| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng hình thành 20.000 ha canh tác lúa tôm bền vững

Chủ Nhật 27/06/2021 , 19:05 (GMT+7)

Sóc Trăng Là một trong những tỉnh sớm khởi đầu nhân rộng mô hình lúa tôm ở vùng ĐBSCL, từ 'con tôm ôm cây lúa' tiến lên nâng tầm đặc sản 'lúa thơm tôm sạch'.

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên có vùng lúa tôm tập trung nhiều nhất tỉnh. Ảnh: Hữu Đức.

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên có vùng lúa tôm tập trung nhiều nhất tỉnh. Ảnh: Hữu Đức.

Nhiều năm qua tỉnh Sóc Trăng vẫn duy trì và mở rộng diện tích luân canh tôm lúa. Thị trường thuận lợi, cao điểm diện tích có lúc vượt trên 18.000 ha. Vùng canh tác lúa tôm ổn định tập trung nhiều nhất ở huyện Mỹ Xuyên và Thị xã Vĩnh Châu. Trước đây, vùng đất này chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn vào mùa khô, nông dân chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa khi có nước ngọt.

Những năm chuyển dịch đầu thập niên 90, bắt đầu mùa khô từ tháng 2 dương lịch cho đến tháng 9 nước mặn xâm nhập vào nội đồng nông dân nuôi tôm sú. Tiếp đến vào mùa mưa, từ tháng 9 có đủ nước ngọt nông dân vẫn giữ được mùa lúa đến tháng 1 thì thu hoạch. Theo các chuyên gia nông học, đây là canh tác thông minh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong hơn 30 năm, tuy ban đầu có một số nông dân mê nuôi tôm vì lợi nhuận cao hơn trồng lúa nhưng dần dà nhận ra mô hình luân canh tôm lúa đem lại thu nhập khá cao và nhất là giữ được môi trường sinh thái đồng ruộng tốt hơn. Việc chọn giống lúa kháng rầy, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong canh tác lúa đã tiết giảm tối đa để giữ cho ao sạch nuôi tôm. Mô hình trồng lúa trong ao tôm phục hồi diện tích lúa ổn định. 

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, ở huyện Mỹ Xuyên có vùng lúa tôm tập trung nhiều nhất tỉnh. Khởi đầu những năm 1990, huyện Mỹ Xuyên có hơn 9.000 ha nuôi tôm sú trên vùng đất nhiễm mặn và duy trì canh tác một vụ lúa. Từ năm 2005 nông dân bắt đầu đưa vào sử dụng giống lúa thơm ST5 trồng thành công, đạt giá trị hiệu quả cao nên là lựa chọn mới cho nhiều nông dân.

Nếu chỉ tính riêng mô hình luân canh tôm lúa hàng năm đạt tổng sản lượng gần 40.000 tấn tôm và gần 46.000 tấn lúa. Hiện nay, huyện Mỹ Xuyên giữ ổn định mô hình lúa tôm hàng năm trên 17.700 ha, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, có những năm đầu chuyển dịch nuôi tôm trúng mùa lợi nhuận cao hơn lúa, nhất là khi thị trường giá lúa thấp một số hộ nông dân giảm trồng lúa. Tuy nhiên nuôi tôm cũng có vụ nuôi xảy ra rủi ro, thất bát nông dân lại nhận ra canh tác lúa luôn mang lại nguồn thu nhập ổn định. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng qui trình kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh trồng lúa, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển nuôi tôm hiệu quả. Qui trình sản xuất luân canh tôm lúa giúp nông dân khôi phục lại nghề trồng lúa nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất.

Tận dụng nguồn hữu cơ còn lại sau vụ nuôi tôm để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây lúa. Thiết lập môi trường sản xuất ổn định, phát huy tiềm năng và khai thác lợi thế đất đai của tiểu vùng. Tạo ra vùng sản xuất lúa nguyên liệu tốt cung cấp cho chế biến.

 Mặt khác trồng lúa trên nền ao nuôi tôm là một quá trình ôxy hóa sinh học đáy ao tôm. Do quá trình hạ thấp mực nước, ôxy dễ xâm nhập vào ruộng. Hơn thế nữa, khi cây lúa sinh trưởng hệ thống rễ lúa đưa ôxy vào đất giúp phân giải các xác bã hữu cơ, các chất tồn lưu... thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho cây lúa, tái lập lại sự cân bằng sinh thái có lợi cho cây trồng và vật nuôi.

Mô hình luân canh lúa tôm ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Mô hình luân canh lúa tôm ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, những năm trước đây nông dân áp dụng mô hình tôm lúa, nuôi tôm thiệt hại khoảng 20%/năm. Nhưng nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên giữ môi trường nuôi tôm tốt hơn. Trong hai năm gần đây tỷ lệ nuôi tôm bị thiệt hại giảm dần, từ 10% xuống còn 8,4%.

Sắp tới tỉnh Sóc Trăng tiếp tục xây dựng ổn định vùng lúa tôm khoảng 20.000 ha, hình thành chuỗi sản xuất an toàn. Mô hình trồng giống lúa thơm đặc sản và nuôi tôm sạch được định hướng sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Trong những năm gần đây, mô hình sản xuất luân canh tôm lúa đã phát triển mạnh trong cơ cấu sản xuất hàng năm tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Hiện tại có 7 tỉnh, gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Long An áp dụng hệ thống canh tác theo mô hình lúa tôm, với tổng diện tích trên 140.000 ha. Trong đó, diện tích canh tác nhiều nhất là Kiên Giang với khoảng 60.000 ha.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.