| Hotline: 0983.970.780

Nho Ninh Thuận cần tăng cả diện tích lẫn sản lượng để phát triển thị trường

Thứ Sáu 16/06/2023 , 22:49 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Ninh Thuận cần tăng cả diện tích và sản lượng nho để phát triển thị trường.

Thêm giá trị mới cho nho

Ngày 16/6, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp phát triển cây nho và đây là cây trồng đặc thù của địa phương, nổi tiếng cả nước với tên “Nho Ninh Thuận”.

Tuy diện tích nho chỉ chiếm 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng nhưng giá trị sản xuất hàng năm của cây này đạt 19-20% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Trung bình, mỗi năm tỉnh cung cấp cho thị trường khoảng 28 nghìn tấn nho ăn tươi.

Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận diễn ra ngày 16/6. Ảnh: Minh Hậu.

Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận diễn ra ngày 16/6. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Đặng Kim Cương, nho là cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Gần đây, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nâng cao giá trị, trung bình mỗi ha nho có thể đạt 1,2 - 2,1 tỷ đồng/vụ, tương đương 2,6 - 4,4 tỷ đồng/ha/năm.

Hiện nay, trên cơ sở tiềm năng, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn với quy mô 2,5 nghìn ha. Trong đó huyện Ninh Phước chiếm 1,7 nghìn ha, các địa phương khác như huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, TP Phan Rang - Tháp Chàm có diện tích từ 140 ha đến 250 ha.

Theo ngành nông nghiệp Ninh Thuận, việc phát triển các mô hình nho đã mang lại nguồn thu lớn cho các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình kinh tế mới từ cây nho được quan tâm, đầu tư thực hiện.

Chia sẻ tại cuộc hội thảo, đại diện Nông trại Hoàng Yến (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) cho biết, đơn vị đang triển khai mô hình sản xuất truyền thống gắn với phát triển du lịch. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, đơn vị đã tìm tòi, đưa các giống nho mới vào sản xuất, cùng với đó là kết hợp phương thức phát triển hiện đại để nâng cao giá trị. 

Các mô hình nho giống mới, áp dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận có thể đạt 1,2 - 2,1 tỷ đồng/vụ, tương đương 2,6 - 4,4 tỷ đồng/ha/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Các mô hình nho giống mới, áp dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận có thể đạt 1,2 - 2,1 tỷ đồng/vụ, tương đương 2,6 - 4,4 tỷ đồng/ha/năm. Ảnh: Minh Hậu.

“Chúng tôi đã dành ra một khu vực nghiên cứu riêng để nuôi trồng và không ngừng tìm kiếm ra những giống nho mới vừa có khả năng kháng bệnh tốt, mang hương vị thơm ngon vừa mang giá trị kinh tế cao để dễ dàng đến gần và chuyển giao cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh”, đại diện Nông trại Hoàng Yến chia sẻ.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển cây nho, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc phát triển Công ty TNHH thực phẩm Yergat (thị xã Thuận An, Bình Dương) cho biết, hiện nay công ty đang phát triển mô hình nho lấy lá với tổng diện tích 5ha. Đối với dòng sản phẩm này, công ty sản xuất, chế biến, làm thực phẩm xuất khẩu qua thị trường Trung Đông, Mỹ, Canada, Pháp.

“Mỗi năm công ty xuất khẩu 4 tấn lá qua các thị trường này và nhu cầu hiện rất cao. Đối với lá nguyên liệu, công ty đang thu mua của người dân với giá 100.000 đồng/kg. Hiện tại, nông dân xây dựng mô hình nho lấy lá có thu nhập từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ha/năm”, bà Nguyễn Thị Bích Liên nói và cho biết thêm, doanh nghiệp đang rất cần liên kết, phát triển, mở rộng mô hình ở Ninh Thuận và các địa phương trong khu vực.

Nhóm giải pháp cho nho Ninh Thuận

Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu vấn đề: Ninh Thuận được biết đến là vùng khô hạn, chỉ có nắng và gió, đó là một thách thức lớn. Tuy nhiên, hiện nay nắng là vàng, gió là bạc, là cơ hội để địa phương phát triển. Đối với ngành nông nghiệp đã tìm được thời cơ trong điều kiện khó khăn. Chính nắng gió đã tạo cho nông sản của Ninh Thuận có năng suất, chất lượng cao, tạo sự khác biệt.

Trước đây, Ninh Thuận là vùng đất khô cằn nhưng những năm gần đây đã dần thoát khỏi khô hạn. Đối với lĩnh vực phát triển cây nho, hiện nay Ninh Thuận cần tăng cả diện tích và sản lượng.

“Trong đó, việc đầu tiên là tăng diện tích, tăng sản lượng. Nếu sản lượng ít thì chỉ đủ quảng bá, không đủ làm hàng hóa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh Ninh Thuận cần tăng cả giá trị, diện tích và sản lượng nho để phát triển thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh Ninh Thuận cần tăng cả giá trị, diện tích và sản lượng nho để phát triển thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua, Ninh Thuận đã có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó có cây nho. Tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu nho, sản phẩm nho và đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

“Giá trị cây nho ngày càng tăng lên, các giống nho tăng lên. Hiện nay 134 sản phẩm OCOP của tỉnh thì 36 sản phẩm liên quan đến nho. Cùng với việc phát triển nho truyền thống thì địa phương xây dựng được các mô hình sản xuất gắn với du lịch, hình thành mô hình nho cảnh…”, ông Lê Huyền nói và cho biết thêm, hiện nay thách thức lớn nhất của địa phương trong phát triển nho là diện tích giảm, các giống nho mới, năng suất cao còn hạn chế. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích công nghệ cao còn hạn chế và lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản còn hạn chế.

Theo Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (đóng tại Ninh Thuận), nho được xác định là cây trồng chính trong cơ cấu cây trồng mùa vụ của Ninh Thuận, tạo ra sản phẩm đa dạng vừa ăn tươi, vừa làm nguyên liệu chế biến rượu và sấy khô, có lợi thế, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong những năm qua, phát triển sản xuất nho ở Ninh Thuận không ổn định.

Giống nho NH04-102 có giá trị kinh tế cao được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố chuyển giao cho nông dân Ninh Thuận sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Giống nho NH04-102 có giá trị kinh tế cao được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố chuyển giao cho nông dân Ninh Thuận sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Nguyên nhân nhiều song chủ yếu là do cơ cấu giống nho chưa đa dạng, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, chi phí đầu tư cao, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Cùng với đó là sản phẩm quả nho không đa dạng, đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thương lái và mùa vụ...

Tiến sĩ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho rằng, việc sản xuất nho Ninh Thuận hiện nay đạt hiệu quả cao nhưng chủ yếu vẫn sản xuất nho ăn tươi.

Theo Tiến sĩ Kiên, hiện nay việc sản xuất các loại nho chế biến ở Ninh Thuận rất ít nên cần có giải pháp phát triển. Đây yếu tố quan trọng để hướng phát triển ngành nho bền vững.

Tiến sĩ Kiên cũng nêu kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc thực hiện các đề tài nghiên cứu “dài hơi”, quản lý giống và cần thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, đơn vị xây dựng các vườn cây đầu dòng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2, bìa phải) cùng các đại biểu dùng thử sản phẩm rượu vang nho. Ảnh: Minh Hậu. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2, bìa phải) cùng các đại biểu dùng thử sản phẩm rượu vang nho. Ảnh: Minh Hậu. 

Tại cuộc hội thảo, Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng đồng ý với quan điểm của các đại biểu, chuyên gia về những tiềm năng, lợi thế phát triển nho của Ninh Thuận.

Ông cũng nêu ý kiến về việc Ninh Thuận cần xác định được công nghệ để áp dụng phát triển cây nho trong thời gian tới. Cùng với đó, việc phát triển sản phẩm nho ăn lá cũng là hướng đi mới, giá trị cao, địa phương có thể khai thác.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong vấn đề phát triển cây nho ở Ninh Thuận cần có các giải pháp cụ thể. Trong đó, đầu tiên là phát triển diện tích, địa phương cần cải tạo các vườn cũ, vườn tạp để chuyển sang cây nho.

Thứ 2 là áp dụng các quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, áp dụng các tiêu chí về thương mại.

Thứ 3 là vấn đề giống, đây là yếu tố quan trọng, cần quản lý chặt chẽ, cần có bản quyền giống để đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Cùng với 3 giải pháp nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nêu thêm giải pháp về quan tâm, phát triển thị trường chính trong nước sau đó mở rộng và giải pháp về liên kết các trong sản xuất.

Những năm qua, Ninh Thuận chú trọng đầu tư phát triển để nâng cao vị thế, giá trị của nho. Trong đó, ngành nông nghiệp đã khảo sát, đánh giá tiềm năng các khu vực đất trồng nho phù hợp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 8 nghìn ha. Ở diện tích này, huyện Ninh Phước đứng đầu với 4,7 nghìn ha, tiếp đến là huyện Ninh Hải 1,7 nghìn ha, huyện Ninh Sơn trên 760 ha, TP Phan Rang - Tháp Chàm 640 ha. Theo ngành nông nghiệp, trong tổng số gần 8 nghìn ha nói trên có khoảng 4 nghìn ha đất chủ động nước tưới. Đây là điều kiện rất thuận lợi để mở rộng diện tích nho trong những năm tới.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.