| Hotline: 0983.970.780

"Nhốt" cưa xăng, giảm 80% số vụ phá rừng

Thứ Năm 21/03/2013 , 15:24 (GMT+7)

Khi tìm hiểu về những khó khăn, bất cập trong việc quản lý cưa xăng ở Bắc Kạn và Hà Giang, đến đâu cũng nhận được thông tin "chúng tôi đi học hỏi kinh nghiệm ở tận tỉnh Hòa Bình".

Khi tìm hiểu về những khó khăn, bất cập trong việc quản lý cưa xăng (cưa lốc) ở Bắc Kạn và Hà Giang, đến đâu cũng nhận được thông tin "chúng tôi đi học hỏi kinh nghiệm ở tận tỉnh Hòa Bình".

>> Hà Giang cũng ''bó tay'' với cưa lốc
>> Rừng nghiến tan hoang vì cưa lốc


Cưa xăng của người dân được "nhốt" tại UBND xã Cun Pheo

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Hạt kiểm lâm Mai Châu là người có nhiều năm nghiên cứu cách áp dụng quy chế quản lý cưa xăng bộc bạch tâm trạng về những ngày đầu suy nghĩ cách đối phó với cưa xăng: “Rừng tự nhiên còn gỗ quý hiếm lại ở gần dân cư, gỗ cứng kiểu gì nhưng nếu gặp cưa xăng thì chỉ loáng một cái đã đổ, những chiếc cưa xăng phá rừng nhanh như vậy, lại giá rẻ sẽ là phương tiện chủ lực tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Nếu chúng ta không quản lý, thu giữ cưa như thu súng thì kiểm lâm sẽ rất vất vả".

Với những câu hỏi đặt ra trong suy nghĩ cũng như tại các cuộc họp như vậy, anh đã cùng đồng nghiệp quyết tâm tham mưu cho Hạt kiểm lâm huyện Mai Châu (Hòa Bình), để rồi đề xuất với HĐND, UBND huyện Mai Châu để có được một quy chế quản lý cưa xăng.

Cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu cũng rất quan tâm đến việc quản lý loại cưa này nên việc ban hành quy chế quản lý cưa xăng nhanh chóng được triển khai đến từng hộ dân.


Bản cam kết không sử dụng cưa phá rừng trái phép và đơn xin dùng cưa vào mục đích chính đáng.

Quy chế được ban hành đầu năm 2009 và thực thi đầu tiên ở các hộ dân của xã Cun Pheo (Mai Châu). Do có giải thích cụ thể, nên rất nhiều hộ dân đã hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của quy chế, họ đã tự nguyện giao nộp những chiếc cưa xăng cho UBND xã quản lý. Để đáp lại mong muốn của bà con là sợ mất cưa khi ký gửi, UBND xã Cun Pheo đã dành riêng một phòng làm việc tại trụ sở ủy ban xã, làm nơi “nhốt” những chiếc cưa đó, đồng thời cắt cử người trông coi riêng và chịu trách nhiệm nếu như cưa bị mất.

Tuy nhiên, cưa là tài sản của người dân, họ cần lúc nào là làm đơn và có xác nhận của Trưởng thôn rồi lên xã lấy cưa về dùng. Do đó, ngày nghỉ thì ủy ban xã cũng phải cử người trực nếu dân có đến mượn cưa đi cắt gỗ hợp pháp và đã có xác nhận của trưởng thôn về mục đích dùng cưa, vị trí dùng cưa, thời gian dùng cưa, số người dùng cưa...  

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Hạt kiểm lâm Mai Châu: Nếu chúng ta không quản lý, thu giữ cưa như thu súng thì kiểm lâm sẽ rất vất vả.

Nói về kết quả sau mấy năm thực hiện quy chế quản lý cưa xăng, ông Hà Văn Thoan, Chủ tịch xã Cun Pheo vui vẻ cho biết: “Cun Pheo chỉ có mấy chục chiếc cưa xăng, chúng tôi suy tính mãi, cuối cùng lấy ý kiến của một số bô lão các thôn, mọi người đều ủng hộ cách làm quyết liệt để bảo vệ rừng, đa phần ủng hộ cách "nhốt" tất cả cưa vào kho ủy ban xã, nhờ vậy rừng tự nhiên tại xã này đã được bảo vệ tốt hơn, số vụ phá rừng đã giảm hẳn rồi".

Tuy nhiên, do chưa quen kiểu "hành chính" này, ban đầu các gia đình dùng cưa nghiêm túc cũng bị bức xúc vì họ cho rằng, cái cưa đó là của mình mua chỉ để cắt củi, sao lại phải đi "xin" mới được dùng, vì sao kiểm lâm không lên rừng bắt hết bọn lâm tặc để những người ngay không bị chung cám cảnh "nhốt" cưa.

Rồi ngay cả những cán bộ chuyên quản cưa xăng cũng rất nản, vì ngày nghỉ có khi cũng phải đến mở kho xuất cưa. Không chỉ mất việc của người cho mượn, ngay cả việc có hộ đem cưa về dùng không đúng thời gian, cũng làm bức xúc cả người quản lý.

Theo tìm hiểu thì các xã: Pà Cò, Hang Kia, Piềng Vế của huyện Mai Châu, thì việc quản lý cưa xăng gặp muôn vàn khó khăn, có thôn ở xa trung tâm xã, nếu giữ cưa xăng của dân tại ủy ban xã, đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho dân. Cho nên có xã vẫn cho các chủ cưa xăng tự quản lý tài sản tại nhà, nhưng phải ký vào bản cam kết. Đến khi cán bộ đến kiểm tra mà cưa không có tại nhà, tự ý đem vào rừng tự nhiên là vi phạm pháp luật.

Phân vân về cách quản lý cưa làm sao có lý có tình và để không hiểu sai dẫn đến tiêu cực, ông Sùng A Màng, chủ tịch xã Pà Cò tâm sự: "Pà Cò có 8 xóm đều thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò. Với 2.558 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Mông. Khi có quy chế quản lý cưa xăng, xã đã cùng Kiểm lâm thống kê được 60 chiếc rồi yêu cầu các chủ gia đình có cưa phải ký cam kết không dùng nó để khai thác rừng tự nhiên. Xã Pà Cò không yêu cầu dân đem cưa lên xã, vì đó là tài sản của người dân, nhà họ quá xa ủy ban xã, nên chúng tôi chỉ cần bắt họ ký cam kết không dùng cưa phá rừng là yên tâm rồi. Từ hồi bắt buộc mọi người ký cam kết, số vụ phá rừng đã giảm trên 80%. Chúng tôi sẽ quyết tâm làm mạnh như việc quản lý súng săn, thì rất khó dùng cưa để phá rừng".

Theo đánh giá của Kiểm lâm huyện Mai Châu, từ khi có quy chế quản lý cưa xăng, các vụ phá rừng tự nhiên đã giảm trên 80%. Còn theo một số hộ dân cửa rừng lại có mong muốn nhà nước có thêm cơ chế khuyến khích và đảm bảo an toàn cho người dân tố giác các hành vi dùng cưa xăng phá rừng tự nhiên, thì chắc chắn số vụ phá rừng sẽ ngày càng giảm.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Đinh Thế Huynh

Ông Đinh Thế Huynh được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất