Những năm gần đây Việt Nam đã vươn lên đứng top thế giới và số 1 châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đồ gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau tiến trình đàm phán kéo dài 8 năm, Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào tháng 10/2018.
Ngày 12/3/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP phê duyệt Hiệp định VPA-FLEGT, có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Hướng đến mục tiêu sản xuất hợp pháp toàn bộ gỗ và các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã được thống nhất giữa đôi bên, từ đó thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng.
Cam kết pháp lý này là nền tảng để Việt Nam và EU cùng hợp tác giải quyết tình trạng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Thực hiện hiệp định cũng là cách Việt Nam thúc đẩy thực hiện “thương mại và phát triển bền vững” một nội dung cốt lõi của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Hiệp định VPA-FLEGT gồm 27 điều và 9 phụ lục kèm theo. Để tạo đà thuận lợi hai bên đã thành lập một Ủy ban thực thi chung Việt Nam-EU (JIC) có trách nhiệm giám sát, đánh giá quá trình thực thi các cam kết đặt ra, đồng thời đảm bảo cơ chế đối thoại, chia sẻ và công bố thông tin.
Phía Việt Nam cũng đã thành lập nhóm nòng cốt đa bên về FLEGT, hoạt động dưới hình thức diễn đàn nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền và giám sát độc lập. Theo một số chuyên gia, dù mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gỗ sang thị trường EU song Hiệp định VPA/FLEGT cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.
Thực thi VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước, hay nhập khẩu vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Như vậy cần thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kéo theo gia tăng chi phí.
Tuy nhiên đây là đòi hỏi tất yếu của thị trường, nhất thiết các doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng khi tham gia vào sân chơi chung. Muốn làm được phải chuyên nghiệp hóa trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhìn tổng thể, VPA/FLEGT mang đến những thách thức, đan xen cơ hội lớn cho Nghệ An, tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn. Từ tiềm năng, lợi thế sẵn có Nghệ An đủ sức trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ vùng Bắc Trung Bộ và Miền Trung.
Điều này được thể hiện rõ qua Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, trong đó Nghệ An là trái tim của dự án.
Để sẵn sàng trong việc triển khai các cam kết quốc tế và chủ động trong hoạt động xuât nhập khẩu khi Hiệp định có hiệu lực, đồng thời pháp huy vai trò đầu tàu trong lĩnh vực chế biến gỗ của vùng, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ đã đề xuất và triển khai nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá khả năng đáp ứng Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn và đưa ra giải pháp tháo gỡ”.
Kết quả phân tích cho thấy trong số 21 huyện/địa phương khảo sát, các doanh nghiệp ở khu vực miền núi thuộc huyện Kỳ Sơn chưa được tham dự. trao đổi về gỗ hợp pháp hoặc VPA-FLEGT, kế đó là Tương Dương, Quế Phong... Ngược lại, khu vực đồng bằng, đặc biệt là vùng trọng điểm của sản xuất chế biến gỗ (Nghi Lộc, Diễn Châu, TP Vinh) đạt tỷ lệ cao, chiếm đến 80%.
Qua phân loại có 30/100 người, tương ứng với tỷ lệ 30% tự đánh giá hiểu biết ở mức rất kém và kém; 38% (38/100) ở mức trung bình, 32% (32/100) ở mức tốt và rất tốt. Như vậy tính trung bình cứ 3 doanh nghiệp mới có 1 đơn vị có hiểu biết tốt về gỗ hợp pháp hoặc VPA-FLEGT…
Từ cơ sở trên thấy rằng ngành gỗ Nghệ An dẫu tiềm năng nhưng chưa phát triển xứng tầm, giữa các vùng còn có sự chênh lệch nhất định. Để thu hẹp khoảng cách và nâng tầm toàn diện, nhất thiết cần sớm hòa vào “dòng chảy” VPA-FLEGT.