| Hotline: 0983.970.780

Nếu doanh nghiệp gian dối, rất dễ bị xóa tư cách xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Tư 07/12/2022 , 08:15 (GMT+7)

'Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu phải công khai, minh bạch, không gian lận... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu', ông Lê Thanh Hòa cảnh báo.

 

Năm 2022, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký 5 Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản. Đó là sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.


Phần 1 của diễn đàn.

Trong năm 2022, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cả nước đã nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn mới phục vụ xuất khẩu nông sản. Để có cái nhìn tổng quan hơn, ngày 7/12, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) - Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức Diễn đàn về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, 249.


Phần 2 của diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với điểm cầu chính ở Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội; Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam tại TP. HCM cũng như các điểm cầu tại Sở NN-PTNT các tỉnh thành; cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Nếu doanh nghiệp gian dối, rất dễ bị xóa tư cách xuất khẩu

ong hoa sps

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa (ảnh), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Việc triển khai đáp ứng hai Lệnh 248, 249 trong 1 năm vừa qua đã cơ bản thỏa mãn được yêu cầu từ phía Trung Quốc. Những khó khăn, vướng mắc đều được Văn phòng SPS nhanh chóng kết nối với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ.

Theo ông Hòa, Lệnh 248 không điều chỉnh việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Phía Trung Quốc không yêu cầu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hoa quả tươi, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam và Trung Quốc phải đăng ký và phải có mã số mới được cấp phép. Phía bạn chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, khi làm thủ tục kiểm dịch ở phía Trung Quốc thì hàng hóa trên bao bì nhãn mác phải rõ ràng thông tin, có mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.

Đầu mối quản lý xuất khẩu hoa quả nhiệt đới sang Trung Quốc là Cục Bảo vệ thực vật (BVTV). Do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất và Cục BVTV để cấp và quản lý được mã số khoa học, minh bạch. Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tất cả sản phẩm thực phẩm phải đăng ký thông qua cơ quan quản lý Nhà nước từ phía Việt Nam, mới đủ điều kiện để xuất đi Trung Quốc.

Theo ông Hòa, sắp tới, phía bạn sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp, bản thân các đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời để đảm bảo theo những yêu cầu từ phía bạn.

Ông Hòa cũng lưu ý, từ nay đến 30/6/2023, nếu doanh nghiệp nào được phép đăng ký trực tiếp phải chủ động cập nhật các hồ sơ, nếu trong trường hợp chưa đủ năng lực có thể thông qua các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ việc đăng ký; các hồ sơ nên dịch ra tiếng Trung Quốc sẽ rất thuận lợi cho phía Hải quan Trung Quốc xem xét sau này.

11 giờ 10 phút

Đề xuất lựa chọn một mã tiêu biểu phục vụ quản lý cấp mã nuôi yến

nuoi-yen-trong-nha

Là doanh nghiệp nông sản, tham gia chuỗi quy trình từ thu mua tổ yến, chế biến và làm thương mại, bà Lưu Thị Yến Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn nông sản Thịnh Vượng đưa ra hai đề xuất.

Bà Yến cho rằng cần chọn một mã tiêu biểu phục vụ quản lý cấp mã. “Hiện nay, chúng tôi đang hiểu là quản lý bằng hai mã, một mã là theo mã định danh quản lý của hệ thống Nhà nước, một mã theo quản lý chuyên ngành. Cục Hải quan Trung Quốc sẽ dùng mã nào để phối hợp, hợp tác quản lý với phía mình?”, bà Yến nêu ý kiến.

Đại diện Tập đoàn nông sản Thịnh Vượng cũng cho biết, hiện có hai cơ quan thực hiện kiểm tra, thẩm định nhà nuôi yến là Chi cục Thú y tỉnh và Cục Thú y của Bộ. Trong đó, Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra doanh nghiệp sản xuất cho sản phẩm nội địa và Cục Thú y của Bộ thẩm tra nhà nuôi yến sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Theo nhận định của nhà sản xuất, bà Yến cho biết doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước hay xuất khẩu đều hướng tới tiêu chuẩn cao nhất. Bà đề xuất quy về một cơ quan chịu trách nhiệm cấp mã cho nhà nuôi yến và truy xuất nguồn gốc để rút gọn quy trình thẩm tra, thẩm định cũng như tránh chồng chéo trong công tác này.

11 giờ 00 phút

Nông sản Việt có tiềm năng lớn tiếp cận sàn thương mại Alibaba

alibaba-nông-sản

Công ty TNHH Mediastep Software Việt Nam là đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm kinh doanh, thương mại điện tử và mở rộng thị trường. Đơn vị cũng là đối tác chiến lược với sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc.

Thông tin về sàn thương mại điện tử Alibaba, bà Lê Thị Kim Ngân, Giám đốc đối ngoại Công ty cho biết, hiện nay nhóm hàng thực phẩm và nông sản lần lượt đứng đầu và đứng thứ hai nhóm 10 ngành hàng bán chạy nhất trên Alibaba. Đặc biệt, Việt Nam là nhà cung ứng thứ 4 trên sàn thương mại điện tử Alibaba sau Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan.

“Alibaba sẽ hỗ trợ khách hàng một nơi trưng bày sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu với thao tác đơn giản, vận hành dễ dàng, số lượng sản phẩm tải lên không giới hạn và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Cụ thể, kệ trưng bày sản phẩm sẽ được hiển thị và tạo ấn tượng, thu hút khách hàng với khả năng tìm kiếm vượt trội. Khách hàng hoàn toàn có thể liên lạc trực tiếp với nhà cung cấp”, bà Lê Thị Kim Ngân chia sẻ.

Theo đó, đại diện doanh nghiệp cho rằng, nông sản Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để tiếp cận với sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc.

10 giờ 45 phút

Tất cả nhà yến đều được cấp mã định danh quốc gia

ong trong

Ông Nguyễn Văn Trọng (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi) cho rằng: Quản lý chim yến hoàn toàn khác với gia súc, gia cầm (quản lý người và sản phẩm). Việc quản lý chim yến đã được quy định trong Luật Chăn nuôi, do đó, muốn quản lý hiệu quả, xuất khẩu được sản phẩm từ yến thì phải tuân thủ Luật Chăn nuôi.

Theo ông Trọng, trong quy định của pháp luật không có vùng cấm nuôi yến, chỉ có vùng được phép nuôi yến sau khi Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt Nghị quyết do UBND tỉnh trình, Sở NN-PTNT đề xuất. Để tồn tại toàn bộ nhà yến ở tất cả mọi nơi, theo quy định, vùng nuôi chim yến sau ngày 1/1/2020 có quy định vùng mới, do đó, sau khi luật có hiệu lực thì vùng nuôi chim yến mới được xây dựng. Tất cả nhà yến hiện tại ở trong thành phố, khu dân cư vẫn được phép tồn tại.

Theo thống kê, có tới 95% nhà yến đang tồn tại trong thành phố, khu dân cư. Hiện tại, chỉ quy định các nhà yến không được phép cơi nới, không được phép phát loa ngoài. Như vậy, tất cả nhà yến đều được cấp mã định danh quốc gia theo Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trọng nêu ví dụ: Hầu hết các nhà yến như biệt thự đang nằm trong thành phố, như tỉnh Kiên Giang có hơn 3.000 nhà yến thì có hơn 1.000 nhà yến nằm kiên cố trong thành phố, có những nhà yến trị giá hơn 20 tỷ đồng thì việc giải phóng, bồi thường là không thể.

Nhà nuôi chim yến chung với nhà ở trong nội ô thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Nhà nuôi chim yến chung với nhà ở trong nội ô thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN.

Cũng theo ông Trọng, hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc đã được xã hội hóa, do đó, các doanh nghiệp phải chủ động khai báo với chính quyền địa phương. Sau đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khai báo, báo cáo với Cục Thú y để giám sát dịch bệnh, ATTP, đăng ký với phía Trung Quốc...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động cập nhật phần mềm quản lý theo chuỗi, tạo thuận lợi cho việc truy xuất được quá trình nuôi, sơ chế, chế biến của doanh nghiệp mình.

10 giờ 35 phút

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng

Ông Nhâm Gia Trạch, Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Yuelaimei mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật, Chi Cục bảo vệ thực vật các tỉnh có sự hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng, nhất là về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

10 giờ 25 phút

Khâu quản lý và cấp mã vùng trồng chanh leo gặp nhiều khó khăn

chanh leo

Nafoods cố gắng đạt mục tiêu vào năm 2023, mở rộng diện tích lên 2.000 héc-ta có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Đại diện Công ty Cổ phần Nafoods Group chia sẻ, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Khi ngành nông nghiệp tiếp cận và triển khai Lệnh 248, 249, Nafoods Group đã chủ động tiếp cận thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Trồng trọt và các chi cục để xúc tiến liên kết, phát triển vùng trồng, đảm bảo quản lý an toàn phục vụ xuất khẩu.

Nafoods đã thiết lập 600 héc-ta sản xuất chanh leo an toàn. Mục tiêu 2023, có thể đạt diện tích 2.000 héc-ta có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Ngay tuần này, Nafoods sẽ có container đầu tiên xuất khẩu chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong những năm qua, chanh leo là cây trồng có hiệu quả kinh tế tốt và năm vừa qua, chanh leo được Trung Quốc xúc tiến xuất khẩu. Tuy nhiên, diện tích trồng chanh leo tại Việt Nam hiện nay khá manh mún, chỉ khoảng 2.000 héc-ta, phân tán tại các vùng.

Theo đại diện phía Nafoods, do đặc thù nhạy cảm dịch bệnh, quy mô trồng chanh leo chỉ dao động 3-7 héc-ta/nông hộ, chứ không có vùng tập trung lớn như sầu riêng, thanh long. Chính vì vậy khâu quản lý và cấp mã vùng trồng gặp nhiều khó khăn.

Với những khó khăn kể trên, Nafoods có một số đề xuất:

Thứ nhất, quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh cây chanh leo, có lộ trình quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cho chanh leo.

Thứ hai, cần cập nhật tài liệu hướng dẫn chi tiết để giải đáp các câu hỏi của nông dân trong quá trình sản xuất chanh leo.

Thứ ba, cần giải pháp hỗ trợ nông dân để duy trì mã số vùng trồng, tránh phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp và sự “chỉ việc dắt tay” của các doanh nghiệp.

Thứ tư, cần số hóa vùng trồng chanh leo. Với đặc điểm luân canh và thay đổi vùng trồng thường xuyên nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu là điều cần thiết để phục vụ duy trì mã số vùng trồng.

Đại diện Nafoods cũng chỉ ra khó khăn về nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, đề xuất công nhận mã số vùng trồng và đề xuất thành lập tổ công tác có sự tham gia của phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ, khuyến nông để hỗ trợ.

10 giờ 15 phút

Có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng

sau rieng

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhận được phản ánh, một số cá nhân nhận ủy quyền làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói (Ảnh minh họa).

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248, 249 nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan; hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn ở sản phẩm thô, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhận được phản ánh, một số cá nhân nhận ủy quyền làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. UBND tỉnh Lạng Sơn đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra vụ việc.

9 giờ 55 phút

Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cấp mã số vùng trồng

dua xk

Vùng trồng dứa nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long chia sẻ: Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã cấp 38 mã số vùng trồng. Sở NN-PTNT đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ tập huấn cho cán bộ địa phương, người dân thực hiện đúng những nội dung yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV đang xây dựng hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng mã số vùng trồng để người dân làm căn cứ thực hiện.

Trên cơ sở đó, bà Định kiến nghị: Bộ NN-PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả.

9 giờ 45 phút

Phân định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền

ong nguyen manh thang

Thông tin về triển khai đăng ký một số sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc do Bộ Công Thương quản lý, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Công nghệ sinh học, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, nỗ lực của Văn phòng SPS Việt Nam trong thời gian qua trong việc triển khai Lệnh 248, 249 là một tiêu biểu cho sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP trước diễn biến mới về yêu cầu của các nước nhập khẩu.

“Ở đây, chúng ta đã có sự phân định rõ ràng, rành mạch, không có sự trùng, trống về trách nhiệm cũng như thẩm quyền của các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành”, ông Thắng khẳng định.

Liên quan đến hoạt động đăng ký, giới thiệu xuất khẩu đối với doanh nghiệp thuộc 3 nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, ngay khi nhận được hướng dẫn của Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ đã ban hành hướng dẫn tới Sở Công Thương của 63 tỉnh thành. Trên cơ sở doanh nghiệp đăng ký, cơ quan quản lý địa phương sẽ tập hợp hồ sơ, kiểm tra và báo cáo về Bộ. Từ đó, Bộ xác nhận việc đáp ứng và giới thiệu đăng ký với phía Trung Quốc.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu và được giới thiệu đăng ký xuất khẩu và đưa vào kế hoạch kiểm tra năm 2023”, ông Thắng thông tin.

Về hồ sơ đăng ký, thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký là 30/6, hiện nay Bộ đã thông báo doanh nghiệp và hướng dẫn cơ quan quản lý địa phương để thực hiện hoạt động này. “Cần phân định rõ trong quản lý sản phẩm bột mỳ, bao bì thủy sản để Bộ Công Thương có thể chủ động quản lý và cơ quan thẩm quyền Bộ NN-PTNT cũng có thể vào cuộc đối với các doanh nghiệp này”, ông Thắng kiến nghị.

9 giờ 25 phút

Cần Thơ: Khó quản lý do vùng trồng còn nhỏ lẻ

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, cho biết, triển khai thực hiện Lệnh 248, 249 từ năm 2021, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ đã tập trung phổ biến cho các cơ quan, đơn vị nội dung thực thi, yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc.

Theo đó, đến năm 2022, Sở đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy định về kiểm dịch thực vật để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

xk chuoi

Đóng gói chuối đem đi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Năm 2022, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số tại địa phương đã tăng vượt bậc với 28 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói”, ông Nguyễn Tấn Nhơn thông tin. Chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai Lệnh 248, 249 tại địa phương, địa diện Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay công tác triển khai, thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, việc cấp mã số gặp khó khăn, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng.

Theo đó, ông Nguyễn Tấn Nhơn đưa ra đề xuất các địa phương cùng Bộ NN-PTNT cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng đảm bảo chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc.

9 giờ 15 phút

Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành yến

ong do van hoan

Ông Đỗ Văn Hoan (ảnh), Phó Trưởng phòng Giống Vật nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, để hỗ trợ việc kê khai mã số vùng nuôi được thực hiện thuận lợi, Cục Chăn nuôi tuân thủ thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT. Cụ thể, Cục đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, cơ sở thức ăn chăn nuôi.

Để hỗ trợ và phát triển ngành nuôi yến của Việt Nam, hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu các thị trường nhập khẩu, Bộ NN-PTNT giao Cục Chăn nuôi xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát với thực tế, có độ chính xác cao để phụ vụ công tác quản lý, xuất khẩu; đồng thời chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan với Cục Thú y để cung cấp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hệ thống sẽ cập nhật dữ liệu liên tục, qua đó, hình thành kênh giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước. Doanh nghiệp thông qua hệ thống cũng dễ dàng tiếp cận các thông tin, quy định mới,…

9 giờ 05 phút

Tuân thủ quy định đưa sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc

ba Phuong

Tại Diễn đàn, bà Trần Thị Thu Phương (ảnh), đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông tin về hướng dẫn triển khai nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Nghị định thư bao gồm 16 Điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và ATTP. Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 09/11/2022 và kéo dài 5 năm (và tự động gia hạn mỗi 5 năm tiếp theo nếu không có vi phạm và đề nghị chấm dứt của một trong hai bên).

Trên cơ sở đó, theo bà Phương, trong thời gian tới UBND các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến;

Rà soát và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành;

Lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ NN-PTNT (do Cục Thú y phụ trách) để được hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm và trên đàn chim yến tại địa phương; phối hợp với Cục Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát tại các nhà yến thuộc chuỗi xuất khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle tại địa phương.

toyen-9311

Xử lý tổ yến trước khi đưa đi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến tổ yến: Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm có thể truy xuất từ nhà nuôi chim yến đến sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiến hành đăng ký nhà yến với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có mã số nhà yến; có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ kèm theo danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp; phối hợp để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc; chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y…

8 giờ 50 phút

Thị trường Trung Quốc đã thay đổi như thế nào?

z3940114517613_8cdeaf05de3e1868e68d584b8f812546

Sầu riêng được xử lý trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Giới thiệu về công tác triển khai thực hiện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu trên thế giới, TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói, là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu trên thế giới.

Mục tiêu của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; Phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây trồng; Chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất của người nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Thông tin về quy định của thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”, đại diện Cục BVTV thông tin.

Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và có sự thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể, phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; Ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống, hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

8 giờ 40 phút

Nắm rõ các điều kiện để đáp ứng quy định từ phía Trung Quốc

ong nam sps

Ông Ngô Xuân Nam (ảnh), Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, sau gần 1 năm Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến ngày 05/12/2022, 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...

Đối với các khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, đại diện Văn phòng SPS lưu ý phần mềm https://cifer.singlewindow.cn vừa vận hành vừa nâng cấp, các doanh nghiệp cần thường xuyên đăng nhập và cập nhật thông tin. Việc đăng ký online trên hệ thống đăng ký của Hải quan Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ và ngoại ngữ tiếng Trung Quốc/tiếng Anh.

Một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy trình, quy định đăng ký doanh nghiệp theo hình thức online. Ngoài ra, còn một vướng mắc như thao tác khai báo thông tin trên hệ thống sai lệch hay tài khoản tự mở không thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt định danh nên bị ảnh hưởng khi làm thủ tục thông quan.

Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (mục 3, Điều 5, Lệnh 248). Đối với các doanh nghiệp đăng ký nhanh năm 2021: cần nhanh chóng thực hiện việc bổ sung các thông tin đăng ký trên hệ thống CIFER trước ngày 30/6/2023 (điểm 5, mục 1, Công hàm 353) – doanh nghiệp chủ động liên hệ cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của GACC.

Doanh nghiệp cần chú ý các lỗi thường gặp khi khai báo online về thông tin về tài khoản; Địa chỉ văn phòng/địa chỉ nơi sản xuất; Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương; Tên Latin/khoa học của sản phẩm; Thông tin về người liên lạc; Ghi chú... Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần nắm chắc các quy định Lệnh 248, Lệnh 249 và thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chuyên môn để có điều chỉnh cho phù hợp.

8 giờ 30 phút

Xây dựng nền sản xuất trách nhiệm, đưa nông sản Việt Nam đi xa

anh cao

Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Mở đầu Diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó, một trong những yêu cầu của các quy định này là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Để kịp thời cung cấp thông tin đến các hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời đánh giá 1 năm triển khai đáp ứng Lệnh 248, “Quy định Quản lý & đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc” có hiệu lực từ 01/01/2022.

xk sau rieng

Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.

Diễn đàn kết nối nông sản 970, với chủ đề mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sẽ là điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp, HTX trao đổi về quá trình thực hiện đáp ứng yêu cầu thị trường để tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Cùng nhau hướng tới một nền sản xuất trách nhiệm, đảm bảo tiêu chuẩn, ATTP, đáp ứng mọi yêu cầu thị trường để nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Bình luận mới nhất