| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại chương trình phát triển lúa đặc sản của Sóc Trăng

Thứ Năm 26/05/2022 , 08:25 (GMT+7)

Giai đoạn 2012 - 2020, chương trình phát triển sản xuất lúa đặc sản của Sóc Trăng đã có bước đột phá mạnh mẽ, tạo sức bật quan trọng cho giai đoạn 2022 - 2025.

Cần tiếp tục thay đổi tập quán sản xuất

Tỉnh Sóc Trăng có các giống lúa thơm đặc sản nổi tiếng bởi phẩm chất gạo thơm, cơm ngon. Lúa đặc sản là các giống lúa thơm Sóc Trăng bao gồm nhóm giống lúa ST (nhất là giống ST24, ST25), lúa Tài Nguyên và các giống lúa thơm nhẹ khác.

Sau khi nhóm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh nghiên cứu, chủ động tạo được nguồn cung cấp giống lúa thuần đảm bảo chất lượng, giống không bị thoái hóa, vùng trồng lúa thơm đặc sản không ngừng mở rộng sản xuất (SX) trong và ngoài địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch đã giúp nâng cao chất lượng lúa thơm đặc sản của Sóc Trăng trong những năm qua. Ảnh: Hữu Đức.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch đã giúp nâng cao chất lượng lúa thơm đặc sản của Sóc Trăng trong những năm qua. Ảnh: Hữu Đức.

Những năm gần đây, nông dân trồng lúa thơm đặc sản ở Sóc Trăng cũng tích cực nâng cao giá trị SX và lợi nhuận thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật do Dự án Phát triển SX lúa đặc sản Sóc Trăng và các dự án khác của ngành nông nghiệp triển khai, góp phần giảm chi phí SX từ 15 - 20%. Chất lượng sản phẩm lúa gạo trong vùng dự án được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, có giá bán cao hơn lúa thường canh tác bên ngoài 700 - 1.500 đồng/kg. Đặc biệt, nông dân trong vùng dự án dần chuyển đổi nhận thức, thay đổi tập quán SX nhỏ lẻ sang SX tập trung theo mô hình kinh tế hợp tác.

Hiện nay, Sóc Trăng có 371 tổ hợp tác và 54 HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với tổng diện tích hơn 53.170 ha, được SX theo hướng an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng mô hình SX lúa đặc sản theo hướng hữu cơ đang được nhân rộng với trên 2.400 ha.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số nông dân trong vùng dự án canh tác lúa thơm đặc sản chậm đổi mới tư duy SX; các mô hình SX theo hướng hữu cơ, VietGAP chưa nhiều. 

Đừng quên cày ải, làm đất kỹ

Để phát triển vùng trồng lúa đặc sản trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục củng cố và xây dựng các tổ hợp tác và HTX sản xuất lúa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX trên cánh đồng lớn và liên kết SX theo hướng an toàn. Tỉnh sẽ hỗ trợ SX giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng, xây dựng hệ thống nhân giống giống cấp xác nhận.

Tuy nhiên, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - người đứng đầu nhóm tác giả nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa ST lưu ý: Trong quá trình canh tác các lúa thơm giống ST, bên cạnh sử dụng giống lúa xác nhận để đảm bảo phẩm chất gạo, nông dân không nên bỏ quên khâu máy kéo cày ải, cần làm đất thật kỹ trước khi gieo sạ. Bởi nếu “lãng quên” khâu cày bừa, cây lúa sẽ giảm năng suất, không đạt hiệu quả cao.

Chú trọng khâu làm đất sẽ giúp tăng năng suất lúa, cải thiện chất lượng lúa gạo. Ảnh: Hữu Đức.

Chú trọng khâu làm đất sẽ giúp tăng năng suất lúa, cải thiện chất lượng lúa gạo. Ảnh: Hữu Đức.

Khâu làm đất trong sản xuất lúa đóng vai trò vô cùng quan trọng, giú đất tơi xốp, diệt cỏ dại để tạo môi trường thích hợp cho cây lúa phát triển ở giai đoạn đầu. Trước khi gieo sạ lúa, đất phải được làm sạch, cho máy cày bừa và đảo trộn làm tơi đất để lúa phát triển thuận lợi. 

Lúa ST25 sau khoảng 95 -100 ngày gieo trồng bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch. Thu hoạch lúa thơm bằng máy gặt đập vừa nhanh, giảm hao hụt để đạt tối đa năng suất và vận chuyển ngay về các nhà máy để tiến hành quá trình sấy khô, xay xát để giữ phẩm chất gạo được thơm ngon nhất.

Hơn nữa, nếu gieo trồng không tuân thủ đúng theo khuyến cáo lịch thời vụ, sẽ gặp khó khăn về nguồn nước tưới khi xâm nhập mặn đến sớm.

Về nguồn nước tưới tiêu cũng cần đảm bảo. Dẫn chứng từ thực tế ở tiểu vùng SX lúa thơm đặc sản tại Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có hệ thống đê bao khép kín, dù vậy vụ lúa đông xuân chín vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 thu hoạch gặp mưa dầm, lúa vẫn bị đổ ngã gây thiệt hại năng suất. Do vậy, việc quy hoạch xây dựng vùng SX lúa an toàn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đến đầu tư.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để canh tác giống lúa ST25 đạt hiệu quả tối đa, nông dân nên áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh. Quy trình canh tác lúa thông minh vừa giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới, giúp bà con tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà lại cho năng suất cao.

Bên cạnh đó, bà con cần áp dụng quy trình bón phân thông minh, bằng cách lựa chọn bón cân đối các nguyên tố đa, trung và vi lượng, đồng thời bón đúng thời điểm cho cây lúa.

Đưa sản xuất lúa đặc sản vào chiều sâu

Chuyển tiếp sang giai đoạn 2022 - 2025, Dự án Phát triển SX lúa đặc sản Sóc Trăng đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu đủ lớn để xây dựng thương hiệu cho gạo đặc sản Sóc Trăng. Dự kiến đến năm 2025 đạt 195.000 ha, chiếm 60% diện tích gieo sạ lúa toàn tỉnh; sản lượng lúa đặc sản và chất lượng cao đạt trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh và ưu tiên phát triển nhóm giống lúa ST.

Giai đoạn 2022 - 2025, sản xuất lúa gạo đặc sản Sóc Trăng sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất. Ảnh: TL.

Giai đoạn 2022 - 2025, sản xuất lúa gạo đặc sản Sóc Trăng sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất. Ảnh: TL.

Bên cạnh việc định hình 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản, xây dựng 17 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án sẽ chú trọng củng cố HTX, nâng cao chất lượng mạng lưới SX, cung ứng giống lúa đặc sản tại địa phương, nhất là công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Theo đó, tại mỗi vùng nguyên liệu, Dự án sẽ xây dựng các điểm tập huấn nông dân, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng các biện pháp sinh học BVTV như: "1 hải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp IPM; sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ; ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong SX tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Các lớp tập huấn nông dân như một lớp học sinh động ngoài đồng ruộng, giúp người nông dân tận mắt nhìn thấy và thực hành ngay tại chỗ, sau đó về áp dụng kỹ thuật canh tác đã học trên ruộng nhà và dần lan rộng ra cho bà con nông dân xung quanh học hỏi và áp dụng.

Khi dự án triển khai, sẽ linh hoạt trong cách tiếp cận, đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Ban quản lý Dự án sẽ mời doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đặc sản đến hiệp thương, thỏa thuận với các HTX để thiết kế và xây dựng các tiêu chuẩn SX của từng mô hình do doanh nghiệp yêu cầu, đặt hàng.

Từ đó, Dự án sẽ đưa ra giải pháp yểm trợ về khoa học, công nghệ, khuyến nông; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở SX, doanh nghiệp và cơ sở SX kinh doanh giống lúa đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các mô hình canh tác lúa thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Dự án Phát triển SX lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng đã được triển khai qua 2 giai đoạn (2012 - 2015 và 2016 - 2020), qua đó giúp diện tích lúa đặc sản, lúa thơm tăng dần. Năm 2012 từ 66.000 ha đến năm 2020 tăng lên hơn 178.000 ha, vượt 40.500 ha so với kế hoạch; sản lượng lúa tăng trên 1 triệu tấn, vượt kế hoạch dự án 35,5%.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm