| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam là ưu tiên toàn cầu của WWF về bảo tồn động vật hoang dã, đa dạng sinh học

Thứ Tư 13/03/2024 , 15:51 (GMT+7)

Sáng 13/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với đoàn công tác WWF về nội dung trong hợp tác nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) - Việt Nam là đối tác phát triển của Bộ NN-PTNT. WWF đang phối hợp với Bộ thực hiện một số các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ các ưu tiên và chiến lược ngành thông qua các dự án lâm nghiệp, thủy sản, an ninh lương thực và các nhiệm vụ của Khung đối tác một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người do 3 Bộ đồng chủ trì gồm Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.

Bà Ginette Hemley, Phó Chủ tịch, phụ trách Chương trình Bảo tồn Động vật hoang dã (ĐVHD) chia sẻ Việt Nam là một ưu tiên toàn cầu đối với WWF nhờ giá trị đa dạng sinh học độc đáo và cam kết của Chính phủ Việt Nam từ đó tạo ra các cơ hội quan trọng cho đối ngoại và hợp tác quốc tế.

“Bảo vệ ĐVHD luôn là một nền tảng cho hoạt động của WWF trên toàn cầu. Từ kinh nghiệm hoạt động của chúng tôi trên 100 quốc gia đang được áp dụng tại Việt Nam và chính những bài học tại Việt Nam đang trở thành kinh nghiệm cho chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu nạn buôn bán ĐVHD trái phép và nhu cầu tiêu thụ ĐVHD cũng như bảo tồn đa dạng sinh học”, bà Hemley cho biết.

Sáng 13/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với đoàn công tác WWF về nội dung trong hợp tác nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên.

Sáng 13/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với đoàn công tác WWF về nội dung trong hợp tác nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên.

WWF đánh giá cao tiến độ và hiệu quả các chương trình hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là hai chương trình về Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học (VFBC) và dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (STW).

Với những nỗ lực của Bộ NN-PTNT trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ ĐVHD, bà Hemley cho rằng đây là điều kiện để hai bên thúc đẩy hợp tác trong tương lai, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Bộ NN-PTNT về chiến lược lâu dài về bảo tồn của WWF tại khu vực Trung Trường Sơn.

Đại diện WWF đề xuất Bộ NN-PTNT cùng ký kết lại Sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực Trung Trường Sơn cho giai đoạn 10 năm tiếp theo (2025 - 2035). Đồng thời, WWF mong muốn cập nhật lại chương trình bảo tồn và đa dạng sinh học tại khu vực này.

Ở chiều ngược lại, WWF sẽ tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ để tập trung cho các sáng kiến về bảo tồn, trong đó chú trọng các chương trình, dự án liên quan đến sinh kế của cộng đồng phục vụ cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, quản lý, phục hồi phát triển rừng bền vững theo hướng thuận thiên, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định Việt Nam không dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã và bảo tồn sinh học. Ảnh: WWF.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định Việt Nam không dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã và bảo tồn sinh học. Ảnh: WWF.

Phản hồi ý kiến từ phía WWF, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, bảo tồn đa dạng sinh học và ĐVHD không chỉ là trách nhiệm trong nước mà còn là trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chính vì thế, Việt Nam đã phối hợp với Campuchia, Lào, một số quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.

Việt Nam cũng có nhiều văn bản quy định cụ thể từ Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Hình sự. Trong thời gian vừa qua, thực thi pháp luật đã có nhiều kết quả đạt được như bảo tồn voi, bảo tồn một số loài động vật quý hiếm… Bên cạnh đó, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm như sử dụng, buôn bán, thương mại. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định Việt Nam không dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.

Đối với đề nghị từ phía WWF, Thứ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT cam kết phối hợp chặt chẽ và hoan nghênh các tổ chức, sáng kiến đóng góp vào công tác bảo vệ ĐVHD và đa dạng sinh học.

Bộ NN-PTNT đang triển khai “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trong đó đặt ra mục tiêu “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng”, Thứ trưởng chia sẻ.

Phía Bộ NN-PTNT cũng mong muốn WWF và các đối tác trong lĩnh vực bảo tồn tăng cường bảo vệ các khu bảo tồn; giám sát các loài, đảm bảo kết nối hành lang, thông qua thực thi pháp luật; sửa đổi chính sách; huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn... Hỗ trợ xây dựng các sáng kiến bảo tồn và phát triển. Huy động nguồn lực từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, thiết chế tài chính và từ cộng đồng quốc tế để thực hiện các sáng kiến bảo tồn.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với WWF thực hiện một số Dự án nổi bật như Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ.

Ngoài ra, hai bên cũng hợp tác trong dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (STW), có mục tiêu phát triển cộng đồng và bảo vệ sinh cảnh các loài ưu tiên tại Trung Trường Sơn nhằm bảo tồn, bảo vệ và quản lý các loài động vật đặc hữu, nguy cấp và các diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Dự án cũng hướng đến tạo sinh kế cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Tăng cường vai trò và năng lực lãnh đạo và thực thi, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã của Việt Nam và giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Bảo tồn ưu tiên các loài nguy cấp trên toàn cầu ở khu vực dãy Trường Sơn bằng cách nâng cao năng lực cứu hộ, giảm thiểu các mối đe dọa lớn, nhân giống bảo tồn và tái thả về tự nhiên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.