| Hotline: 0983.970.780

Mô hình chăn nuôi heo khép kín đạt hiệu quả cao

Thứ Tư 10/07/2019 , 13:10 (GMT+7)

Tái cấu trúc ngành chăn nuôi là mục tiêu mà tỉnh Cà Mau đang triển khai thực hiện có hiệu quả trong những năm trở lại đây.

Hộ nuôi tự quyết định giá

Hiện nay, tại nhiều trang trại chăn nuôi heo sạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều có một cách thức, quy trình chăn nuôi rất riêng, nhưng tính hiệu quả đạt rất cao. Bên cạnh sự hiệu quả, thì việc quyết định giá không phải do thương lái mà người quyết định chính là do hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, để hộ nuôi là người quyết định giá, điều trước tiên họ phải làm đó là chăn nuôi theo quy trình khép kín, sạch bệnh và không sử dụng chất kháng sinh gây hại đến sức khỏe con người từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi xuất chuồng.

Anh Hồ Quốc Thắng, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình chia sẻ thông tin với Báo NNVN. Ảnh: Minh Đãm.

Anh Hồ Quốc Thắng, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) là người đi tiên phong trong việc nuôi lợn sạch khép kín và không sử dụng chất kháng sinh ở huyện Thới Bình. Hiện trang trại của anh Thắng có được 50 con heo nái, 200 con heo thịt.

Trung bình mỗi tháng, anh Thắng sẽ cho xuất chuồng từ 40 – 50 con. Mang về khoản thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng (kể cả việc bán heo giống). “Có nhiều hộ nuôi heo thắc mắc với tôi rằng, tại sao cùng là heo, trọng lượng như nhau, nhưng thương lái họ mua của tôi với giá cao hơn của họ. Khi đó, tôi giải thích với họ rằng tại heo của họ chưa đủ chuẩn nên thương lái không mua giá đó. Hiện tại, trại tôi bán ra giá 4,7 triệu đồng/100kg” anh Thắng cho biết.

Hiện tỉnh Cà Mau có tổng đàn lợn khoảng gần 94.500 con. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trang trại chăn nuôi lợn sạch khép kín, cho năng suất và chất lượng rất cao.

Anh Thắng còn cho biết, một thực tế hiện nay là do hộ nuôi thường đỗ lỗi cho thương lái, nhưng nếu khách quan, công bằng mà nói, thì phải thông cảm cho thương lái. Vì heo họ nuôi có hàm lượng mỡ cao nên họ không thể nào bán giá cao được. “Lái có quyền mua rẻ hơn, tôi nuôi heo tôi biết, nên thường giá cả là do tôi quyết định hoàn toàn, chứ không phải do lái đâu.

Heo tôi nạc ở tiêu chuẩn đó, giá thị trường mua là 4,7 triệu, thì heo tôi phải bán 4,9 triệu. Còn nếu con nào mỡ, tôi sẳn sàng bán 4,5 – 4,6, triệu đồng. Những con mà tôi định giá tốt rồi thì phải bán giá tốt, chớ không phải lái quyết định giá đâu” anh Thắng chia sẻ.

Khi chúng tôi băn khoăn về điểm khác biệt giữa heo nhà dân nuôi với heo trang trại của anh Thắng thì được anh giải thích rằng, nó khác nhau nhiều lắm.  Đôi khi người dân không hiểu họ nói bị thương lái ép, nhưng thật sự thương lái họ không ép mình, mà nguyên nhân chính là do bản thân con heo của mình. “Nếu đem con heo nạc khi giết mổ ra chợ thì các đầu mối ở sạp thịt họ sẽ lấy ngay.

Ngược lại, nếu con heo đó nhiều mỡ, chất lượng thịt kém, đầu mối sẽ phải hạ giá xuống. Nguyên nhân hạ giá là vì, người mua lúc nào họ cũng ưa chuộng và chọn mua thịt heo nạc. Như vậy, nếu lái mua giá thấp là vì họ bị bạn hàng ngoài chợ ép lại, nên họ mới ép dân thôi, lỗi không phải ở họ”, anh Thắng nhìn nhận khách quan.

Anh Thắng giới thiệu mô hình ủ phân heo thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Ảnh: Minh Đãm.

Tương tự, trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Trung Hưng ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời cũng cho thấy hiệu quả về yếu tố chất lượng, thịt heo khi cung ứng ra thị trường đều được cơ quan thú y kiểm định rất nghiêm ngặt và đóng dấu kiểm định về chất lượng. Điều quan trọng vẫn là yếu tố giá cả. “Heo của tôi khi giết thịt đều có giá bán rất cao, bởi 100% là heo đạt tiêu chuẩn nạc.

Thông thường, tại một số lò giết mổ họ còn bơm nước vào heo để tăng trọng lượng, nhưng ở đây tôi không làm như vậy. Điều đó, sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của trại heo. Bởi vậy, muốn nuôi heo giá tốt, trước tiên người nuôi phải chú trọng đến chế độ ăn cho vật nuôi”, ông Hưng nói.

Theo tìm hiểu của PV giá heo nạc lúc nào cũng cao hơn heo mỡ là do, thứ nhất là yếu tố tâm lý, khách hàng thường mua heo thịt về sử dụng trong bữa ăn. Một điểm đáng chú ý, con heo nạc thì bơm nước vào để tăng trọng lượng, còn heo mỡ thì bơm nước không vào. Theo đó, nhiều lái heo cho rằng, việc bơm nước vào heo rất lời. Một con heo nạc có trọng lượng 100kg, sau khi giết mổ (cắt bỏ phần đầu và nội tạng) vẫn còn nguyên 100kg.

Mỗi con heo mà chất lượng nạc đảm bảo thì các đối tượng bơm nước vào tăng từ khoảng 20kg. Còn heo mỡ, bơm nước không vô, có chăng khoảng 5kg là cùng vì bản chất của mở không thấm nước. Nhưng hành vi đó chỉ có ở bọn buôn gian, bán lận. Còn việc, người dân nuôi lợn sạch, đạt chất lượng, bán giá cao là chuyện rất bình thường và rất cần được nhân rộng.
 

Quy trình nuôi quyết định sự thành bại

Để rõ hơn về khâu chăn nuôi lợn khép kín, đạt tiêu chuẩn chất lượng, PV báo NNVN đã đến trang trại chăn nuôi lợn sạch của anh Hồ Quốc Thắng, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình để tìm hiểu về quy trình nuôi ở trang trại này. Đặc biệt, trang trại nuôi của anh Thắng tự sản xuất ra con giống để nuôi, nên yếu tố dịch bệnh luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Heo đực giống tại trang trại của anh Thắng được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, trọng lượng của heo đạt 300kg. Ảnh: Minh Đãm.

Anh Thắng cho biết, khi lợn mẹ sinh con, tối đa khoảng 25 ngày thì anh tách sữa. “Khi heo con đủ 25 ngày là tôi tách sữa, 30 ngày tuổi tôi chuyển heo con sang chế độ nuôi trên sàn theo chế độ chăm sóc đặc biệt. Trại tôi có làm một cái sàn, cách mặt đất khoảng 2 – 3 cm.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết: Tái cấu trúc ngành chăn nuôi đã được tỉnh tập trung triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đã thấy được hiệu quả. Những mô hình nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh và không sử dụng hàm lượng kháng sinh thì rất cần được nhân rộng. 

Cách nuôi này, khác với người nuôi truyền thống ở chỗ là không bỏ heo dưới đất. Tôi mất 1 tháng để nuôi heo con đạt trọng lượng 25kg. Sau đó, tôi đưa xuống chuồng. Từ giai đoạn này, nuôi heo đến 100kg chỉ mất từ 2,5 – 3 tháng” anh Thắng chia sẻ.

Nói về tính hiệu quả khi nuôi lợn trên sàn, có gì khác biệt so với nuôi dưới đất, thì anh Thắng nói: “Khác nhiều chứ, nếu heo con sau khi tách sữa mà chuyển xuống đất, khi gặp môi trường đất ẩm thấp, chúng dễ bị tiêu chảy. Để trên sàn và trông đèn thì heo không bị tiêu chảy vì nó không bị lạnh. Khi chúng ta can thiệp vắc – xin hoặc chuyển đổi thức ăn heo sẽ không bị sốc, stress thức ăn”. Đồng thời, việc vệ sinh chuồng trại cũng rất dễ dàng, thuận lợi.

Theo nhận định của người nuôi, điểm khác biệt giữa nuôi lợn dưới đất và trên sàn, thì tốc độ lớn của heo trên sàn sẽ nhanh hơn và an toàn dịch bệnh hơn. Việc chăn nuôi trang trại, yếu tố tiên quyết để quyết định thành công là đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì vậy, hộ nuôi phải bón vôi sát trùng xung quanh chuồng trại, cách lối vào với khoảng 100m.

Anh Thắng nói, trước đây anh từng nuôi heo dưới đất nhưng kém hiệu quả, heo thường bị tiêu chảy và không bao lâu thì chuyển sang bệnh Ecoli dẫn đến heo bị chết hàng loạt. “Từ lúc tôi nuôi, trên sàn thì tỷ lệ hao hụt trên đàn heo con chỉ chiếm khoảng 2 – 3% thôi.

Tức là, 100 con, chỉ hao 2, 3 con và đó chỉ là mấy con đèo đẹt sau khi tách sữa mẹ. Khi heo con nuôi trên sàn đủ chuẩn, mình chuyển sang giai đoạn nuôi thúc thì nó đã có dốc, hình thù sẳng rồi. Khi xuống đất thì nuôi nhanh lớn lắm. Tùy giai đoạn mà mình xử lý thức ăn, nếu giá cao thì mình có thể thúc nhanh hơn một chút. Heo tôi nuôi 100kg là heo đạt chuẩn nạc theo quy định.

Hộ nuôi thường xuyên phun thuốc sát trùng đề phòng dịch bệnh trên đàn heo. Ảnh: Minh Đãm.

Với anh Thắng, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của người nuôi heo là phải thực hiện tiêm phòng cho heo khi mới sinh ra.

“Heo trong bụng mẹ là tiêm ngừa 2 mũi vắc-xin còi cọc, LMLM. Có số trại người ta tiêm mũi ngừa chủng Ecoli. Nhưng đối với trại tôi thì không cần, bởi vì thức ăn tôi dùng là cám Nhật kháng được bệnh Ecoli. Khi sinh ra, tôi tiêm thêm 6 mũi nữa là 6 bệnh. Trong 30 ngày là tôi sử lý xong 6 mũi luôn”, anh Thắng nói.

Ông Lê Vương Cảnh, kỹ sư có chuyên ngành Chăn nuôi Thú y, Cty Kyodo Sojitz (Nhật Bản) cho biết: “Đặc tính của cám Nhật là loại thức ăn được SX theo quy trình khép kín, sạch bệnh an toàn cho vật nuôi. Đặc biêt, cám Nhật Kyodo Sojitz là loại thức ăn chăn nuôi không có hàm lượng kháng sinh, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Heo nuôi sử dụng loại thức ăn này sẽ không bị mắc bệnh Ecoli”.

Địa phương luôn khuyến khích những hộ nuôi theo hình thức trang trại có hiệu quả. Mô hình nuôi khép kín, nếu vệ sinh chuồng trại đúng quy trình thì vật nuôi không mắc bệnh, thịt đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đó là mục tiêu mà ngành chăn nuôi tỉnh Cà Mau hướng đến”.

Ông Huy khuyến còn khuyến cáo, người dân nên lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao tại những cơ sở có uy tín. Trong quá trình nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới như: hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ..., để xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.