| Hotline: 0983.970.780

Nhiều khu bảo tồn biển hiện nay trong tình trạng 'bốn không'

Thứ Tư 21/12/2022 , 12:19 (GMT+7)

Đó là không tiền, không có thẩm quyền, không phương tiện và không cơ sở vật chất. Ấy thế mà việc thực hiện công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Nhận thức của nhiều đồng chí lãnh đạo vẫn chưa đầy đủ trong vấn đề bảo tồn. Có những địa phương tổ chức thả cá, thả tôm, nhưng có ý kiến lại cho rằng thả cá, tôm ở vùng biển tỉnh mình thì nó lại bơi đi vùng biển khác. Đây là một trong những vấn đề mà cần được làm rõ, trước khi bàn đến trách nhiệm là phải nghĩ đến nhận thức.

Nói như Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, bảo tồn biển không phải cứ nói cho qua chuyện.

Chính vì thế, sáng 21/12, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (Bộ NN-PTNT), các cơ quan thuộc Bộ, các lãnh đạo các địa phương, sở NN-PTNT của 28 tỉnh, thành ven biển...

Bảo tồn biển rất quan trọng

Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.

Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô.

Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển.

Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung, phát triển nghề cá và kinh tế thủy sản nói riêng.

Đây là tiền đề để Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá, khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển. Những điều đó góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo.

Ngoài ra, khu bảo tồn biển có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt trên 10 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021.

Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,042 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,858 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn.

Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành Thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh mà nguyên nhân chính là do chưa quản lý, kiểm soát có hiệu quả các hoạt động kinh tế ven biển, ven đảo. Việc xả nước thải chưa qua xử lý, chất thải sinh hoạt trực tiếp ra biển còn khá phổ biến.

Chưa kiểm soát được tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp. Việc sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra. Phát triển du lịch biển một cách tràn lan thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch. Chưa quan tâm đến công tác vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH biển.

Tất cả những yếu tố đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh ĐDSH biển, nguồn lợi thủy sản và suy thoái các hệ sinh thái biển.

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách với các Bộ, ngành, các địa phương ven biển phải có những hành động quyết liệt, kịp thời để từng bước khắc phục hạn chế trên, tiến tới xây dựng ngành kinh tế biển phát triển bền vững.

Nhận thức rõ vai trò của biển đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu Nghị quyết nêu rõ: “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia” với chủ trương lớn: “Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển”.

Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn. 

Để thực hiện các chủ trương và mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đã nêu, ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26 về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của TW.

Có thể thấy, Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là “kim chỉ nam” cho phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung và của mỗi địa phương có biển, ven biển nói riêng.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phúc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hoá là địa phương có tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ sản với đầy đủ loại hình nuôi từ nước mặn, nước lợ đến nước ngọt, gồm các hệ sinh thái cửa sông, vùng triều, bãi bồi, rừng ngập mặn và các rạn san hô.

Thanh Hoá có 1 Khu bảo tồn biển Quốc gia là khu bảo tồn biển Hòn Mê với diện tích 6.700 ha, trong đó có 6.200ha là mặt biển.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Thanh Hoá hết sức quan tâm đến việc bảo tồn biển và dành nguồn lực thực hiện công tác điều tra, nghiên cứu và đánh giá nguồn lợi thuỷ sản.

“Hàng năm chúng tôi tổ chức tháng Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Nói là tháng nhưng chúng tôi kéo dài 2 tháng từ 15/3 đến 15/5 hàng năm và đã thành lập được Khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã qua địa phận 17 huyện và 118 xã”, ông Giang chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản mới chỉ là những kết quả ban đầu. Bởi theo ông Giang, hiện nay có sự "xung đột" về phát triển kinh tế và bảo tồn biển.

Mặc dù Chính phủ đưa Khu bảo tồn biển Hòn Mê là 1 trong 16 khu bảo tồn biển Quốc gia, nhưng lại mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó Khu bảo tồn biển Hòn Mê trở thành một trong những hạng mục cảng biển.

"Thanh Hoá phải lựa chọn giữa việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay đang gặp khó khăn vì hệ thống cán bộ các địa phương rất ít. Một số địa phương chỉ có một vài người làm công tác thống kê, chưa dành nhiều thời gian và kinh phí cho công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Nhận thức của nhiều đồng chí lãnh đạo vẫn chưa đầy đủ trong vấn đề bảo tồn. Có những địa phương tổ chức thả cá, thả tôm, nhưng có ý kiến lại cho rằng thả cá, tôm ở vùng biển tỉnh mình thì nó lại bơi đi vùng biển khác. Cho nên cần thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động để công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được cải thiện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang nói.

Vẫn còn khu bảo tồn "4 không"

Việc bảo tồn biển hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong đó có sự bất cập trong chỉ đạo điều hành, thiếu tính kịp thời, thẩm quyền và hiệu quả quản lý không cao. Vai trò tham mưu quản lý nhà nước về bảo tồn biển của Sở NN-PTNT tại các tỉnh thành còn mờ nhạt; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý khu bảo tồn biển, vườn quốc gia còn hạn chế; thiếu nguồn lực, nhân lực việc đầu tư cho các khu bảo tồn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, người dân, doanh ngiệp về vị trí, vai trò của các khu bảo tồn biển đối với sự phát triển bền vững ngành kinh tế chưa đầy đủ, chưa cao. Hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn biển còn nhiều bất cập, thiếu tính phối hợp giữa các bộ ngành, Trung ương.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

"Bảo tồn là nhiệm vụ rất quan trọng, tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn hiện nay vẫn trong tình trạng "4 không", không tiền, không có thẩm quyền, không phương tiện, không cơ sở vật chất. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm " ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho hay.

Ông Hùng cũng cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo tồn biển, đa dạng sinh hoạc khá đầy đủ, tuy nhiên, vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý bảo tồn biển hiệu quả, bền vững. 

"Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đối với những người làm trực tiếp công tác bảo tồn biển tại các khu bảo tồn; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân trong và xung quanh các khu bảo tồn còn chậm", ông Hùng cho hay.

Một số ý kiến khác cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn cần ban hành chính sách về việc thu phí tham quan tại các khu bảo tồn, chia sẻ doanh thu từ hoạt động bảo tồn từ các hoạt động du lịch trong khu bảo tồn cho các ban quản lý trong khu bảo tồn...

Tuy nhiên, theo một số địa phương việc thu phí hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do không có quy định của pháp luật. Trong khi đó, luật quy định chỉ có các khu vực được công nhận danh lam thắng cảnh mới được thực hiện thu phí.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc bảo tồn biển trong giai đoạn hiện nay cần phải đi vào thực chất hơn, chứ không chỉ nói cho xong chuyện.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của các quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, nhưng nếu hôm nay chúng ta không bảo tồn, ngày mai chúng ta có muốn giữ cũng khó.

Do đó, để bảo tồn tốt, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân; hoàn thiện, triển khai đồng quản lý vấn đề bảo tồn biển; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề bảo tồn; xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động; nâng cao nhận thức về việc bảo tồn thông qua hoạt động truyền thông; nâng cao hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo tồn...

Xem thêm
Ông Phạm Gia Túc làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc giữ chức Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuộc thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật hướng tới chào mừng ngày 20/11

Đồng Nai Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi tổ chức Chung kết cuộc thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật năm học 2024-2025 hướng tới chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.