| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối vấn nạn săn bắt động vật hoang dã nguy cấp: [Bài 1] Muốn có hàng tươi sống phải đặt trước

Thứ Tư 27/03/2024 , 10:33 (GMT+7)

Đắk Lắk Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng việc săn bắt động vật hoang dã, nhất là động vật nguy cấp vẫn diễn ra hàng ngày tại Đắk Lắk.

Mua hàng phải đặt trước

Vườn quốc gia Yók Đôn hiện nay có 650 loài động vật có xương sống, trong đó có 92 loài thú, 373 loài chim, 112 loài cá, 55 loài bò sát và 18 loài lưỡng cư. Động vật quý hiếm và đặc hữu của Vườn quốc gia Yók Đôn hiện còn giá trị rất lớn và có đặc trưng riêng biệt. Trong đó, 46 loài thú quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam đều có tại Vườn quốc gia Yók Đôn (chiếm đến 50% số loài) và 35 loài thú quý hiếm toàn cầu theo IUCN 2020 (chiếm 38.9%) tổng số loài tại vườn.

Điều này cho thấy khu hệ thú của Vườn quốc gia Yók Đôn có giá trị bảo tồn rất cao, đặc biệt là các loài thú có kích thước lớn như voi, bò rừng, bò tót, nai, sơn dương và nhiều loài thú ăn thịt khác. Đây cũng là địa điểm mà người dân thường xuyên tổ chức săn bắt động vật, nhất là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Rắn hổ mang được người dân bắt bán với gián 600.000 - 800.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Rắn hổ mang được người dân bắt bán với gián 600.000 - 800.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Qua giới thiệu, phóng viên liên hệ với người tên A.H. (ngụ buôn Tul A, xã A Wer, huyện Buôn Đôn) hỏi về việc mua thú rừng. Sau khi dò hỏi được người giới thiệu, A.H. mới chia sẻ về việc sắn bắt các loại thú rừng trong Vườn quốc gia Yók Đôn như thế nào.

Theo chia sẻ, A.H. cho biết, muốn mua hàng thì phải gọi đặt trước để người này và nhóm đi vào rừng tìm. Mùa này trong vườn chủ yếu bắt được heo rừng, nai, sóc… “Đối với các hàng hiếm như kỳ đà vân, hổ mang hay chồn bay thì khó gặp hơn, bởi kỳ đà phải cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi có mưa xuống thì loài này mới xuất hiện. Mùa này đi rừng rất ít gặp và có gặp thì bán với giá 200.000 đồng/kg, còn vào mùa thì giá chỉ 180.000 đồng/kg. Đối với rắn hổ mang chúa mùa này lâu lâu gặp nhưng được trả giá thấp quá (500.000 - 700.000 đồng/kg) nên không bắt. Bình thường người ta mua 800.000 đồng/kg”, người tên A.H. nói.

Người này cho biết thêm, nếu anh có nhu cầu đặt thì em đi rừng tìm. Rắn hổ mang nặng từ 1,5 - 5kg. Còn kỳ đà thì tùy loại có con 3,5kg, thích loại nhỏ thì có loại nhỏ. Tất cả những loài này đều được bắt tại rừng Vườn quốc gia Yók Đôn. Sau khi về thì bán ngay chứ không giữ vì rất nguy hiểm.

Đang nói chuyện, A.H. giới thiệu phóng viên mua sóc bông với giá 400.000 đồng/kg. Khi phóng viên chê đắt, người này liền hạ giá xuống 350.000 đồng/kg. Tuy nhiên. A.H. nói chưa có hàng ngay mà phải đặt để đi rừng bắt. “Đi rừng về thì bán ngay vì nhu cầu rất lớn. Nhiều người mua, muốn có hàng thì phải đặt trước mới có”, A.H. nói thêm.

Chồn bay nằm trong sách đỏ Việt Nam được người dân săn bắt trong VQG Yók Đôn bán với giá 800.000/con. Ảnh: Quang Yên.

Chồn bay nằm trong sách đỏ Việt Nam được người dân săn bắt trong VQG Yók Đôn bán với giá 800.000/con. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, gặp anh N.V.A. (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), khi chúng tôi đặt vấn đề về việc muốn thưởng thức các món đặc sản ở Tây Nguyên, người thanh niên này nhanh nhảu đáp: “Thịt rừng, ở đây chỉ thịt rừng là đặc sản”.

Anh A. không ngại ngần giới thiệu, Buôn Đôn là một trong những vựa thú rừng lớn nhất tỉnh nhờ có Vườn quốc gia Yók Đôn. Những thợ rừng ở đây ngày nào cũng đi bẫy, săn thú nên nguồn thú rừng vô cùng phong phú. Không những cung cấp cho địa phương những tay buôn thú rừng còn cung cấp cho cả TP Buôn Ma Thuột và cả những thành phố lớn ở các tỉnh.

“Đã về huyện Buôn Đôn nhất định phải đi ăn đồ rừng. Thú rừng ở đây dân vừa bắt về, thịt tươi, không trữ đông như các nhà hàng ở các thành phố nên ngon hơn nhiều và đảm bảo thịt rừng ‘xịn’”, anh A. nói.

Anh A. cho biết thêm, trước đây anh vốn làm trong ngành nghề gỗ, nhưng sau đó rừng suy kiệt nên anh đã bỏ nghề. Những lâm tặc trước đây từng làm việc cho anh nhiều người giờ chuyển sang buôn thú rừng hoặc đi săn thú về cung cấp cho các đầu nậu.

Dẫn chúng tôi vào buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) anh A. chỉ vanh vách cho chúng tôi từng nhà những người làm nghề săn, bắt thú rừng. “Đa phần những người này là đồng bào dân tộc thiểu số, sống bám rừng. Rừng hết gỗ họ lại chuyển sang săn bắt thú để mưu sinh. Giờ đây thú rừng đã kiệt, có người đi cả tuần mới săn được con thú. Mang về bán được dăm ba đồng, đủ tiền trang trải cuộc sống nên cuộc sống cứ nghèo quanh năm. Chỉ những con buôn, đầu nậu thú rừng lợi nhuận lớn”, anh A. kể.

Anh A. liệt kê cho chúng tôi hàng loạt các nhà hàng, đầu nậu thú rừng ở huyện Buôn Đôn. Tuy nhiên, chỉ những cơ sở này chỉ bán, cung cấp hàng cho mối lái quen, người lạ đến mua họ đều dè chừng cẩn thận.

Bán ngay khi có hàng về

Tây Nguyên bước vào mùa khô cũng là lúc người dân xung quanh vùng đệm Vườn quốc gia Yók Đôn lén lút vào rừng săn bắt thú rừng trái phép. Đặc biệt, trong thời điểm mùa khô, khi thảm thực bì cháy, động vật rừng thường di chuyển vào những khu vực rừng bán thường xanh và rừng thường xanh để trú ẩn, ở những nơi gần nguồn nước còn sót lại trong rừng như các hồ nước, vũng nước. Lợi dụng tập tính này của động vật rừng, nhiều đối tượng đã tăng cường săn, bắn, bẫy bắt các loài động vật trong mùa khô.

Theo một người quen làm việc tại huyện Buôn Đôn để mua được thú rừng phải là người quen hoặc được những người tại địa phương giới thiệu. Phóng viên đã nhiều lần nhờ giúp đỡ nhưng khi có động vật hoang dã quý hiếm vừa bắt chưa kịp đến xem hàng đã bị bán ngay.

Cụ thể, trong lần nhờ vả, phóng viên được gọi điện báo có một con chồn bay được bán với giá 800.000 đồng. Khi phóng viên đồng ý mua và muốn đến xem hàng thì 5 phút sau nhận được điện thoại là con vật đã bán.

Mang được cấp đông bán cho khách khi có nhu cầu. Ảnh: Quang Yên.

Mang được cấp đông bán cho khách khi có nhu cầu. Ảnh: Quang Yên.

Trong một lần khác, người dân bắt được một con rắn hổ mang, qua sự giới thiệu người bắt đồng ý bán với giá 600.000 đồng/kg. Qua mô tả con rắn nặng khoảng 4kg và được bắt trong lúc đi làm rẫy. Khi phóng viên đồng ý mua và muốn đến xem hàng thì nhận được thông báo đã bán con rắn trên cho người trả giá cao hơn.

Theo người dân vào mùa khô nước các sông suối cạn nên động vật tập trung tại những khu vực ẩm ướt và có nước để uống. Đây là thời điểm dễ bắt gặp động vật nhất, đặc biệt là những loài nằm trong sách đỏ như rắn hổ mang chúa, chồn bay… Những động vât này được người dân bắt về và bán trực tiếp cho các nhà hàng hoặc người có nhu cầu. Để mua được hàng phải là gương mặt quen hoặc được giới thiệu.

Dù chế tài, công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng thường xuyên diễn ra nhưng tình trạng săn bắt thú rừng của người dân sống xung quanh Vườn quốc gia Yók Đôn vẫn lén lút diễn ra. Việc này khiến nhiều loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam đúng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm