| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Tết ở sườn đông nước Mỹ

Thứ Ba 17/02/2015 , 19:56 (GMT+7)

Tôi đã 3 lần ăn Tết mình trên đất Mỹ, khi phía tây, khi phía đông. Hai phía đông tây nước Mỹ cách nhau tới 3 múi giờ, hơn 5 tiếng bay thẳng. Thời tiết, phong thổ khác nhau lắm.

Nhưng với tôi, cái khác nhất là Tết Việt ở hai phía ấy thật khác nhau. Phía tây, bang California, những vùng người Việt ở đông như Quận Cam, San Jose... Tết Việt mang nhiều phong vị quê nhà.

Tôi đã ăn Tết ở San Diego, đi ngược lên Quận Cam chỉ hai giờ lái xe. Ở quận Cam, có đủ cái chộn rộn ngày áp Tết: chợ hoa, cửa hàng bánh chưng, giò chả kẹo mứt, rất đông người thửa, đặt...

Đêm giao thừa và các ngày mồng, một mồng hai cũng đi chùa, thăm họ hàng bè bạn. Đôi nét của Tết xưa lưu lại có phần còn đậm hơn quê nhà. Có lẽ người Việt tha hương muốn lưu giữ trong ngày Tết cả những kỷ niệm xa xưa của đời mình.

Tôi từ Hà Nội sang gặp lại cách bày bàn thờ, cách sắp mâm cỗ Tết ở nhà một kiến trúc sư, giống với cung cách thuở bà ngoại tôi còn sống cách đây nửa thế kỷ. Tôi đã ngồi lặng mà nghe năm tháng cũ.

Nhưng ở phía đông nước Mỹ, nơi tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng, người Việt ở phân tán, có chỗ một gia đình Việt lọt thỏm vào cộng đồng da trắng. Nơi tôi ở, nhà đứa con trai cả, thuộc bang New Jersey, gần Viện nghiên cứu Princeton, cũng ít người Việt.

Nhà cửa nơi này thưa thoáng, rừng xen với phố. Phố là những căn biệt thự hai tầng giữa những khuôn viên rộng tới nghìn mét vuông, uốn lượn theo những vồng đất đồi rừng cao thấp.

Những vạt cây cao bao quanh nhà, tràn xuống phía dưới thấp, xanh đậm xanh nhạt miên man mà thành rừng. Có suối róc rách chảy và sông lờ lững ngang qua, có bến thuyền thể thao, có cả những phiến cầu gỗ thô mộc rất lãng mạn và khêu gợi.

Vườn mỗi nhà liền với rừng, nhiều nhà không có cả hàng rào ngăn cách, hươu nai, chồn sóc tha thẩn vào sân, gặm lá, ăn cả hoa cảnh của chủ nhà. Vùng đất dân ở mà như nơi điều dưỡng: thanh tĩnh, trong trẻo.

Dân ở đây thường là công chức, nhà khoa học, doanh nhân... Chỗ làm việc cách xa. Đến trung tâm thương mại, nơi cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, cũng phải mười lăm phút, thậm chí nửa tiếng chạy xe. Mỗi căn nhà như một hòn đảo nhỏ giữa rừng, lác đác cánh đồng trồng lúa mỳ, trồng ngô.

Cuộc sống hằng ngày, lân bang hàng xóm ít lúc gặp nhau. Có chăng là mỗi buổi sáng khi đưa con nhỏ ra điểm đợi xe bus nhà trường đến đón. Gặp nhau cũng chỉ kịp hê-lô rồi lại bai - bai ngay.

Mỗi gia đình như có một không gian riêng, thuần khiết, không ai đụng chạm ai. Không gian của tôi là căn nhà của gia đình con tôi. Nó nằm trên đất Mỹ, thuộc hệ thống hành chính Mỹ nhưng nó lại mang hồn vía Việt Nam mình.

Không kẽo kẹt tiếng võng trưa. Không tiếng gà gáy sớm. Tình bố mẹ, tình ông bà ngày thường và tình con cháu với tổ tiên ngày Tết tạo nên hồn Việt ấy.

Không ai ăn Tết với riêng mình. Giao thừa ở quê nhà là 9 giờ sáng nơi đây (chênh nhau 15 tiếng) và nếu Nguyên đán rơi vào ngày làm việc thì vùng này không người Việt nào nghỉ việc vì Tết.

Con trai tôi dạy học. Nhiều năm nay, các cháu có sáng kiến chọn một ngày cuối tuần áp Tết rủ những anh em Việt là thày dạy, là sinh viên, nghiên cứu sinh của các trường quanh đó tới nhà mình ăn Tết.

Có cả những bà con ra đi từ thuở “thuyền nhân” nhưng đông hơn vẫn là người đi học, đi công tác dài hạn bên đây. Có cả cụ ông cụ bà sang thăm con, sang trông cháu. Người nọ rủ người kia bằng điện thoại, bằng email. Cứ đến rồi thành quen, thành thân. Từ New York xuống, từ Philadelphia sang... Từ trường Rugger, trường Princeton, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton...

Những món ăn mang phong vị Tết quê nhà từ Nam chí Bắc được mọi người chuẩn bị từ nhà mang đến. Tôi dám chắc cỗ Tết này phong phú hơn bất cứ cỗ Tết của một gia đình nào ở Hà Nội. Có món của Nam Bộ, của xứ Quảng, của Huế, của Thanh - Nghệ, có món Bắc của Hà Nội và của cả xứ Núi Việt Bắc.

Đã bánh chưng lại có bánh tét, bánh khúc, cả bánh xu xê đúng vị Đình Bảng Bắc Ninh. Bà vợ tôi học cách làm bánh dày Hải Dương, bánh xu xê Đình Bảng là học trên đất Mỹ... Cắn miếng bánh đậm vị quê hương giữa ấm nóng âm thanh tiếng Việt, nhìn qua cửa sổ tuyết Bắc Mỹ bay dày thấy làng mạc quê ta vừa xa lại vừa gần mà rưng rưng trong tâm trí bao nỗi niềm thương cha nhớ mẹ.

Xa là ở đối xứng nửa bên kia trái đất, máy bay siêu thanh bay thẳng, liền mạch cũng tới 18 tiếng. Bay hướng đông thì phải qua Đại Tây Dương, rồi lục địa Châu Âu mà bay hướng tây thì qua suốt chiều ngang nước Mỹ và Thái Bình Dương.

Còn gần thì hồn Việt, làng Việt, Tết Việt đã ở đây rồi. Ở trong mắt nhìn, trong giọng nói, trong tâm trí mỗi người.

Trẻ con chí chóe đuổi nhau, cãi nhau, tiếng Việt tiếng Mỹ líu lo, giọng Nam giọng Bắc lẫn lộn. Các cụ già, người thành phố, người nông thôn lần đầu gặp nhau mà như đã có chung bao kỷ niệm, rì rầm trò chuyện.

dsc07183181339233
Nhà thơ Vũ Quần Phương trò chuyện cùng các Việt kiều

 Có cụ ở quê sang chăm cháu ở trên quận Queen, New York, mấy tháng qua cứ ngơ ngẩn đẩy xe cháu đi quanh nhà chung cư. Thương con thương cháu mà ở, một đời có đi đâu xa, thoắt cái sang đây lạ nước lạ cái, nết ăn nết ở người ta chả có gì giống mình. Bà cụ cứ âm thầm chịu đựng, nói sợ con buồn, hôm nay gặp bà con làng nước nhà mình, đũa đũa bát bát, thấy phấn chấn như được về làng, về nước.

Một anh vốn là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp một làng thuộc Hải Dương vừa sang, diện đoàn tụ gia đình. Chả là vợ anh đi “xuất cảng lao động” cho một Cty Mỹ, Cty lỡ hợp đồng, họ đền bù bằng cách tuyển chị làm nhân viên chính thức. Chị nhập cư, chuyển quốc tịch rồi bảo lãnh chồng con sang.

Hôm nay chị không đến được nhưng anh và hai cháu đã đến. Anh xách theo hai cái giò xào, tự làm, tự ép, đậm hương vị làng xóm ruộng đồng Bắc Bộ. Cô con gái anh thấp đậm vừa thi vào trường đại học y, cô đã biết lái xe và có xe riêng. Cậu con trai còn học trung học.

Được nói chuyện ruộng đồng tỉnh Đông với anh ở đây quả thật là một bất ngờ với tôi. Tôi thấy gần gặn lại bao nhiêu những cái Tết quê tuổi nhỏ của mình ở quê Canh, ngoại vi Hà Nội.

Khi nâng cốc chúc mừng năm mới, một ai đó xướng lên chuyện mừng tuổi trẻ con và các cụ. Tôi cũng được phong bao cho tuổi ngoại bẩy mươi của mình và được yêu cầu nói vài lời gợi hương vị quê hương, năm mới.

Tôi kể vài nét xưa Tết cũ. Một thoáng lặng trầm ngâm rồi ào lên lời chúc mừng năm mới. Tiếng li, tiếng cốc chạm nhau. Tiệc đứng, mọi người đi quanh bàn lấy món rồi tràn sang tất cả các buồng, thành từng cụm nam phụ lão ấu, vui như cỗ việc họ ở làng quê.

Đêm đã dần khuya. Trẻ con có đứa đã lăn ra ngủ. Người lớn như vẫn còn say chuyện. Tuyết đêm mỗi lúc một dày. Đường về khá xa. Có người phải hơn một giờ chạy xe. Đã đến lúc chia tay. Ra tiền sảnh mặc áo ấm, không ai nói ra nhưng hình như ai cũng cảm thấy cái không khí tưng bừng vừa mới đấy đã thành kỷ niệm rồi.

Lòng bỗng ngậm ngùi. Có ngậm ngùi của bịn rịn chia tay, cũng có nỗi cố cựu tha hương và cả thoáng ngậm ngùi năm tháng. Trẻ con được đánh thức, đi như mộng du ra xe. Những đứa ngủ say hơn được bố mẹ ôm ra, đặt vào xe vẫn ngủ.

Tôi cùng các con tiễn khách ra tận xe, đứng trong tuyết bay nghiêng nhìn theo vệt đèn pha từng chiếc xe khuất vào ngả rẽ. Chiếc cuối cùng đã lẫn vào đêm. Những căn nhà hạt Mongomery yên tĩnh ngủ. Giờ này ở Việt Nam mới là trưa 28 Tết mà ở đây sau phút chia tay này tôi thấy mình như đã qua năm mới...

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.