| Hotline: 0983.970.780

Nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc rất lớn vào dịp Tết

Thứ Năm 01/12/2022 , 08:15 (GMT+7)

Vào dịp Tết, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa cho biết.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của các tỉnh, thành Nam bộ phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023; đồng thời, nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực phía Nam phục vụ thị trường dịp cuối năm, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) - Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức Diễn đàn "Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023" vào ngày 1/12.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với điểm cầu chính tại Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội; tại Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam tại TP. HCM cũng như các điểm cầu tại Sở NN-PTNT các tỉnh thành; cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc rất lớn vào dịp Tết

ong Hoa

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho biết, vào dịp Tết, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Hòa, qua diễn đàn có thể hình thành được bức tranh về tình hình sản xuất lúa gạo và cây ăn trái của các tỉnh ĐBSCL những tháng cuối năm 2022 cũng như đầu năm 2023. Ngày hôm qua, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, như vậy chúng ta cần phải nhìn nhận lại đảm bảo việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.

Về cây ăn trái, nhu cầu thị trường cuối năm khá lớn, các loại trái cây xoài, chuối, thanh long, chôm chôm… có áp lực đảm bảo nguồn cung rất lớn với ĐBSCL, bởi lẽ ngoài thị trường trong nước còn có nhiệm vụ xuất khẩu. Hiện nay, việc xuất khẩu được phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục chính sách "zezo COVID", do đó việc xuất khẩu vẫn gặp khó khăn. Với 2 tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc đã có những chính sách phòng chống COVID rất hiệu quả. Do vậy, ngay sau khi Tổng Bí thư có chuyến thăm Bắc Kinh thì rất nhiều cửa khẩu nhỏ đã được mở lại và hỗ trợ rất nhiều hoạt động xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Qua thông tin từ các địa phương, có thể thấy mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng biệt. "Mong mỗi địa phương cung cấp những số liệu cụ thể để tổ diễn đàn có thông tin cụ thể cung cấp đến các doanh nghiệp, các đối tác đảm bảo hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông", ông Lê Thanh Hòa bày tỏ.

"Điều quan trọng nhất, mong các doanh nghiệp đã và đang tính đến việc đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường không chỉ ở phía Nam mà cả phía Bắc hãy đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ vùng ĐBSCL mà đối với cả nước và hướng tới thị trường xuất khẩu", Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định.

10 giờ 35 phút

Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm

attp

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại cho người chăn nuôi thấp.

“Tuy hiện nay giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng số lượng dự trữ nguồn cung cho dịp cuối năm tương đối ổn định. Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước do nhiều lí do khách quan và chủ quan”, ông Nguyễn Quốc Đạt đưa ra nhận định.

Theo đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam, vấn đề cần quan tâm hiện nay, đó là các tỉnh thành, đô thị lớn ở cả 2 miền Nam và miền Bắc có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20 - 40% nhu cầu của người tiêu dùng.

“Để cung ứng được cho nhu cầu lớn, các địa phương vẫn phải vận chuyển nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh. Qua đó đặt ra vấn đề ảnh hưởng đến quy định đảm bảo vệ sinh thực phẩm”, ông Nguyễn Quốc Đạt lưu ý.

10 giờ 20 phút

Theo bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như (tỉnh Hậu Giang), HTX hiện chuyên cung cấp con giống lươn, ếch, thu mua bao tiêu sản phẩm, chế biến sản phẩm từ cá thác lác, lươn, ếch… Trong dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, khả năng cung ứng của HTX như sau: cá thác lác 200 tấn, lươn nguyên liệu 300 tấn, cá lóc 50 tấn/tháng, sản phẩm sơ chế đóng gói về cá thác lác 60 tấn/tháng…

“Hiện tại các sản phẩm được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, doanh nghiệp có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, được đưa vào một số siêu thị, nhưng có bất cập là các siêu thị yêu cầu cung cấp từng cửa hàng, trong khi doanh nghiệp chỉ cung cấp đến các kho lớn”, bà Thùy chia sẻ.

Bà Thùy cho biết thêm, HTX Kỳ Như mong muốn đưa sản phẩm đến các cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước, mặc dù được các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nhưng chỉ đạt 50% sản lượng.

“Tôi mong muốn trong thời gian tới, các sản phẩm được kết nối đến các hệ thống, nhà phân phối bán lẻ trên cả nước”, bà Thùy bộc bạch.

10 giờ 10 phút

Bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch vẫn còn nhiều hạn chế

dn1

Ông Hoàng Trung Độ (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh HDO cho rằng, vấn đề bảo quản sau thu hoạch, lưu kho, đóng gói, vận chuyển,… của nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp còn hạn chế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn cản trở lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đường dài.

Công ty HDO hiện cung cấp hạ tầng bảo quản, logistic, chuỗi lạnh với giá cả ưu đãi. Đơn vị hiện có khoảng 3.000m2 kho lạnh để làm trung tâm trung chuyển hàng hóa tươi sống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật để hỗ trợ nông dân các bước bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch. Do đó, đơn vị mong muốn được hợp tác, cung cấp hạ tầng bảo quản vận chuyển với các đơn vị phía Nam có nhu cầu tiếp cận thị trường miền Bắc.

10 giờ 05 phút

Nhu cầu nông sản của Hà Nội khá lớn trong dịp cuối năm

dn tu tam

Bà Đinh Thị Hải Yến (ảnh), Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm cho biết, mục tiêu thị trường đang hướng tới là tiêu dùng sạch, an toàn từ nguyên liệu sinh học, thảo dược theo hướng hữu cơ… Hiện nay Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm cung cấp cho 300 điểm bán tại Hà Nội và các tỉnh thành phố. Công ty mong muốn sự hợp tác với các đơn vị nuôi trồng để tìm kiếm vùng nguyên liệu theo tiêu chí sạch, an toàn của công ty đề ra.

Cũng theo bà Yến thì nhu cầu tại thị trường Hà Nội khá lớn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nhất là các sản phẩm chất lượng, an toàn để phục vụ tiêu dùng và quà biếu sẽ tăng cao so với thị trường bình thường. Bà mong muốn kết nối với các đơn vị nuôi trồng, cung ứng nông sản tốt đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

9 giờ 55 phút

Đề xuất ưu tiên đưa sản phẩm OCOP vào danh mục quà tết

dn

Theo bà Trịnh Kim Thư (ảnh), Tổng giám đốc công ty CP MDQueens, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi yêu cầu đối với vùng nguyên liệu cần 75% nguồn cung cấp là từ địa phương.

“Thời gian tới, khi doanh nghiệp phát triển về sản lượng sản phẩm thì cần mở rộng vùng trồng ra các địa phương khác. Trong khi sản phẩm trà xạ đen gồm 7 loại thảo mộc mà không phải chỗ nào cũng trồng được và tùy thuộc vào thổ nhưỡng các địa phương. Chính vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh lại yêu cầu này. Có như vậy sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp phát triển hơn trong việc sản xuất các sản phẩm OCOP”, bà Thư chia sẻ.

Bên cạnh khó khăn về vùng nguyên liệu, vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng có những vướng mắc khi các siêu thị lớn yêu cầu phải có kinh nghiệm và đã đưa vào các siêu thị lớn, yêu cầu bán ký gửi, trong khi các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, do đó, yêu cầu về vốn để bán ký gửi cũng sẽ gây khó khăn.

Bà Trịnh Kim Thư, Tổng giám đốc công ty CP MDQueens, mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các lớp tập huấn bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và bà con nông dân; ưu tiên đưa sản phẩm OCOP vào danh mục quà tết.

9 giờ 45 phút

Bình Dương dồi dào nguồn cung thịt lợn, thịt gà

thit ga

Bình Dương dồi dào nguồn cung thịt lợn, thịt gà dịp cuối năm (Ảnh minh họa).

Thông tin về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ tết cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, hiện nay, đối với sản phẩm rau, củ, quả, trái cây tươi, tỉnh hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu của người tiêu dùng nội tỉnh.

Với các sản phẩm chăn nuôi, tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là sản xuất cho TP. HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi ngày, Bình Dương có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt, trong đó 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho TP. HCM và các tỉnh lân cận.

“Hiện nay, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bình Dương và các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn địa phương xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt lợn và thịt gà còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác”, ông Lê Thanh Tâm chia sẻ.

9 giờ 35 phút

Cần có giải pháp khi giá heo hơi xuống mức thấp

gia heo

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đồng Nai nhận định, giá heo hơi tại địa phương đang ở mức thấp. Ảnh minh họa: Vissan.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, để đảm bảo nguồn cung và vệ sinh an toàn thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, nông sản, nhất là trong dịp cuối năm.

Để đáp ứng như cầu về các nhu yếu phẩm, tỉnh đang chuẩn bị tổ chức phiên chợ Tết Công Đoàn 2023, dự kiến vào ngày 13/1 với 120 gian hàng, trong đó, có 40 gian hàng là các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, hàng năm, Đồng Nai cũng triển khai nhiều hoạt động bình ổn giá do Sở Công thương phối hợp với các đơn vị chức năng và doanh nghiệp.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đồng Nai nhận định, giá heo hơi tại địa phương đang ở mức thấp, dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg, trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang neo ở mức rất cao.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Thắng, các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, Bộ NN-PTNT cần có các biện pháp cần thiết, cũng như có sự phối hợp với Bộ Công thương để đưa giá heo hơi về mức phù hợp với thị trường để đảm lợi ích cân đối giữa các bên

9 giờ 25 phút

Có thể vẫn sẽ có hiện tượng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tại biên giới

Nhập chú thích ảnh

Các xe container chở hàng hóa xuất khẩu ùn ứ tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 12/2021.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam thì thị trường rau quả của Việt Nam còn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc chiếm 50%. Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu cần rau quả phục vụ dịp Tết sẽ cao để phục vụ văn hóa tâm linh. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá và lượng tiêu thụ.

Năm ngoái, dịp giáp Tết Nguyên đán, chính sách "zezo COVID" của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách "zezo COVID" nên tình hình sẽ khởi sắc hơn. "Có thể vẫn sẽ có hiện tượng ùn ứ tại biên giới nhưng không nhiều như năm ngoái", ông Nguyên dự đoán.

Về kim ngạch xuất khẩu rau quả, 11 tháng qua Việt Nam ta đạt gần 3,1 tỷ USD; nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao như sầu riêng, thanh long, chuối… đã xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc nhờ những nghị định thư được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang Trung Quốc. Sắp tới mặt hàng khoai lang được ký nghị định thư thì chắc chắn cũng sẽ tăng…

Ông Nguyên cũng đưa ra những đề xuất như mở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống vừa tạo không khí Tết vừa là giải pháp tiêu thụ rau, củ, quả cho bà con; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

9 giờ 15 phút

Thủy sản Cà Mau đủ khả năng đảm bảo tiêu thụ trong tỉnh và trong nước

tom ca mau

Ngoại trừ sản phẩm tôm chủ yếu để xuất khẩu, các sản phẩm thủy sản còn lại của Cà Mau có khả năng đảm bảo tiêu thụ trong tỉnh và trong nước.

Đại diện Sở NN-PTNT Cà Mau phát biểu, đầu năm 2022, dịch Covid-19 vẫn phức tạp, tình hình tiêu thụ nông sản tại Cà Mau gặp một số khó khăn, nhờ có diễn đàn 970 đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân trong việc tiêu thụ nông sản.

Về khả năng cung ứng thủy sản, hiện tỉnh Cà Mau có tổng diện tích là 300.000ha, trong đó, nuôi tôm khoảng 280.000ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 600.000 tấn, trong đó sản lượng tôm khoảng 230.000 tấn. Với lĩnh vực thủy sản, hiện nay việc thu hoạch, sản xuất ổn định, sản phẩm tôm chủ yếu để xuất khẩu, các sản phẩm còn lại đảm bảo tiêu thụ trong tỉnh và trong nước.

Cụ thể, sản lượng tôm sú khoảng 7700-8800 tấn, tôm thẻ chân trắng là 8000-9000 tấn, tôm càng xanh 2000 tấn và cua biển đạt 300 tấn.

Theo đại diện Sở NN-PTNT Cà Mau, hiện nay cây lúa là giống cây trồng thế mạnh của tỉnh với diện tích khoảng 37.000ha, tập trung chủ yếu các giống lúa ST24 ST25, chiếm 35%. Dự kiến sản lượng lúa tiêu thụ cuối năm chủ yếu là lúa thơm và lúa chất lượng cao.

Về lĩnh vực chăn nuôi, Cà Mau vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Các mô hình chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chiếm 90-95%, chỉ đáp ứng 50% tiêu thụ nội tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán năm 2023 sẽ tăng sản lượng lên 6.200 tấn thịt, tuy nhiên chỉ cung ứng được 45% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, còn lại nhập từ các nơi khác.

9 giờ 10 phút

Ba Huân cam kết sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết

ba-huan-jpeg-9507-1647229397

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Huân (ảnh), đại diện Công ty Cổ phần Ba Huân, cho biết, dịp lễ tết năm 2023 tới đây, Công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức. Đồng thời, Công ty cũng cam kết sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

“Trong nhiều năm, Công ty đã đưa hệ thống bán lẻ về các tỉnh, thành và chúng tôi đã được người tiêu dùng tại các địa phương tin tưởng, tín nhiệm. Đó là niềm vui của chúng tôi với bà con nông dân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp chúng tôi mong Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ để cung ứng hàng hóa tiêu dùng đến khu vực nông thôn”, bà Phạm Thị Huân bày tỏ.

9 giờ 00 phút

Cơ hội lớn để xúc tiến nông sản chủ lực tại Cần Thơ vào dịp cuối năm

cho-can-tho-10_1632059436

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm của người dân thành phố Cần Thơ là rất lớn (Ảnh minh họa).

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Quỹ Mão 2023, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, doanh nghiệp cân đối nguồn hàng dịp cuối năm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn đã cam kết tham gia vào chương trình bình ổn giá.

Nhu cầu hàng hóa thiết yếu của 1,2 triệu dân trên địa bàn thành phố sẽ rất lớn, như gạo: 215 tấn/ngày; thịt các loại: 215 tấn/ngày; trứng: 1,6 triệu quả/tuần; thủy hải sản: 131 tấn/ngày; rau củ quả: 261 tấn/ngày. Đây là cơ hội rất lớn để các HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ, nhất là trong dịp cuối năm.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, hầu hết các nhà vườn đã có liên kết với các doanh nghiệp, thương lái để bao tiêu sản phẩm trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Sở Công thương Cần Thơ cũng phối hợp với các địa phương lân cận để kết nối, xúc tiến thu mua nông sản, thực phẩm thành phố còn thiếu.

8 giờ 50 phút

Nguồn cung nông sản cho TP. Hồ Chí Minh vẫn phụ thuộc vào các tỉnh lân cận

cho thu duc

Chợ đầu mối Thủ Đức nhìn từ trên cao vào tháng 4/2020. Ảnh: Hữu Khoa/VnExpress.

Ông Phạm Huy Huệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp, Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 5 sản phẩm chủ lực và 1 sản phẩm tiềm năng. Dịp Tết Nguyên đán, TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả, trong đó thành phố sẽ đáp ứng được khoảng 20%; nhu cầu thịt heo là 230.000 con heo, thành phố đáp ứng 8-10% so với nhu cầu; về thủy sản nhu cầu khoảng 450.000 tấn, khả năng cung ứng đạt khoảng 15%...

Về thị trường hoa cây cảnh nhu cầu dự báo không tăng mạnh, nhiều nhà vườn cho biết hiện nay nhu cầu còn ít, giá dự báo sẽ không tăng so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái… Nhiều mặt hàng khác như gạo, gia cầm… thành phố cũng sẽ không đáp ứng được nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường cung ứng tại các tỉnh lân cận.

8 giờ 45 phút

saurieng

Sầu riêng được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng.

Tham luận tại diễn đàn, ông Tô Văn Huấn, đại diện Cục Trồng trọt, nêu những khó khăn cuối năm 2022 đầu năm 2023 trong việc xuất khẩu nông sản. Ông Tô Văn Huấn cho biết, hiện nay yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có thể làm chậm xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, việc chậm cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc, gây khó khăn cho tiêu thụ sầu riêng rải vụ hiện nay tại vùng ĐBSCL. Chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây.

Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến sản xuất một số vùng cây ăn quả chưa có đê bao kép kín; việc tăng nhanh diện tích sản xuất sầu riêng tại một số vùng có điều kiện sinh thái không phù hợp, có thể dẫn đến thiệt hại sau khi trồng.

Trong phần tham luận của mình, ông Huấn đề xuất một số giải pháp liên quan tới tiêu thụ, sản xuất các nông sản như lúa, cây ăn quả và thủy sản.

8 giờ 30 phút

Không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023

Ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Na, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã vượt 49 tỷ đô USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 53 tỷ USD trong năm 2022.

“Thành quả đó điều hết sức vui mừng. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nông sản trong nước, đặc biệt là trong dịp tết dương lịch và âm lịch vẫn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Bộ NN-PTNT khi nhiều lần Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ‘Chất lượng nông sản cho 100 triệu người Việt là quan trọng, không thể dễ dãi’”, ông Vũ Minh Việt nêu vấn đề.

Do đó, “Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực vùng Nam bộ phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023” là một trong nhiều diễn đàn do Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 thực hiện năm 2022 sẽ làm sâu sắc hơn tư duy kinh tế nông nghiệp; góp phần giúp người kinh doanh nông sản bớt “mù mờ” về nơi sản xuất; người tiêu dùng bớt “mù mờ” về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm; các doanh nghiệp tiêu thụ bớt “mù mờ” về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch; cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp bớt “mù mờ” về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Việt, năm 2022, tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một giai đoạn ngắn. Do đó, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành, chủ động phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước (thịt lợn, gạo...); các mặt hàng đang có biến động về giá (cá tra, thịt gia cầm...) đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; Tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ; Đồng thời theo dõi sát biến động thị trường; tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là các nông sản vào chính vụ như na, sầu riêng, xoài, thanh long, bơ…

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân. Nhằm mục tiêu kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023.

“Do đó, diễn đàn hôm nay nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của các tỉnh, thành Nam bộ phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023; nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực phía Nam phục vụ thị trường dịp cuối năm”, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.