Giống - yếu tố tiên quyết
Xác định giống là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng của nho Ninh Thuận nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PNT Ninh Thuận, hiện tỉnh này có 4 giống nho ăn tươi gồm nho đỏ (Red Cardinal) 3 giống nho xanh gồm NH01-48, NH01-152, NH04-102 và 1 giống nho rượu (Shiraz). Đây là những giống nho do Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chọn tạo.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã xác định được các giống nho có triển vọng, gồm 5 giống nho ăn tươi: NH01-153, NH01-39, NH01-96, NH01-26, NH04-195 và 3 giống nho rượu NH02-97, NH02-90, NH02-137. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục đánh giá và đưa những giống có triển vọng vào sản xuất. Trong đó, giống nho chủ lực là nho đỏ chiếm hơn 63%, giống NH01-48 chiếm gần 31%, giống NH01-152 chiếm gần 2%, nho rượu chiếm khoảng 2,8% và các giống nho khác chiếm hơn 1,2%.
Đồng thời, một số giống nho mới cho năng suất cao, chất lượng tốt đang được trồng khảo nghiệm để đánh giá tính thích nghi nhằm nhân rộng như: Giống NH01-212 (nho mẫu đơn hay nho sữa Hàn Quốc), giống NH04-195 (nho hạ đen), giống NH04-102 (nho ngón tay đen). Đây là những giống nho mới ăn tươi, nho không hạt chất lượng cao, có nhiều triển vọng giúp người trồng nho nâng cao hiệu quả kinh tế.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thực hiện phương án trồng thử nghiệm giống nho hạ đen theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Ninh Thuận còn tổ chức đánh giá, chọn lọc, xây dựng và công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng giống nho đảm bảo chất lượng, cung cấp vật liệu phục vụ cho sản xuất giống nho và quản lý sản xuất kinh doanh giống nho trên thị trường. Nghiên cứu, khảo nghiệm các giống nho mới có chất lượng và năng suất cao hơn các giống hiện nay nhằm mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Cũng theo ông Đặng Kim Cương, Ninh Thuận đang tập trung phát triển mặt hàng nho theo hướng bền vững, quy mô lớn, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhằm mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời tập trung các nguồn lực, chính sách đầu tư các vùng sản xuất nho theo quy hoạch; hình thành những vùng trồng nho tập trung, ổn định lâu dài, tạo thu nhập cho người dân và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nho Ninh Thuận khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
“Theo kế hoạch phát triển ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cây nho được định hướng phát triển diện tích trồng khoảng 2.000ha, sản lượng ước đạt hơn 51.000 tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.520ha, chiếm khoảng 76% tổng diện tích nho cả tỉnh, sản lượng đạt hơn 40.000 tấn”, ông Đặng Kim Cương cho hay.
Đưa công nghệ "chuẩn hóa" sản xuất nho
Cây nho Ninh Thuận cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lợi nhuận từ trái nho mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Dù được thị trường biết đến ngày càng nhiều hơn, nhưng nho Ninh Thuận vẫn đang thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu cả về chất lượng lẫn hình thức. Sản phẩm chế biến từ nho cũng chưa thật sự đa dạng.
Để nâng cao năng suất, chất lượng nho Ninh Thuận, ngành chức năng tỉnh này xác định phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với các quy trình sản xuất phù hợp như: Quy trình sản xuất nho an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đến nay, diện tích cây nho ứng dụng công nghệ cao chiếm 31% tổng diện tích trồng nho, trong đó diện tích tưới tự động và bán tự động hơn 344ha; sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ gần 214ha, trồng trong nhà màng, tưới tự động gần 5ha.
“Để bảo quản trái tránh thất thu, người trồng nho ở Ninh Thuận đã thực hiện bao chùm trái, trồng nho trong nhà màng. Việc bao chùm cho nho ăn tươi, trồng nho trong nhà màng mang lại hiệu quả cao nhờ có mái che mưa, che gió, che sương. Nhờ đó, vườn nho hạn chế đáng kể tình trạng sâu bệnh gây hại, nông dân rất ít sử dụng thuốc BVTV nhưng nho sinh trưởng tốt, dễ ra hoa và đậu quả, quả chín đều, đẹp, đạt độ ngọt đúng chuẩn mới thu hoạch nên quả nho có chất lượng rất cao”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay.
Cũng theo ông Cương, hiện nay Ninh Thuận đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất nho chất lượng cao, tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 100ha. Ninh Thuận cũng đã có những cơ sở sơ chế nho như: Cơ sở Văn Hải ở Phan Rang - Tháp Chàm; Nhơn Sơn ở Ninh Sơn; Khánh Hải ở Ninh Hải.
Hiện nay, Ninh Thuận đã mở rộng thêm diện tích sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp 110 giấy chứng nhận VietGAP cho 1.197 hộ dân trên diện tích hơn 213ha và đang mở rộng diện tích nho sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, bảo quản sau thu hoạch...
Trên địa bàn Ninh Thuận đã có các cơ sở chế biến, bảo quản nho nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch như: Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi; Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Ba Mọi; Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại nông sản Thái Thuận; Cơ sở sản xuất, kinh doanh Thiên Thảo… với các sản phẩm ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô, siro nho, rượu vang nho, nước ép nho…