| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Phát huy lợi thế nuôi tôm nước lợ

Thứ Hai 02/08/2021 , 09:35 (GMT+7)

Tỉnh Sóc Trăng có thế mạnh phát triển kinh tế thủy sản. Đặc biệt nuôi tôm nước lợ đang chuyển hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, mở hướng phát triển bền vững.

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng. Ảnh: HĐ.

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng. Ảnh: HĐ.

Người nuôi tôm đã tích lũy nhiều kinh nghiệm

Sóc Trăng nằm cuối dòng sông Hậu, tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài hơn 72 km và cùng mục tiêu các tỉnh ven biển ĐBSCL phát huy thế mạnh kinh tế biển. Thủy sản của tỉnh đã có bước phát triển đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Trong đó nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh đang đóng vai trò chủ đạo, tiềm năng phát triển còn lớn.

Hàng năm, diện tích nuôi thủy sản tỉnh Sóc Trăng trên 78.000 ha. Riêng vùng nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 trên 51.400 ha, trong đó, tôm thẻ chân trắng là trên 37.000 ha (chiếm trên 72% diện tích thả nuôi) và tôm sú trên 14.000 ha. Sản lượng tôm nuôi năm 2020 đạt gần 188.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 823 triệu USD, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Từ giữa những năm đầu thập niên 90, trên nền hệ sinh thái đa dạng ngọt - lợ - mặn, vào mùa khô từ tháng 3 đến tháng 9 nước mặn xâm nhập nội đồng ở vùng nầy đã có những hộ nông đầu tiên khởi sự thả nuôi tôm sú. Ở vùng lợ và ngập mặn ven biển thị xã Vĩnh Châu và các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung lần lượt đã chuyển đổi sản xuất nuôi trồng thủy sản. Riêng huyện Mỹ Xuyên nông dân còn vận dụng áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm ổn định cho đến nay.

Trong những năm gần đây người nuôi tôm tuy đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật các mô hình nuôi tôm nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên phải luôn chú trọng các biện pháp đề phòng dịch bệnh. Hiện nay, bệnh tôm gây ra thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng và còn nhiều nguyên nhân khác như do môi trường, thời tiết, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm 2 hay 3 giai đoạn, sử dụng vi sinh, lót bạt đáy,... người nuôi tôm đã nhanh chóng vận dụng thành công, đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng thực hiện công tác quan trắc môi trường nước và phòng chống dịch bệnh để hỗ trợ cho người nuôi. Cụ thể là hàng tuần, các kết quả từ thu mẫu, phân tích mẫu của 28 điểm kênh ngoài tự nhiên đã giúp cảnh báo kịp thời đến vùng nuôi, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thông qua Website của Sở NN-PTNT, Zalo và hộp thư điện tử của Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh, doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác. 

Sóc Trăng hiện có diện tích nuôi ao bạt khoảng 4.039 ha/981 hộ (trong đó, có 18 doanh nghiệp với diện tích 1.321,7 ha chiếm 32,7%), có điều kiện đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ. Hiện nay, năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng tại Sóc Trăng đạt bình quân 5,9 tấn/ha, tôm sú 2 tấn/ha, trong đó mô hình tôm sú – lúa năng suất bình quân khoảng 0,9 tấn/ha. Đồng thời, khi tăng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và khống chế tôm thiệt hại dưới 10%, sản lượng tôm từ vùng nuôi tôm năm 2020 tăng hơn 25% so với năm 2019.

Nuôi tôm thâm canh thẻ chân trắng ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: HĐ.

Nuôi tôm thâm canh thẻ chân trắng ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: HĐ.

Trên 1.600ha áp dụng thực hành sản xuất tốt 

Xác định phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm trong khâu tổ chức sản xuất, ngành nông nghiệp Sóc Trăng luôn thúc đẩy thành lập mới, củng cố và nâng chất hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác. Tỉnh đã quyết liệt triển khai Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và thí điểm đưa cán bộ trẻ về hỗ trợ các hợp tác xã.

Kết quả triển khai thực hiện mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã. Đến nay có 23 cán bộ trẻ có trình từ cao đẳng, đại học về làm việc trong 12 HTX nông nghiệp (5 cán bộ trẻ làm việc cho 4 HTX thủy sản). Xây dựng mới 1 trụ sở cho HTX Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên.

Để giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, Sở NN-PTNT Sóc Trăng còn khuyến cáo người nuôi tôm áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP, ASC, BAP, GAP… đến người nuôi tôm. Đồng thời tổ chức kết nối giữa người nuôi tôm, HTX, trang trại nuôi tôm với nhà máy và doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Qua đó hoạt động sản xuất, nuôi tôm được hỗ trợ tốt hơn, tạo nguồn sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh đã có 41 đơn vị sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GAP, GlobalGAP, BAP) trên 1.600 ha.

Tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp với các dự án ICAFIS, WWF, Đại học Cần Thơ, Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Pháp chế của Tổng cục Thủy sản triển khai tuyên truyền Luật Thủy sản, thực hiện cấp mã số chủ lực phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các diễn đàn khoa học, đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho các HTX và tổ hợp tác. Thúc đẩy việc liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và nông dân nuôi tôm đã thu nhận hiệu quả thiết thực.

Nhằm phát huy thế mạnh nuôi tôm nước lợ, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN-PTNT ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển vùng tôm lúa ở huyện Mỹ Xuyên giai đoạn 2021-2025 với qui mô 17.000 ha. Tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng và dự án xây dựng mô hình thí điểm thủy lợi vùng chuyên canh nuôi tôm công nghệ cao khu vực huyện Trần Đề với qui mô 300 ha, tổng mức đầu tư 232 tỉ đồng.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.