Theo nông dân tại các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng..., thời điểm này, do thời tiết nắng nóng, ẩm độ không khí khá cao, kết hợp các trà lúa đang bước vào giai đoạn đòng đến trổ nên tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa đông xuân.
Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ đầu tháng 2, trên địa bàn tỉnh có 4.994ha lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh, chủ yếu gây hại trên trà lúa làm đòng đến chắc xanh.
Diện tích lúa bị đối tượng gây hại nhiều nhất là rầy nâu (1.453ha, mật số rầy từ 500 - 650 con/m2), tập trung nhiều ở huyện Tam Bình (1.147ha); kế đến là bệnh đạo ôn 989ha (tỷ lệ nhiễm 5 - 10%) và sâu cuốn lá 738ha (mật số 5 - 10 con/m2).
Tại Trà Vinh trong tuần qua, hệ thống giám sát côn trùng thông minh trong tỉnh cũng đã phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy xanh đuôi đen, muỗi hành... xuất hiện với mật độ cao nhất 216 con/bẫy đèn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, dự báo thời gian tới, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng; bệnh đạo ôn lá, chuột sẽ xuất hiện rải rác trên trà lúa đẻ nhánh và bệnh bạc lá, vàng lá sinh lý do thời tiết sẽ xuất hiện, gây hại trên trà lúa đòng đến trổ.
Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh khuyến cáo bà con nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu, bệnh và phòng trừ kịp thời, đặc biệt chú ý sâu cuốn lá nhỏ nở và gây hại.
Đối với vụ đông xuân, cây lúa rất dễ mẫn cảm với điều kiện thay đổi của thời tiết, thường có hiện tượng vàng lá sinh lý và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhất là trong điều kiện thời tiết ngày nắng nóng, đêm lạnh và gió mạnh như hiện nay.
Ông Sơn đề nghị bà con nông dân bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, tăng cường phun phân bón lá chứa hàm lượng canxi, silic... giúp lá lúa dày và cứng, hạn chế tối thiểu tổn thương do gió. Đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị thiệt hại nặng hơn.