Triển khai ngay sau khi có Nghị định thư
Cuối tháng 7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo các quy định, yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi có những quy định từ phía Trung Quốc đưa ra, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tập huấn, phổ biến các văn phảm quy phạm pháp luật liên quan đến yêu cầu xuất khẩu.
Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Lắk tổ chức “Hội nghị tập huấn hướng dẫn thiết lập mã số vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sầu riêng”. Tham dự hội nghị có 150 đại biểu là cán bộ các đơn vị trực thuộc, đại diện HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng gói, chế biến sầu riêng xuất khẩu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Tại hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật đã phổ biến quá trình đàm phán mở cửa thị trường đối với quả sầu riêng và Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Các quy định chung và yêu cầu cụ thể về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng.
Yêu cầu đối với cán bộ kỹ thuật tại cơ sở đóng gói sầu riêng, hướng dẫn giám định sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói và quy trình cấp mã số và ghi chép tại vùng trồng, cơ sở đóng gói, hướng dẫn sử dụng nhật ký điện tử My Dairy Farm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX, nông dân cũng được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng, thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng xuất khẩu.
Thời điểm Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo các quy định xuất khẩu trúng vào thời điểm sầu riêng tại Đắk Lắk chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Để kịp đưa những lô hàng sầu riêng đầu tiên vào Trung Quốc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định giao Sở NN-PTNT làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, các tổ chức, các nhân liên quan rà soát, đối chiếu các điều kiện của vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Quyết định cũng yêu cầu, Sở NN-PTNT Đắk Lắk phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn doanh nghiệp, người dân về quy định của mã vùng trồng, cơ sở đóng gói và hoàn thiện hồ sơ liên quan, sẵn sàng cung cấp khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết với vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và yêu cầu quy định khác của nước nhập khẩu.
Sở NN-PTNT tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia do Cục Bảo vệ thực vật xây dựng. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật ban hành quy trình phòng trừ dịch hại đối với cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu,… đặc biệt là các loại sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm, hướng dẫn sử dụng phầm mềm quản lý từ khâu sản xuất đến xuất khẩu sản phẩm.
Nâng cao nhận thức về các quy định xuất khẩu
Còn tại Đắk Nông, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức chương trình tập huấn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các tỉnh Tây Nguyên vào ngày 7-8/12.
Chương trình sẽ tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, người dân về quy định mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, các yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu và cơ sở đóng gói. Tại đây, chuyên gia của Phòng thuốc BVTV Cục Bảo vệ thực vật sẽ phổ biến các quy định về việc sử dụng thuốc BVTV tại vùng trồng, thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đã sử dụng.
Các học viên cũng sẽ được hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV tại vùng trồng xuất khẩu; Quy trình cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói, hồ sơ của cơ quan quản lý, hồ sơ của vùng trồng và cơ sở đóng gói. Phổ viến các quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nông sản nguồn gốc thực vật xuất khẩu vào Trung Quốc theo Lệnh 248; An toàn thực phẩm trong nông sản vào Trung Quốc theo Lệnh 249.
Đặc biệt, hội nghị sẽ giới thiệu và hướng dẫn các học viên sử dụng, trải nghiệp sử dụng nhật ký điện tử My Farm diary cùng phần mềm quản lý nhà đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật đặt mục tiêu sau chương trình tập huấn, các doanh nghiệp, HTX, người dân tại Tây Nguyên sẽ nắm rõ được quy định về mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ cho việc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.
Trước đó, để phổ biến về các quy định xuất khẩu theo Nghị định thư đã ký kết giũa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tuyên truyền video clip hướng dẫn xây dựng mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện công tác cấp và giám sát mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đáp ứng theo quy định của nhiều nước nhập khẩu phục vụ truy xuất nguồn gốc đang được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ trên toàn quốc, nhằm cung cấp, hướng dẫn thông tin một các trực quan và dễn tiếp cận tới các đối tượng khác nhau tham gia chuỗi xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 5 video clip gồm: Quy định cấp, thu hồi mã số vùng trồng/cơ sở đóng gói và hướng dẫn xuất khẩu chanh leo, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Tại Đắk Nông, để hướng dẫn, thiết lập, giám sát và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu triên địa bàn, UBND tỉnh này đã yêu cầu các sở ngành tăng cường công tác phổ biến các quy định của Nghị định thư.
UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở NN-PTNT chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Chú trọng tổ chức thực hiện các chương trình quản lý sinh vật gây gại tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số để đảm bảo duy trì đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia do Bộ NN-PTNT xây dựng.