| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình rập rình kích giun

[Bài 3]: Cuộc chiến giành quyền sống cho con giun đất

Thứ Năm 27/07/2023 , 09:17 (GMT+7)

Lúc tôi từ xã Thu Phong ra thị trấn Cao Phong để tìm quán ăn đêm thì một chiếc ô tô ngược vào, đèn pha sáng lòa, bộ dạng rất khả nghi.

Những vườn cam vàng vọt của xã Thu Phong, nghi bị do kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những vườn cam vàng vọt của xã Thu Phong, nghi bị do kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tràn lan nội gián

Chiếc ô tô ngược vào xã Thu Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) mà tôi gặp tối hôm ấy có thể là xe của một chủ buôn giun đang đi chỉ đạo cánh thợ kích giun. Thấy tình huống khác thường, anh Bùi Quang Toản một trong 12 chủ vườn viết đơn kiến nghị UBND huyện Cao Phong vào cuộc dẹp nạn kích giun liền bắn tiếng rằng mình tối sẽ về nhà ngủ nhưng bí mật vòng trở lại để tiến hành cuộc vây bắt cùng mấy người khác nữa.

Anh đau đớn bảo với tôi rằng, trong những đối tượng kích giun ở huyện Cao Phong có một số chủ vườn là người địa phương. Họ thường đánh ở vườn nhà mình trước để biết sản lượng giun rồi tối đến xua quân đi đánh ở những nơi khác. Cũng không loại trừ chính cả những người làm thuê ở các vườn là chỉ điểm bởi hơn ai hết họ biết rõ nơi nào có nhiều giun để “vẽ đường” cho bọn kích trộm tìm đến.

Bài liên quan

Tôi đi theo màu vàng héo hon của những vườn cam trải dài ở nhiều địa phương của huyện Cao Phong rồi trở lại điểm nóng nhất về kích giun xã Thu Phong. Anh Quách Xuân Quỳnh - người đang trông diện tích cam rất lớn ở đây chỉ vào chỗ cột điện ven trạm biến thế bảo, mấy ngày trước thu được 1 bao tải giun của đối tượng kích bị lộ đã bỏ của chạy lấy người. Theo anh, đám kích giun trộm thường đi thành từng cặp vào hai khung giờ: đội ở xa như Hà Nội, Phú Thọ quần từ 7-10 giờ đêm, còn đội ở gần quần từ 2-3 giờ sáng, nhất là sau những cơn mưa.

Đầu tiên chúng đánh ở rừng, làm cho cỏ cũng không thể mọc được, khi hết giun thì đánh xuống vườn cam, vườn bưởi - những chỗ đất tơi xốp vì hay được bón phân chuồng. Chỉ 2-3 giờ mỗi đêm một cặp đi kích như thế có thể bắt được 40-50 kg giun, bỏ túi 2-3 triệu đồng.

Đối tượng ở xa sẽ cử người giả làm shipper ngày đi thám thính rồi đợi 7-8 giờ tối, lợi dụng chủ vườn về nhà ăn cơm sẽ kéo vào kích giun. Còn đối tượng ở ngay trên địa bàn thì biết rõ từng đường đi, lối lại, chẳng cần thám thính. Thêm vào đó, có những xóm không chịu tố giác người đi kích giun, thậm chí còn hoạt động nội gián làm cho việc phát hiện càng khó khăn.

Anh Quách Xuân Quỳnh bên vườn cam vàng vọt, nghi là do bị kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Quách Xuân Quỳnh bên vườn cam vàng vọt, nghi là do bị kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng như nhiều chủ vườn khác, anh Quỳnh thường xuyên phải đi tuần vào buổi tối, dỏng tai nghe những tiếng rít khẽ của máy kích giun mà bám theo. Họ cũng dùng flycam bay cả ngày lẫn đêm để có thể bao quát một khu vực rộng lớn. Ban ngày thì phát hiện những người có bộ dạng khả nghi, buổi tối thì phát hiện những ánh đèn pin bất thường và báo cho lực lượng gồm quân sự, công an và cả chính các chủ vườn vây bắt:

Bài liên quan

“Mỗi ha cam bón trung bình 60m3 phân chuồng. Tính ra đổ cả gánh phân xuống mỗi gốc mà có được mấy con giun để làm tơi xốp đất đâu thế mà chúng kích mất. Không có giun, đất bí không trao đổi được khí, sinh ra nấm bệnh, phải mua thuốc phun, vòng tròn đó cứ luẩn quẩn mãi. Theo tôi, ngoài bắt các đối tượng kích giun thì phải xử phạt, triệt được các lò sấy giun bởi có cung mới có cầu chứ làm như hiện nay chỉ giải quyết được phần ngọn”, anh Quỳnh bức xúc.

Chiều 23 tháng 7, lúc tôi đã rời đi thì anh gọi điện, giọng đầy tiếc nuối bảo trưa có 1 do thám của đội kích giun xuất hiện dưới bộ dạng giả làm shipper, liền sau đó là 2 xe máy chở 4 người vào theo, trên lượn xe lộ ra bộ kích giun. Nhưng do bị động nên chúng đã chạy mất. Hiện có thông báo mới rằng thấy bất cứ ai mang kích giun là dân có thể giữ lại giao cho công an, không như trước phải bắt quả tang lúc họ đang kích nữa.

Một đối tượng bị kích giun bị bắt quả tang tại xã Thu Phong. Ảnh: Người dân cung cấp.

Một đối tượng bị kích giun bị bắt quả tang tại xã Thu Phong. Ảnh: Người dân cung cấp.

Anh Bùi Mạnh Hùng - công an viên xóm Thiều Nau, xã Thu Phong cho hay, từ đầu tháng tới nay họ đã thu được gần chục bộ kích giun của các đối tượng trong xóm lẫn trong huyện và cả huyện Kim Bôi lân cận. Do chưa có chế tài về hành vi này nên chỉ áp dụng theo hương ước đối với những việc gây mất an ninh thì thu máy, giao công an xã nhưng mức phạt 30-50 kg thóc thì chưa thực hiện được:

“Tất cả cuộc họp của các ban ngành, đoàn thể chúng tôi đều tuyên truyền về chuyện kích giun làm hại đất, hại cây, hại người nhưng bị thu máy vừa rồi vẫn có 4 dân xóm. Hỏi ai xui đầu tư máy, họ không nói. Hỏi bán giun ở đâu, họ cũng không nói mà chỉ ký biên bản”.

Cũng theo anh Hùng xóm có 12 máy kích giun, mới rồi bắt 4 nhưng chủ buôn sẽ đầu tư thêm ngay. Do mối quan hệ họ hàng, quen thân nên cũng không biết ai là nội gián cho đám kích giun, mà chỉ thấy khi các anh đến đầu xóm thì cuối xóm đã có báo động rồi. Bởi thế đôi lúc các anh phải đi đường vòng, liên tục đổi trang phục, đổi phương tiện để đánh lừa chúng.

“Kích từ 1-3 giờ sáng thì 4 giờ sáng phải bán, kích từ 6-9 giờ sáng thì 10 giờ sáng phải bán, kích từ 13-15 giờ chiều thì 16 giờ phải bán, kích từ 19-21 giờ tối thì 22 giờ phải bán bởi để quá là giun chết, khó mổ, khó sấy. Bởi thế trong bán kính 5-10 km quanh đây có đến vài lò sấy giun. Phải triệt được tận gốc các lò này mới không còn tình trạng kích nữa”, anh Hùng kiến nghị.

Anh Bùi Mạnh Hùng - công an viên xóm Thiều Nau bên loại kích có 4 đầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Mạnh Hùng - công an viên xóm Thiều Nau bên loại kích có 4 đầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Chưa có chế tài xử lý"

Trong Công văn 1540 ngày 18/7/2023 của ông Quách Văn Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong viết: Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng một số người dân sử dụng kích điện để bắt giun trong đất bán cho các thương lái. Theo phân tích của các nhà khoa học, giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất, giúp làm tơi xốp, tạo độ thông thoáng cho đất, khiến cho bộ rễ cây phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.

Nếu dùng kích điện để bắt giun là hành vi hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học. Khi giun đất bị chết các sinh vật khác trong đất cũng chết theo, làm cho đất bị khô cằn, chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp. Để quản lý, tránh khai thác trái phép đối với giun đất trên địa bàn huyện trong thời gian tới Chủ tịch UBND huyện yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện các nội dung sau:

UBND các xã, thị trấn: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện và việc dùng kích điện để bắt giun đất là vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; tác dụng của giun đất đối với môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp; tuyệt đối không sử dụng thiết bị kích điện, hóa chất để bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế giun đất.

Công an thu giữ tang vật của một vụ kích giun. Ảnh: Người dân cung cấp.

Công an thu giữ tang vật của một vụ kích giun. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện để xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hình vi bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái quy định của pháp luật. Hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn tự bảo vệ đất của mình, không để các đối tượng mang máy kích điện bắt giun vào đất của mình để đánh bắt.

Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của thôn, bản để có hình thức tuyên truyền, vận động, xử phạt các đối tượng cố tình vi phạm. Phân công cán bộ, công chức thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, các khu đất ven sông, suối kịp thời phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản báo cáo cấp trên xử lý kịp thời các đối tượng sử dụng kích điện để bắt giun đất làm ảnh hưởng tới môi trường.

Các phòng: NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền... Nghiên cứu các quy định của pháp luật để tham mưu cho UBND huyện các giải pháp xử lý trường hợp sử dụng kích điện để bắt giun đất. Công an huyện, Đội Quản lý Thị trường số 4 phối hợp với UBND các xã thị trấn tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình và làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích điện đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật khi có đủ căn cứ. Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, sơ chế giun đất làm ô nhiễm môi trường.

Tang vật của một vụ kích giun bị bắt quả tang. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tang vật của một vụ kích giun bị bắt quả tang. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ngày 20/7, Công an huyện Cao Phong cũng đã có báo cáo 1215 gửi Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình trong đó viết: “… Chỉ đạo công an xã, thị trấn tăng cường tuần tra vũ trang ban đêm để kịp thời phát hiện ngăn chặn và thu giữ máy kích giun (trong tuần từ ngày 13/7/2023 đến 19/7/2023 công an xã đã vận động người dân giao nộp 4 bộ kích giun, phát hiện 5 trường hợp có hành vi kích giun, thu giữ 5 bộ kích giun).  

Tuy nhiên tình trạng này đến nay vẫn tiếp diễn và ngày càng tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân do những nguyên nhân: Việc bán giun cho các lò sấy, thương lái với giá khá cao (từ 50.000đ -70.000đ/kg giun đất tươi) do đó vì lợi nhuận mà một số người dân bất chấp việc tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn cố tình thực hiện với phương thức tinh vi hơn, chuyển từ công khai sang hoạt động bí mật, thay đổi nhiều địa điểm để tránh bị phát hiện. Đối với hành vi sử dụng xung kích điện để bắt giun đất đến nay pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể do đó gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết triệt để”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…