| Hotline: 0983.970.780

Nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng đến tháng 6

Chủ Nhật 25/02/2024 , 14:13 (GMT+7)

Năm 2024, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 6, thị trường xuất khẩu ngành gỗ dần có tín hiệu phục hồi…

Cải tiến, đổi mới công nghệ để tồn tại

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Bình Định giảm sút mạnh do thiếu hụt đơn hàng, nhiều doanh nghiệp bị đối tác hoãn hoặc hủy đơn hàng, dẫn đến hàng tồn kho nhiều, trong khi giá các loại nguyên vật liệu đều tăng…

Do đó, trong năm 2023 kim ngach xuất khẩu của ngành gỗ Bình Định giảm 2,3% so với năm trước. Bước vào mùa sản xuất năm 2024, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã có đơn hàng đến tháng 6, nhưng theo dự báo vẫn còn không ít khó khăn, nên các doanh nghiệp phải linh động nắm bắt cơ hội để sớm phục hồi.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ Bình Định đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; nhưng nếu tính riêng khối doanh nghiệp thì Bình Định đứng thứ 2, chỉ sau Bình Dương.

Ông Lập nhận định: Trong năm 2024, các doanh nghiệp ngành gỗ nói chung vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, ví như tình trạng sụt giảm đơn hàng vẫn còn tồn tại, các thị trường xuất khẩu lớn yêu cầu nghiêm ngặt hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, cải tạo công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, cải tạo công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay, ngoài những doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến tháng 6, còn các doanh nghiệp nhỏ mới chỉ nhận được đơn hàng bảo đảm sản xuất đến tháng 3/2024, nếu không tìm được thêm đơn hàng mới thì những doanh nghiệp này có khả năng phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Một vấn đề mà ngành gỗ cả nước cần làm ngay là ngoài việc tìm kiếm đơn hàng còn cần phải quan tâm đến cơ cấu sản xuất xanh theo hướng bền vững. Đây là xu thế chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam trong năm 2024”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, ngành gỗ tỉnh này đã cho thấy tín hiệu thị trường xuất khẩu đang ấm trở lại, khả năng phục hồi tăng nhanh trong quý I/2024.

Đó cũng là cơ hội để ngành gỗ Bình Định phục hồi “phong độ cũ” và tiếp tục phát triển. Do đó, trong năm 2024, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt trên 1 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu nói trên, cũng theo ông Lê Minh Thiện, cùng với việc tìm kiếm đơn hàng, giữ nhịp độ sản xuất, xuất khẩu; trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, trong năm 2024, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định cần phải tái cơ cấu, thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường lớn thế giới.

“Trước mắt, các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định cần tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng, cấu trúc lại toàn bộ hoạt động theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực”, ông Lê Minh Thiện chỉ ra những việc cần làm của các doanh nghiệp ngành gỗ trong năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 6/2024. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 6/2024. Ảnh: V.Đ.T.

Về tương lai của ngành gỗ của Việt Nam đối với các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới, nhất là châu Âu, theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends), 2 yêu cầu cốt yếu mà các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải tuân thủ để các sản phẩm gỗ được tiêu thụ hanh thông là không gây mất rừng và bảo đảm hợp pháp.

“Hiện nhiều khách hàng trong các thị trường tiêu thụ lớn mặt hàng gỗ của Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, ví như các sản phẩm gỗ phải có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT), Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp, nên các doanh nghiệp phải thích nghi và tuân thủ nghiêm cẩn”, ông Tô Xuân Phúc cho hay.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhận thấy cần phải thay đổi để tồn tại, bà Đồng Thị Ánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Pisico Bình Ðịnh-Công ty CP, cho hay: Từ quý IV/2023, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thế giới đã dần phục hồi.

Bước sang năm 2024, Tổng Công ty Pisico tập trung vốn đầu tư thêm máy móc, thiết bị tiên tiến, cải tạo công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của ngành gỗ để phát triển theo xu thế của thế giới.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển các ngành nghề chủ lực, giữ vững quan hệ với các khách hàng hiện có; đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ mở rộng ngành nghề kinh doanh, nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng 1 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Vân Canh hoặc tại huyện Tây Sơn”, bà Ánh cho hay.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Định sẽ trồng mới và chuyển hóa khoảng 10.000 ha rừng gỗ lớn.Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp vào cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cam kết chính quyền tỉnh này sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và khẳng định: “Thành công của doanh nghiệp là thành công của chính quyền”.

Đến năm 2025, Bình Định sẽ trồng mới và chuyển hóa khoảng 10.000 ha rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Đến năm 2025, Bình Định sẽ trồng mới và chuyển hóa khoảng 10.000 ha rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo đó, ông Phạm Anh Tuấn đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với Công ty Cổ phần Hội chợ ngành gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR) tiến hành công tác chuẩn bị tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế đồ gỗ trong nhà, ngoài trời và trang trí sân vườn tại Bình Định năm 2024.

Ông Tuấn đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành liên quan sát cánh với các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế đồ gỗ và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ ngành gỗ trong nước như HawaExpo 2024, Bifa Wood 2024; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới, tiềm năng cho từng đề án, thị trường cụ thể như Hoa Kỳ, các nước trong khối EVFTA, CPTPP.

Đặc biệt là hỗ trợ, hình thành mạng lưới doanh nghiệp, bán hàng, tiếp thị sản phẩm ở một số thị trường trọng điểm, từ đó thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế.

“UBND tỉnh Bình Định đã tập trung kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dự án mới có quy mô và công suất lớn đưa vào hoạt động sản xuất, góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng chung.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến dăm và viên nén gỗ liên kết với người trồng rừng đầu tư, phát triển rừng gỗ lớn bằng cách trồng mới hoặc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn để chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh.

Gỗ rừng trồng được các doanh nghiệp chế biến gỗ làm nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Gỗ rừng trồng được các doanh nghiệp chế biến gỗ làm nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, đơn vị này đã có kế hoạch phối hợp với các Hiệp hội bạn và các tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam như VCCI, Ban IV, Forest Trends, ILO, TRAFFIC, SIPPO, WWF, GIZ... tổ chức nhiều hội thảo thương mại về sản phẩm gỗ; đào tạo, chuyển giao công nghệ theo các chủ đề hội viên quan tâm, như: Kiểm kê phát thải khí nhà kính, giải pháp đáp ứng Net Zero, tuân thủ các quy chế EUDR, đạo luật Lacey.

Tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm các nhà máy tiêu biểu trong nước, tạo điều kiện giao lưu hợp tác liên kết mở rộng kết nối giao thương để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành các cấp của các doanh nghiệp, nhà máy. 

“Vượt qua những khó khăn của năm 2023, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã có đơn hàng hoạt động đến giữa năm 2024. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động thương mại, diễn biến thị trường và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; đồng thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời phản ánh, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành gỗ. Sắp tới, lãnh đạo tỉnh sẽ đối thoại để cùng tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp”, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương Bình Định thông tin.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.