| Hotline: 0983.970.780

Nhiều công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng

Thứ Năm 02/08/2018 , 15:05 (GMT+7)

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp Sở NN-PTNT Phú Yên vừa tổ chức diễn đàn "KHCN phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các tỉnh miền Trung". Nhiều công nghệ, quy trình nuôi hiệu quả được giới thiệu...

14-53-11_3
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại diễn đàn

Ônh Lê Hồng Duyệt, Trưởng bộ phận nuôi tôm của Cty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên) cho biết, thời gian qua Cty đã thực hiện thử nghiệm thành công 2ha nhà lưới ương tôm và được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Cty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhà lưới cho ao thương phẩm trong hệ thống hở. Với diện tích nuôi lên đến 30ha, trong đó 20% diện tích là hệ thống xử lý nước đầu ra, đầu vào và 70% diện tích hệ thống ao nuôi, tại xã Xuân Hải, TX Sông Cầu.

Theo anh Duyệt, nhà lưới là giải pháp công nghệ để khắc phục khó khăn trong nuôi tôm do biến đổi khí hậu và dịch bệnh bùng phát. Quy trình này có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, toàn bộ hệ thống ao nuôi lót bạt HPDE (0,05mm) trong nhà lưới, với độ che phủ 50 - 60%, giúp ao nuôi tách biệt với môi trường bên ngoài, giảm cường độ chiếu sáng, nhiệt độ giữa ngày và đêm... đảm bảo an toàn sinh học.

Về nguồn nước, Cty sử dụng hoàn toàn nước mặn từ 28 - 32 ppt (tùy mùa). Nguồn nước khai thác bằng nước biển ven bờ bằng ống lọc đặt ngang. Khai thác nước tập trung, ống lọc đường kính D200-250mm, bằng nhựa khoan lỗ 10mm, quấn lưới lọc. Chiều dài ống lọc 100m, nằm ở độ sâu 2 - 3m. Thi công bằng phương pháp đào hở, sau đó thả ống lọc, bọc lớp đá dăm xung quanh và lấp lại.

Một đầu ống lọc cặp mép nước biển, đầu kia nối với máy bơm, sau đó bơm vào xi lô đặt trên cao, từ đó dẫn vào ao lắng. Nước đầu vào được đưa đến ao xử lý nước sẵn sàng, kiểm tra các thông số môi trường, vi khuẩn, virus trước khi xử lý để chuẩn bị nuôi.

“Nuôi nước mặn tôm chậm lớn hơn, nhưng có nhiều ưu điểm. Độ mặn càng cao thì vi khoáng có sẵn trong nước dồi dào đủ để cung cấp cho tôm hấp thu, nên không cần bổ sung. Tôm nuôi săn chắc, màu đẹp, chất lượng thịt ngon, thị trường ưu chuộng...”, anh Duyệt chia sẻ.

Bên cạnh đó, công nghệ nuôi tôm nhiều giai đoạn hay còn gọi đa chu kỳ hay đa ao có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên công nghệ nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn kết hợp với công nghệ biofloc/semi-biofloc càng mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, giai đoạn 1 (PL 12-27, tương ứng 15 ngày) tập trung vào việc cải thiện khả năng thích ứng với môi trường, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, khai thác nước trong cát để cấp cho NTTS khu vực miền Trung là xu hướng ngày càng phổ biến. Để không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm cần áp dụng khai thác nước biển trong cát bằng ống thu nước nằm ngang. Viện cũng đề xuất kết cấu mới để làm ống thu nước ngang, sử dụng ống lọc Nagaoka giúp độ mở gấp 10 lần so với ống đục lỗ quấn lưới thông thường...

Nhờ áp dụng công nghệ này, Cty TNHH Trúc Anh (Bạc Liêu), Cty Vĩnh Thịnh và trang trại Chính Mỹ (Khánh Hòa) đã thu được hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và đảm bảo môi trường nuôi.

Anh Lê Minh Chính, chủ trang trại Chính Mỹ chia sẻ, quy trình ương tôm giai đoạn 1 trong bể bạt của anh có diện tích 80m2, từ PL 12-27, mật độ 7.500 - 12.500 con/m2 . Sau 15 ngày tôm ương đạt tỷ lệ sống 90 - 95%, trọng lượng 0,4 - 0,5 g/con, chiều dài 25 - 30mm, sau đó được chuyển qua ao nuôi giai đoạn 2. Ao nuôi có diện tích khoảng 1.500 - 1.600m2 với quy trình nuôi 3 giai đoạn.

Ao nuôi được cải tạo, cấp nước gây màu bằng cách đánh vi sinh (giống như giai đoạn ương) trước khi nuôi từ 3 - 5 ngày, nhằm giúp vi khuẩn dị dưỡng trong môi trường nuôi chiếm ưu thế, thúc đẩy nhanh hơn quá trình hình thành biofloc. Từ đó, giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

“Việc ương tôm trên bể theo công nghệ biofloc có nhiều lợi thế hơn quy trình nuôi truyền thống như dễ kiểm soát môi trường, chất lượng nước tốt, kiểm soát mầm bệnh; tôm tăng trưởng chậm nhưng khi chuyển giai đoạn tăng trưởng bù sau 20 - 25 ngày; tỷ lệ tôm sống cao; chi phí sản xuất thấp 10 - 20%; nhưng tăng số vụ nuôi trong năm từ 3 - 4 vụ”, anh Chính khẳng định.

Ông Nguyễn Trung Hưng, Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, giải pháp nuôi tôm của đơn vị là "phòng là chính". Hiện Cty có nhiều chương trình nuôi tôm được áp dụng hiệu quả. Cụ thể là chương trình CPF-Turbo Program, đưa ra 4 yếu tố quyết định đến thành bại trong nuôi tôm. Một là, tôm giống sạch bệnh. Hai là, thức ăn phải phù hợp cho từng giai đoạn. Ba là, hệ thống an toàn sinh học ngăn ngừa mầm bệnh. Thứ tư là chăm sóc. Hay nuôi tôm CPF-Combine Program là chương trình tổng hợp những gì tốt nhất từ CPF- Turbo Program, CPF-Green House và 3C (tôm sạch, nước sạch, đáy ao sạch).

14-53-11_2
Mô hình nuôi tôm tại trang trại Chính Mỹ

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá cao việc chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thành công, hiệu quả của các DN, cũng như các giải pháp, định hướng phát triển nghề nuôi tôm trên cát theo hướng bền vững của các nhà khoa học.

Qua các công nghệ, quy trình mới, ông Luân khuyến khích người nuôi chọn lựa, phổ biến và nhân rộng. Cần có sự chia sẻ, gắn kết giữa 3 nhà “nhà nước, DN và nông dân” để nuôi tôm an toàn, hiệu quả, bền vững.

 

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển