Nằm mơ gặp ác mộng bị kích giun
Cứ một tiếng là anh Tuân lại nhỏm dậy, với cái đèn pin đeo lên đầu, phóng xe máy đi tuần quanh khu vườn, soi kỹ, thậm chí sờ vào từng gốc cây, ngọn cỏ. Chỉ một con giun chết, một ngọn cỏ khô cũng khiến cho anh phải đặt ra nghi vấn trong đầu. Mãi tới 4h30 sáng anh mới chịu lên giường vì: “Giờ này có thể yên tâm rồi vì những người tập thể dục sớm chuẩn bị thức dậy, đi dạo, bọn kích giun sẽ không dám manh động nữa. Anh có nghe thấy tiếng gì không? Tiếng của lũ giun đang kêu đấy”. Tôi lắng tai nghe, thấy tiếng i i của ngàn vạn chú giun râm ran khắp triền đồi. Chẳng mấy chốc tiếng i i đó đã hòa chung với tiếng gáy o o của chủ vườn.
Mấy năm vừa qua vùng cam Cao Phong trải qua cơn đại khủng hoảng vàng lá và cứ thế lụi dần trong sự bất lực của các chủ vườn. Lúc đầu người ta chỉ nghĩ đơn thuần là do bệnh greening (vàng lá gân xanh) hay bệnh vàng lá thối rễ nhưng về sau mới biết thêm cả nguyên nhân bị kích giun nữa. Khi dòng điện 4000-5000V phóng xuống đất khiến cho không chỉ đám giun phải ngoi lên chết, mà còn đám rễ tơ của cây bị héo khô. Chỉ có điều chúng héo âm thầm dưới đất nên không ai biết.
Vốn là nhân viên của một công ty nước ngoài chuyên về vi sinh, hơn 2 năm trước anh Tuân đến vùng cam Cao Phong này với một nhiệm vụ là cứu cây bằng các chế phẩm vi sinh.
“Trước, người làm vườn của chủ cũ ở đây dù được trả lương hậu, được cho cả chiếc xe máy mới nhưng lại mở cửa để người ngoài vào kích giun. Trong 3 ngày mỗi ngày nghe bảo được cả tạ.
Khi kích được ½ vườn thì chủ mới phát hiện ra. Chỉ ít ngày sau diện tích đó bị vàng lá hết, nhiều cây phải chặt bỏ. Dù đã bỏ 200 triệu đồng mua vi sinh tưới xuống nhưng ½ vườn đó đất vẫn bị khô, cây vẫn bị chết rễ, đến ngay cả cỏ cũng không mọc được trong một thời gian dài. ½ vườn chưa bị kích giun thì cây tươi tốt hơn hẳn, lá xanh đậm. Chán quá, chủ vườn mới cho em thuê lại.
Em muốn biến nơi đây thành một khu vườn mẫu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào để làm sao có nhiều giun nhất, giúp đất đai tơi xốp, cây cối phát triển. Mỗi năm em đổ xuống 100m3 phân bò, phân trâu tạo mùn cùng với các loại dịch cá, trứng, đậu tương, chuối, dứa ủ. Phát cỏ xong em cũng phun vi sinh vào cho nhanh phân hủy xen lu lô để có thêm nguồn thức ăn cho giun.
Hơn năm sau cây mới hơi lại sức nhưng giờ em cũng rất lo, nhỡ bị kích giun thêm một lần nữa là hỏng hẳn. Mùa này mưa nhiều, đất ẩm, kích xuống đất là giun phóng lên như cá dưới nước bị chích điện vậy. Những rễ tơ đang hút dinh dưỡng để nuôi cây và các vi sinh vật trong đất sẽ chết theo. Giun chết khiến đất bị bí, thiếu ô xi cũng gây ra nấm sinh bệnh vàng lá thối rễ cho cam”, anh Tuân tâm sự.
Ở vườn hôm nào anh cũng thức gần như trắng đêm, còn ở Hà Nội thì liên tục nhìn vào màn hình chiếc điện thoại để kiểm tra camera. 10 cái camera độ nét cao, có thể phóng to, nhìn rõ ngay cả vào ban đêm.
Giờ chúng là 10 con mắt luôn thức của anh: “Mùa nóng thế này, em phải dậy từ 5 giờ sáng để tưới nước, đến 8 giờ nắng quá thì nghỉ, chiều 6 giờ làm đến 9 giờ nghỉ. Ăn uống xong chỉ muốn ngủ thì lại là lúc lo âu nhất vì đó là thời điểm của lũ kích giun trộm.
Em đã định mượn 2 con chó của chủ cũ vào canh vườn nhưng anh ấy bảo, khéo bọn kích giun đầu độc chết nên lại thôi. Bây giờ hết cách rồi, vườn nào hầu như cũng bị kích giun nên nhiều người phải trang bị thêm camera để ngày đêm có thể theo dõi cây”. Những con giun chết còn ám ảnh cả vào trong giấc mơ của anh Tuân. Nhiều đêm anh mơ thấy khu vườn của mình bị kích, đám giun trồi hết lên mặt đất, chết còng queo như muôn vàn dấu hỏi. Những dấu hỏi như muốn hỏi loài người rằng, tôi có ích như thế mà sao nỡ dí điện xuống làm không chỉ tôi chết trong đau đớn mà cả con non, ấu trùng của tôi cũng bị hủy hoại.
"Vườn cam là sinh mạng của chúng tôi"
Chị Vũ Thị Hạnh - chủ vườn cam rộng 1,8 ha ở xã Thu Phong vốn là công nhân kỹ thuật của nông trường Cao Phong mà sau chuyển thành Công ty Rau quả và Nông sản Cao Phong. Trong quá trình lao động, chị bị tai nạn khiến 48 tuổi đã phải nghỉ hưu. Đến giờ một bàn tay chị vẫn còn co quắp vì 3 ngón bị đứt gân nhưng tình yêu với cây cam thì luôn chảy dạt dào trong huyết quản.
Chị tâm sự, 4-5 năm trước hầu như nhà nào ở khu vực này cũng có cam nhưng 2 năm trở lại đây, giá cam hạ cộng thêm chứng vàng lá gây chết hàng loạt, số vườn tươi tốt chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn nông dân nếu trẻ thì đã bỏ đi làm công nhân trong khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động, còn lại thì làm nghề tự do. Nhiều hộ phải gọi bán đất để trả nợ nhưng rất khó, đành quay sang trồng ngô, mỗi vụ lãi chỉ 10 triệu/ha, trong khi cam nếu làm tốt, giá dù hạ vẫn có thể lãi 300-400 triệu/ha.
“Trước cứ tưởng cây bị bệnh vàng lá nhưng giờ mới phát hiện ra là bị kích giun. Tôi vào vườn cam thấy ruồi bay lên vù vù, nhìn kỹ thì có giun chết, cỏ cũng chết trắng từng đám. 30 năm trồng cam, dù trời nắng đến mấy tôi cũng chưa bao giờ thấy cỏ chết như vậy. Lạ cái là cỏ trong vườn thì chết khô từng đám nhưng cỏ ở lối đi vẫn xanh tốt bình thường.
Kiểm tra quanh vườn tôi thấy nhiều dấu chân lạ, bờ rào bị vạch ra, cỏ rạp xuống. Những con giun chết là do bò lên chậm, sau khi bọn kích giun trộm đã di chuyển đi chỗ khác, không kịp nhặt. Kích điện đến dí vào người còn chết nữa là con giun? Đám rễ tơ chỉ nhỏ như cái kim, chọc điện vào là cháy teo lại nhưng cây không chết ngay đâu.
Phải một thời gian sau cả vườn cam mới bị vàng lá, tôi mua phân hữu cơ, phun kích rễ vào mãi mới vực lại được. Nhưng cây cứ xanh một thời gian lại bị vàng trong khi đó được phòng bệnh rất kỹ. Trong vòng 3 tháng qua phải 4-5 lần vườn cây bị vàng lá như vậy. Tôi đầu tư cho cam mỗi năm khoảng 500 triệu, giờ tổng số phải đến lên đến 3 tỉ rồi. Giờ cây chưa hỏng nhưng tôi vẫn lo sau trận mưa này, bọn kích giun trộm lại vào là vàng lá ngay, mà dù hết tiền vẫn phải vay mà đầu tư tiếp chứ không thì vỡ nợ”.
Chị Hạnh là chủ nhân của tấm biển treo ngay ở lối vào vườn, ban đêm đèn sáng rỡ: “Cấm kích giun. Cam đang ra rễ. Bắt được đền cả vườn. Nếu ai bắt được thưởng 2 triệu. Liên hệ: 0982604…”. Chị cũng là người tích cực cảnh báo về vấn nạn kích giun trộm ở trên trang facebook của mình và thường xuyên kêu gọi cộng đồng cùng vào cuộc:
"Mấy chục năm nay tôi đã gom hết của cải để đầu tư vào cam nên khu vườn như chính sinh mạng của mình, nó mà chết thì không khéo người cũng chết. Giờ, chưa có chế tài nên bắt được bọn kích giun công an cũng chỉ tịch thu kích và giun rồi lại thả người, thả xe ra. Nếu ai kêu mất cái gì trong vườn mới quy được chúng vào tội ăn cắp, còn lấy mỗi con giun thì không, cùng lắm là bắt chúng viết cam kết nếu sau này chết cây sẽ phải đền bù. Theo tôi, kích giun trong vườn nhà khác phải quy vào tội phá hoại tài sản công dân mới đúng và bắt không chỉ bọn trực tiếp đi kích mà còn phải cấm cả các lò sấy giun nữa”.
Chị Bùi Thị Minh Châm - chủ 2 vườn cam rộng trên 3 ha ở xã Thu Phong kể, dù đã xây tường cao, rào lưới B40 nhưng lúc thì đám kích giun trộm đạp đổ tường, lúc thì cắt lưới để vào: “Rào đến mấy chúng cứ chui rúc như chó vào vậy. Khoảng 3 giờ sáng ngày 15 tháng 7 người làm thuê có gọi cho tôi báo 4-5 đối tượng đang kích giun trong vườn, tôi liền báo cho công an xã Thu Phong. Khi các anh gần đến nơi, biết động bọn nó đã ra khỏi vườn rồi, chỉ bắt được 1 người thu 2 máy kích, 2 bao tải giun còn 3 người chạy thoát.
Bắt xong, thu máy rồi lại phải người ra vì không có chế tài gì. Lúc tôi đến thì hóa ra người kích giun lại là hàng xóm nên cũng chẳng biết nói năng thế nào. Dân chúng tôi rất bức xúc vì kích giun là tội trộm cắp, phá hoại tài sản nhưng chỉ thu máy thì hôm sau chủ buôn, chủ lò lại tài trợ máy mới ngay. Theo tôi chính quyền nên có chế tài xử phạt thật nặng, trả đối tượng kích giun trộm về địa phương rồi bêu gương trước toàn dân thì họ mới sợ. Thêm vào đó phải xử lý được các cơ sở tiêu thụ, lò sấy giun đất giống như triệt các ổ nhóm buôn bán thuốc phiện ấy, chứ không chỉ bắt riêng đối tượng nghiện hút”.
Những vườn cam bị kích giun thì cây héo hon, dù có đậu quả đi chăng nữa cũng toàn loại “cam beo”, vẹo vọ, ít nước. Vườn nào không có bờ rào, thường xuyên bị đám kích giun chà đi xát lại thì cây chẳng mấy mà tàn tạ.