Hiệu quả
Sau 5 năm tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Cùng với đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện; nhận thức pháp luật và ý thức của người dân có sự chuyển biến tích cực, góp phần ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, công tác dân tộc, công tác tôn giáo được chú trọng, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường. Việc phối hợp lồng ghép các nguồn lực, nhiệm vụ của chương trình này với các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng hoàn thiện theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai, phổ biến, nhân rộng đã tạo hiệu quả tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Ban dân tộc tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 35,25%, bình quân giảm 9%/năm. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt trên 14 triệu đồng/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, số xã miền núi đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông là 26/48 xã; Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 92,4%; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,5%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt 93,7%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97% và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,3%; tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đạt 45,63%, trong đó lao động được đào tạo từ trung cấp trở lên đạt 27,17%...
Bà con đã xác định cây, con để đầu tư sản xuất
Theo đại diện Ban dân tộc tỉnh Khánh Hòa, về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ cho hộ nghèo 12 triệu đồng và hộ cận nghèo 10 triệu đồng. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn hỗ trợ lãi xuất để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ.Trong đó, hộ nghèo được vay vốn không có lãi xuất, còn hộ cận nghèo được vay vốn hỗ trợ lãi xuất đến 75%.
Từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với trình trình độ canh tác; cũng như góp phần và hình thành tư tưởng sản xuất hàng hóa.
“Qua 5 năm chương trình đã hỗ trợ đầu tư sản xuất cho 1.687 hộ. Điểm sáng của chương trình đã giúp bà con vùng dân tộc và miền núi nhận biết được cây, con để đầu tư đúng hướng phù hợp, cải thiện cuộc sống.
Ví như như vùng miền núi Khánh Sơn bà con xác định cây mía tím, nuôi bò sinh sản, các mô hình trồng xen cây ăn trái; ở Khánh Vĩnh thì xác định mô hình trồng chuối, trồng bưởi, ở Cam Ranh xác định nuôi dê, nuôi heo đen...”, vị đại diện Ban dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ và cho biết thêm, mặt tích cực nữa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã biết trân quý đất sản xuất, không còn tình trạng bán đất sản xuất như trước đây.
Ghi nhận tại huyện Khánh Sơn, các mô hình trồng mía tím, chuối, quýt, nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen, nuôi dúi, theo đánh giá huyện này đều đạt kết quả tốt, bà con đã thu nhập khá cao. Một số hộ tái sản xuất, tán đàn, góp phần cải thiện kinh tế cũng như mở rộng sản xuất, chăn nuôi cho hộ gia đình.
Điển hình như hộ Bo Bo Thị Mến, thôn Liên Bình, hộ Mấu Đình, thôn Xóm Cỏ, hộ Cao Ngọc Sanh, thôn Cô Lắc xã Sơn Bình, hộ Cao Đen, thôn Xà Bói xã Sơn Hiệp, hộ Máu Đận, thôn Dốc Trần, hộ Mấu Thị Tuyết, thôn A Thi xã Cụm Bắc…Một số hộ đã bỏ thêm vốn đầu tư chuồng trại và chọn bò cái tốt đang mang thai. Đối với cây chuối giúp bà con thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/năm.
Theo một lãnh đạo huyện Khánh Sơn, nhìn chung tất cả các hộ được hỗ trợ đã triển khai thực hiện tốt, hiệu quả và có sự chuyển biến rõ nét, đã có ý thức được Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy có thể nói với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình này sẽ là động lực để thúc đẩy phong trào lao động sản xuất của người dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Và, sẽ là mô hình điển hình để nhân rộng cho những năm sau góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Theo UBND huyện Khánh Sơn, thời gian qua đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và từng bước được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm là 8,89% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, 360 hộ được hỗ trợ mô hình sản xuất từ chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì có 68 hộ thoát nghèo.