| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tập đoàn, tổng công ty nợ lớn

Thứ Năm 19/07/2012 , 10:01 (GMT+7)

Kết quả kiểm toán tại 21 DN nhà nước cho thấy, có tới 11/21 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu trên vốn chiếm dụng, vốn vay.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hôm qua (18/7) cho biết, kết quả kiểm toán tại 21 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy, có tới 11/21 Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) hoạt động kinh doanh chủ yếu trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Một số DN cũng huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn.

Thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2011, KTNN đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan trung ương; 34 tỉnh, TP; 37 dự án đầu tư; 9 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 6 chuyên đề; 27 DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng; 17 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng-an ninh; tỉnh ủy 9 tỉnh; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010  tại Bộ Tài chính… Theo đó, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 21.765 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu hơn 3.207 tỷ đồng và giảm chi hơn 2.199 tỷ đồng.


Ảnh minh họa

Về kết quả kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của 129 DNNN và kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của 1.155 đối tượng nộp thuế tại 34 địa phương, KTNN đã xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 426 tỷ đồng; tại 29 TĐ, TCT, ngân hàng thương mại nhà nước và tổ chức tài chính, số thuế, phí và các khoản khác phải nộp tăng thêm sau kiểm toán là hơn 589 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN chưa khắc phục được nhiều. Kiểm toán 272 đơn vị thuộc 20 bộ, ngành và 303 đơn vị thuộc 34 địa phương, KTNN xác định các khoản thuế, phí phải nộp NSNN tăng thêm 238 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực chi ngân sách, theo kết quả kiểm toán tại 34/34 tỉnh, TP đều vượt dự toán chi thường xuyên được HĐND giao đầu năm, trong đó có 8 tỉnh mức vượt trên 25%. Tại 26 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, 30 địa phương chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn.

Kết quả kiểm toán tại 21 TĐ và TCT có 11 đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu trên vốn chiếm dụng, vốn vay; trong đó một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao nên dễ gặp nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính, có DN huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn. Điển hình nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của TCT Xây dựng Trường Sơn là 9,19 lần; của TCT Xây dựng và phát triển hạ tầng là 4,79 lần; TĐ Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) là 4,01 lần; TĐ Điện lực Việt Nam là 3,83 lần, của Vinalines 3,12 lần, TĐ Than khoáng sản Việt Nam 2,15 lần.

KTNN cũng cho biết, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ các DN không lớn, nhưng đa số TĐ, TCT Nhà nước có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính. Cụ thể, đầu tư ngoài ngành của Cty mẹ - TCT hàng hải Việt Nam (Vinalines) là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Cty mẹ - Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) là 1.828,8 tỷ đồng (không bao gồm điện, năng lượng), bằng 12,09% vốn điều lệ; Cty mẹ EVN là 4.511,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ.

Kết luận của KTNN cũng chỉ ra rằng, mặc dù các DN đã hạch toán, kê khai thuế và các khoản phải nộp NSNN theo quy định nhưng đa số DNNN xác định, kê khai thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách chưa đầy đủ. Số thuế và các khoản còn phải nộp vào ngân sách nhà nước của các TĐ, TCT được kiểm toán tính đến 31/12/2010 là 7.579 tỷ đồng. Trong số này, KTNN kiến nghị thu tăng thêm của 545 tỷ đồng.

Đối với việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước và 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy các hoạt động kinh doanh năm 2010 đạt lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, đảm bảo các chỉ tiêu hoạt động, an toàn sử dụng vốn và lợi nhuận theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng NHTM nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu theo quy định của NHNN. Điển hình như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay thương mại ngoài các chương trình nhà nước cho phép nên kết quả kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 438 tỷ đồng.

DATC có nguy cơ mất vốn trên 70 tỷ đồng

Theo KTNN, hoạt động mua bán nợ và tiếp nhận bàn giao tại Công ty TNHH Một thành viên mua bán nợ Việt Nam (DATC) còn rất nhiều tồn tại. Điển hình, DATC gửi tiền tại Công ty Cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALC II) 110 tỷ đồng, cho vay công ty cà phê Ia Châm 27,39 tỷ đồng, cho vay CTCP Xây dựng Công trình 675 là 6 tỷ đồng… Đến ngày 31-12-2011, các hợp đồng tiền gửi tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm nhưng chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền thiệt hại do DATC kiểm toán ước tính trên 70 tỷ đồng.

Xem thêm
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.