| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối

Thứ Tư 26/06/2013 , 10:17 (GMT+7)

Cùng với sự xuống cấp nghiêm trọng của các công trình đầu mối thuỷ lợi, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ.

Cùng với sự xuống cấp nghiêm trọng của các công trình đầu mối thuỷ lợi, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ.

>> Thuỷ lợi già nua, tổn thất nặng nề

Vi phạm "bão hòa"

Hà Nội là một trong những địa phương xảy ra tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL rất phức tạp cả về số vụ vi phạm và mức độ vi phạm; điển hình là các huyện Từ Liêm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, quận Hà Đông… Theo Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội, đến cuối tháng 4/2013, toàn TP còn tồn tại 13.064 vụ vi phạm, riêng trục chính sông Nhuệ gần 5.000 trường hợp.

Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu ở hành vi xây dựng nhà cửa, lều lán và trồng cây lâu năm trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ CTTL, ngoài ra còn một số hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy của kênh (sông) như đào ao, quây đăng chăn thả vịt, ngâm tre, gỗ trong lòng kênh.

Huyện Từ Liêm là một trong những điểm nóng về hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ CTTL, trọng tâm là khu vực hai bên bờ sông Nhuệ. Theo thống kê, đến hết tháng 4/2013, huyện này còn tồn tại 2.402 vụ. Đáng chú ý là tình hình vi phạm có xu hướng ngày càng gia tăng (năm 2011 số vụ phát sinh là 189 vụ; năm 2012 phát sinh 70 vụ và 2013 phát sinh 19 vụ).


Rác thải, rau, bèo kết mảng dày đặc dưới chân cầu Chợ Lương, xã Yên Bắc, 
huyện Duy Tiên, Hà Nam

Những địa phương xa trung tâm TP, tình trạng vi phạm CTTL cũng diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Có mặt tại thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, chúng tôi thực sự sửng sốt trước những dãy nhà san sát đua nhau cắm trụ xuống lòng sông, tường xi măng vẫn mới và chưa bị rêu bám. Chứng tỏ chúng được cơi nới cách đây chưa lâu.

Đặc biệt, không ít gia đình sử dụng diện tích cơi nới này để chăn nuôi lợn, gà. Phân, nước thải vệ sinh chuồng trại được đổ thẳng xuống sông. Nước sông Nhuệ màu đen đặc, gần như đứng im do bị bồi lắng và rau bèo mọc um tùm. Nhiều đoạn, người dân còn cắm cọc, căng lưới để thả vịt tạo thành những nút thắt bóp nghẹt lòng sông.

Tuy nhiên, ông Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà lại nói: “Từ năm 2008 trở lại đây, trên địa bàn xã hầu như không phát sinh thêm vụ việc vi phạm CTTL" (?).

Khi được hỏi về văn bản thống kê các vụ vi phạm CTTL trên địa bàn xã, vị này lấy lý do bộ phận chuyên môn đi vắng nên sẽ trả lời vào ngày hôm sau. Đã 5 ngày trôi qua, dù phóng viên cố gắng liên hệ, nhưng phía chính quyền vẫn chưa đưa ra được con số cụ thể.

Gian nan xử lý

Hiện, toàn hệ thống thuỷ lợi Bắc Đuống có 946 công trình vi phạm, tuy nhiên mới chỉ giải toả được 77 vi phạm. Tình trạng vi phạm công trình, xả thải vào hệ thống ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng đến khả năng tưới, tiêu.

Ông Nguyễn Văn Ty, PGĐ Cty TNHH MTV KTTL Bắc Đuống chia sẻ: “Công tác giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn. Sự phối hợp với các địa phương cũng chưa chặt chẽ. Hiện nay, phạm vi quản lý thuỷ nông nội đồng của các HTX sử dụng nước chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến có nơi chồng lấn lênh nhau, có nơi bị buông lỏng quản lý.

 Chỉ những trọng điểm bức xúc, mang tính ảnh hưởng trực tiếp, gay gắt thì chính quyền mới xử lý nhanh, chứ còn vi phạm ở mức nhẹ hơn, hoặc không thể hiện ngay thì thường chậm chạp”.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc xử lý vi phạm CTTL trở nên khó khăn là bởi, rất nhiều vụ việc vi phạm đã diễn ra từ trước năm 2001 (trước khi nhà nước ban hành Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL) nên không có cơ sở pháp lý để xử phạt. Trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ kênh tưới B2 của 77 hộ SX công nghiệp tại phường Đồng Kỵ, TX Từ Sơn, Bắc Ninh là ví dụ điển hình.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, cán bộ thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang đã cho 77 hộ thuê trái phép làm nhà xưởng SX với tổng số 11.535,8 m2. Năm 2000, quỹ đất này được thu hồi và bàn giao cho UBND xã Đồng Quang, nay là UBND phường Đồng Kỵ quản lý để làm đất công ích 5%. UBND xã đã ký kết hợp đồng cho thuê có thời hạn đối với các DN, hộ cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để hình thành nguồn thu cho ngân sách địa phương.

“Do hợp đồng cho thuê đất mà UBND xã ký kết với các hộ dân có thời hạn đến hết năm 2016 nên chúng tôi không thể xử lý vi phạm được”, ông Dương Văn Canh, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết.

Hiện, việc phân cấp quản lý khai thác và bảo vệ CTTL chưa được phân định rõ ràng, thế nên xảy ra tình trạng quản lý không đến nơi đến chốn. Theo kiểm đếm của PV NNVN, chỉ riêng khu vực cầu Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đã có khoảng 20 ngôi nhà lấn chiếm ra lòng sông Châu Giang.

Đặc biệt, dòng nước ở đây chết đứng vì rác thải, rau bèo kết tụ thành mảng dày, trẻ con có thể đi qua. Nhưng điều lạ là Phòng NN-PTNT huyện Duy Tiên không nắm được trên địa bàn huyện có bao nhiêu vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL. “Chúng tôi không biết vì không có ai báo cáo”, ông Lê Đức Tập, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Duy Tiên nói.

Một khó khăn nữa làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý vi phạm CTTL là chế tài xử phạt chưa nghiêm. Ông Nguyễn Quốc Hội, TGĐ Cty TNHH MTV Đầu tư & phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ (Hà Nội) kể: “Tôi nhớ năm ngoái Bộ NN-PTNT đầu tư cho công trình cống điều tiết hạ lưu Liên Mạc, có 7 hộ xây dựng nhà nằm trên lòng sông. TP Hà Nội phải họp năm lần bảy lượt để giải quyết 7 hộ này.

Vì cơ chế chính sách có nhiều vướng mắc nên TP phải cấp đất cho người ta di dời ra chỗ khác; phải chi tiền đền bù toàn bộ vật dụng, kiến trúc của 7 căn nhà. Bây giờ, nó ảnh hưởng thành tiền lệ và người ta cho rằng cứ cùn là được, theo thời gian là đâu lại vào đấy”.

Nhận định về tình hình vi phạm Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết: “Vi phạm hành lang công trình thuỷ lợi và ô nhiễm nguồn nước đang rất bức xúc trên phạm vi cả nước. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành lên quan xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và KTCTTL, đê điều và phòng chống lụt bão.

Theo các Nghị định xử phạt trước, khối chuyên môn nghiệp vụ chỉ có trách nhiệm phát hiện và lập biên bản, sau đó chính quyền có trách nhiệm xử lý. Nhưng ở nhiều nơi, chính quyền xử lý chưa triệt để nên trong nghị định mới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm nhiều đối tượng được phạt.

Thẩm quyền từ Chủ tịch tỉnh, TP đến Chủ tịch huyện, thị; Chủ tịch xã. Khối chuyên môn có Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuỷ lợi; Thanh tra và Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT; Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành; Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi; thậm chí cả cảnh sát biển và đồn biên phòng".

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm