| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tỉnh chỉ đạo công an, dân quân ngăn chặn nạn kích giun

Thứ Năm 03/08/2023 , 09:55 (GMT+7)

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng loạt bài 'Hòa Bình rập rình kích giun', Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương cung cấp thông tin và chấn chỉnh hiện tượng này.

Kích giun đặc biệt hại cho môi trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kích giun đặc biệt hại cho môi trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hòa Bình: Đề xuất xây dựng quy trình nuôi, sơ chế giun đất

Trong Văn bản số 1221 của UBND tỉnh Hòa Bình do Phó Chủ tịch Quách Tất Liêm ký về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép, gửi các Sở NN-PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thành phố có nội dung: Trong các năm 2019-2020, do có sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt từ UBND tỉnh; sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành tỉnh nên tình trạng sử dụng hóa chất, kích điện để thu bắt giun đất đã giảm hẳn. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng này lại bắt đầu tái diễn.

Bài liên quan

Việc sử dụng kích điện để kích giun đất trong các vườn cây ăn quả diễn ra ngày càng phổ biến, manh động; gây xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ vườn và các đối tượng khai thác giun trái phép, đặc biệt ở những khu vực trồng cây ăn quả, cây rau màu. Điều này gây bức xúc trong cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự tại cơ sở. Để ngăn chặn tình trạng khai thác giun đất trái phép, loại trừ những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở; UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn thuộc huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới từng cơ sở và người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất và đời sống của cây trồng. Nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ giun đất; vận động người dân không khai thác giun đất, không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun, kịp thời phát hiện hành vi khai thác giun trái phép và thông báo cho cơ quan chức năng.

Một nhà vườn ở huyện Cao Phong phải dựng tấm biển cấm kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nhà vườn ở huyện Cao Phong phải dựng tấm biển cấm kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chức năng (đặc biệt là lực lượng công an cấp xã, lực lượng dân quân xã) trong điều tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác giun đất trái phép. Tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất. Nhận diện các hành vi vi phạm của mỗi cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, quy định về môi trường để xử lý các trường hợp này.

Một vườn cam ở Cao Phong bị vàng, nghi là do kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một vườn cam ở Cao Phong bị vàng, nghi là do kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

2. Các sở, ban, ngành tỉnh: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò của giun đất bằng nhiều hình thức (trên các phương tiên thông tin đại chúng, tờ rơi, tài liệu, lớp tập huấn…); đưa nội dung về vai trò của giun đất vào trong các tài liệu kỹ thuật canh tác để phổ biến rộng rãi đến người sản xuất. Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện từ 2024 về xây dựng quy trình kỹ thuật nhân nuôi, sơ chế giun đất, làm cơ sở để khuyến cáo đến cộng đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn cụ thể việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (như dùng hóa chất, dùng kích điện…); các chế tài áp dụng xử lý theo quy định hiện hành để các địa phương, lực lượng chức năng thống nhất áp dụng…

Đồ nghề của một người đi kích giun ở Tuyên Quang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đồ nghề của một người đi kích giun ở Tuyên Quang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phú Thọ: Thương lái đặt các điểm thu mua giun

Trong Văn bản số 1229 của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ do Phó Giám đốc Trần Tú Anh ký gửi UBND các huyện, thành, thị; Sở Tài nguyên và Môi trường có nội dung: Thời gian vừa qua, theo nguồn tin của các phương tiện thông tin đại chúng và người dân, trên địa bàn một số tỉnh lân cận như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái… đã tái xuất hiện hoạt động sử dụng kích điện để khai thác, đánh bắt giun đất. Đối với tỉnh Phú Thọ, tại một số địa phương như Yên Lập, Thanh Thủy… cũng đã xuất hiện tình trạng thương lái đặt điểm thu mua, sơ chế giun đất để bán kiếm lợi.

Đây là hoạt động nguy hại làm tận diệt giun và các vi sinh vật có ích khác trong đất, gây mất cân bằng hệ sinh thái, làm giảm chất lượng canh tác của tầng đất mặt, gây thoái hóa đất, làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng và môi trường.

Mặt khác, việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng và động vật. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6, điều 3 Nghị định 45 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi khai thác giun đất là trái phép. Để ngăn chặn hoạt động đánh bắt, tận diệt giun đất bằng công cụ kích điện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở NN-PTNT đề nghị:

Giun bị kích lên khỏi mặt đất đợi chế biến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giun bị kích lên khỏi mặt đất đợi chế biến. Ảnh: Dương Đình Tường.

1. UBND các huyện, thành, thị: Chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn hoạt động khai thác, đánh bắt giun đất bằng kích điện trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ tác hại và hậu quả nghiêm trọng của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đối với tầng canh tác và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, không để mở rộng tình trạng đánh bắt giun đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.

Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp với công an huyện, công an xã tập trung theo dõi, rà soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp sử dụng kích điện để khai thác, đánh bắt giun đất theo hướng: thu giữ dụng cụ kích điện sử dụng để đánh bắt giun đất; tịch thu giun đất đã đánh bắt trả lại môi trường đất…

2. Sở Tài Nguyên và Môi trường: Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng các văn bản hướng dẫn chế tài xử lý đối với hoạt động sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất; khai thác, mua bán giun đất nhằm mục đích thương mại.

Chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo để thống nhất quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác, đánh bắt giun đất bằng kích điện trên địa bàn toàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, Công an tỉnh tổ chức đoàn thanh, kiểm tra liên ngành để rà soát, ngăn chặn và xử lý triệt để.

Năm 2021, Sở NN-PTNT Tuyên Quang cũng ra Văn bản số 644 do Giám đốc Nguyễn Văn Việt ký gửi UBND các huyện, thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục Quản lý thị trường với nội dung: Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh tái xuất hiện tình trạng người dân sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất trên đồng ruộng và các vườn cây đã làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng; phá vỡ sự đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường đất. Hành vi này đã vi phạm điều cấm theo quy định tại khoản 2 điều 7 Luật Bảo vệ môi trường. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, Sở NN-PTNT đề nghị:

Giun đã mổ để chuẩn bị đưa vào lò sấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giun đã mổ để chuẩn bị đưa vào lò sấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

1. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại lâu dài đến môi trường đất sản xuất khi giun đất bị đánh bắt.

Vận động nhân dân tuyệt đối không sử dụng thiết bị kích điện, hóa chất để đánh bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế giun đất. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất. Kiểm tra, báo cáo tình hình đánh bắt, thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn.

2. Đề nghị các sở, ngành liên quan: Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các huyện, thành phố về công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đất. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hủy hoại môi trường đất theo quy định của pháp luật. Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh các thiết bị kích điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Dư luận phẫn nộ với hành vi kích giun

Đọc loạt bài "Hòa Bình rập rình kích giun" trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ về vấn nạn này. Độc giả Trịnh Xuân Cường viết: “Vấn nạn giun tặc không chỉ có ở hai địa phương nêu trên mà có cả xã Tây Phong, Dũng Phong, Tân Phong... (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Có cả lò sấy giun từ 5, 7 năm nay rồi mà chính quyền địa phương làm ngơ. Người dân bắt được "giun tặc" chỉ thu máy rồi lại thả. Người dân không biết phải làm thế nào để bảo vệ được vườn cây của mình. Hỏng hết rễ cây cam và hoa màu, không yên tâm để sản xuất. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp gì để giúp cho người dân Cao Phong nói riêng và cả nền nông nghiệp cả nước nói chung”.

Độc giả Chu Văn Lâm viết: “Tại sao việc dùng kích điện để kích cá, kích giun lại không đưa vào danh mục cấm và mức xử phạt nặng nhỉ? Chỉ cần nghiêm trị một thời gian tiêu hủy tăng vật, phạt tiền, lao động công ích từ 3 tháng trở lên là sẽ cấm được thôi. Bắt đầu nghiêm ngặt từ các thôn xã…”.

Độc giả Phu viết: “Vào đất người ta kích giun hay bắt gà mà không có sự đồng ý của chủ đất thì cũng như trộm cắp chứ khác gì nhau? Cứ bắt được thì căn cứ thiệt hại mà xử lí thôi”. Độc giả Nguyễn Đức Hùng viết: “Tất cả các cơ quan chức năng và chính quyền phải vào cuộc ngay. Ban hành và thi hành ngay quy định cấm kích giun. Đây là hành vi hủy hoại môi trường rất khốc liệt".

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.