinh tụng Phật. Theo ông Võ Hợi, người được giao việc trông coi hang Tổ, Ông Núi rất hiển linh nên ngày nào cũng có người đến dâng hương, cầu xin sức khỏe, tài lộc, học hành.