| Hotline: 0983.970.780

Những bông hoa tỏa sáng giữa đời thường: [Bài 3] Hiến 'đất vàng' để đường rộng mở

Thứ Tư 21/08/2024 , 09:35 (GMT+7)

Sẵn sàng hiến cho nhà nước hàng chục ngàn m2 đất vàng, trị giá hàng trăm tỷ đồng để mở rộng đường giao thông, họ chính là những 'bông hoa' tô thắm cho đời.

Cho quê hương và cho chính mình

Một trong những lão nông hiến đất trị giá lớn nhất là ông Nguyễn Hữu Đây, 70 tuổi, ở phường Tân Bình, TP.Đồng Xoài, người vừa hiến cho nhà nước hơn 7 sào đất (7.000m2) để mở rộng tuyến đường Phan Bội Châu chạy qua nhà ông.

Mặc dù, gia đình ông không thuộc diện kinh tế khá giả, đất cũng chỉ có hơn 1ha trồng điều, trong khi đó, thời điểm ông Đây hiến đất, giá 1 sào đất (1.000m2) đường Phan Bội Châu vào khoảng gần 3 tỷ đồng 1 sào. Không chỉ hiến đất, trên diện tích 7 sào hiến cho nhà nước, còn có 2 căn nhà gia đình đang ở, diện tích 150m2, ông Đây cũng dỡ bỏ.

Ông Võ Văn Đây. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Võ Văn Đây. Ảnh: Hồng Thủy.

Tuyến đường Phan Bội Châu, P.Tân Bình, có lộ giới 32m, dài gần 1,2km, Tuyến đường này được quy hoạch từ lâu, nhằm kết nối, liên thông giữa các tuyến đường gồm QL14 - ĐT741 và các khu công nghiệp Đồng Xoài III và Khu đô thị Cát Tường - Phú Hưng, xã Tiến Hưng. Tuy nhiên, đoạn đi qua P.Tân Bình được coi là “tấc đất tấc vàng”, nếu thực hiện phương án giải toả, đền bù sẽ khiến công trình thi công kéo dài, chưa kể cần một nguồn kinh phí lớn. Từ đó, phong trào “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến” của TP.Đồng Xoài được phát động.

Là người sinh ra và lớn lên trên khu đất đã hiến, ông Đây cho biết, khi nhà nước rục rịch làm con đường này, nhiều lần cán bộ phường, ấp đã trực tiếp đến nhà ông vận động hiến đất để con đường sớm được triển khai. “Đây là một tài sản lớn, do cha mẹ để lại, vợ tôi đã mất nên khi nghe cán bộ giải thích tôi cũng xin thời gian suy nghĩ. Sau đó, tôi gọi hết 5 đứa con, dâu rể, cháu chắt về họp bàn, giải thích cho chúng nghe, tụi nhỏ nghe xong đồng ý hết, tôi cũng nhẹ lòng. Nhìn con đường khang trang, rộng rãi và rất đẹp trước cổng, tôi và các con cháu vui lắm. Tôi đã quyết định rất đúng, con đường này không chỉ làm đẹp cho quê hương, mà còn cho chính gia đình mình. Nay nhà tôi tuy mất nhiều tài sản nhưng cũng hưởng lợi nhiều, toàn bộ diện tích đất được ra mặt tiền con đường lớn. Giá trị hơn trước nhiều”, ông Đây cười, nói.

Và con đường Phan Bội Châu sau khi khánh thành. Ảnh: Hồng Thủy.

Và con đường Phan Bội Châu sau khi khánh thành. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Nguyễn Kiến Trúc, con trai ông Đây, hiện là giảng viên đại học ở TP.HCM, trải lòng: “Khi cha gọi chúng tôi về nói việc muốn hiến đất, chúng tôi đồng ý ngay. Vì tôi hiểu tính ông, rất hào sảng và thường nghĩ đến cái chung. Chỉ hơi buồn khi phải dỡ bỏ 2 căn nhà, vì đây là nơi gắn bó tuổi thơ của chúng tôi. Nhờ có sự “khơi thông” ngay từ đầu của cha, nên sau đó, việc vận động người dân 2 bên đường hiến đất khá thuận lợi. Như vậy, việc làm của cha là rất đúng, giúp mọi người hiểu thêm 1 chân lý là “cứ cho đi rồi sẽ nhận lại”.

Đến nay, người dân TP.Đồng Xoài đã hiến hơn 45ha đất, trị giá khoảng trên 540 tỉ đồng. Riêng đường Phan Bội Châu, người dân hiến khoảng 3ha, tương đương trên 90 tỉ đồng”, ông Nguyễn Minh Bình, Chủ tịch UBND TP.Đồng Xoài.

Sau đó, có thêm 37 hộ dân khác trên đường Phan Bội Châu hiến đất. Trong đó, người hiến đất nhiều thứ 2 là anh Trần Quý Khiêm, hàng xóm của ông Đây với 5 sào trên tổng diện tích 7 sào đất của gia đình, trị giá khoảng hơn 10 tỉ đồng. “Sau khi bàn bạc với gia đình, chúng tôi quyết định hiến hết, giờ còn khoảng 1 sào thôi. Từng ấy đất nếu canh tác giỏi thì cũng đủ sống, không lo đói”, anh Khiêm cười. Ngoài ra, còn những hộ khác như ông Phùng Tiến Quang hiến 4.000m2, anh Trần Quốc Việt hiến gần 5.000m2…

Việc tốt lan tỏa

Có thể nói, phong trào hiến đất làm đường ở Bình Phước diễn ra sôi nổi, ở khắp các địa phương, Phú Riềng, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú… đâu đâu cũng có. Tại xã Tân Hoà, huyện Đồng Phú, anh La Văn Sanh, dân tộc Nùng, ở ấp Đồng Xê, là người hiến nhiều đất làm đường nhất, với gần 1,7ha, trị giá khoảng 15 tỷ đồng.

Anh Sanh kể, năm 2021, khi có chủ trương xây dựng 5 tuyến đường kết nối từ đường ĐT 741 đi dự án Khu công nghiệp - dân cư Đồng Phú, trong đó xã Tân Hòa có tuyến số 3 và số 4 đi qua, gia đình anh Sanh đã hiến hơn 1,4 ha nằm trên tuyến đường số 4, trị giá khoảng 13 tỷ đồng. Đến đầu năm 2023, gia đình anh tiếp tục hiến 2,4 sào đất để mở rộng tuyến đường liên xã từ Tân Hòa đi Tân Lợi, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. 

Anh La Văn Sanh, một trong những người hết lòng vì quê hương. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh La Văn Sanh, một trong những người hết lòng vì quê hương. Ảnh: Hồng Thủy.

“Thực ra, nếu suy nghĩ kỹ thì cho đi cái này sẽ nhận lại cái khác thôi chứ không phải không có lợi gì. Mình hiến đất làm đường thì đầu tiên là có đường đẹp để đi, thuận tiện hơn cho mình, cho con cái đi học, đi làm. Nhiều nhà sau khi hiến đất xong, còn lại 1 ít thì ra mặt tiền, giá trị cao hơn lúc chưa làm đường nhiều lần. Ngoài ra, mỗi khi nghĩ đến sự đóng góp của mình cho quê hương, thấy lòng rất vui”, anh Sanh tâm sự.

Sau khi tiên phong hiến đất làm đường, anh Sanh lại tích cực đi vận động, tuyên truyền bà con lối xóm hiến đất làm đường. Nhờ vậy mà công tác giải phóng mặt bằng suôn sẻ, công việc thuận lợi. Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, anh Sanh đã vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn để phát triển kinh tế.

Ngoài anh Sanh, ở Tân Hòa còn rất nhiều người hiến đất diện tích lớn, từ vài sào đến 1ha đất. Anh Nguyễn Văn Hải, ở ấp Đồng Chắc, người đã hiến 1 ha đất và 515 cây cao su đang thu hoạch để làm đường, tâm sự: “Khi chính quyền vận động thu hồi đất mở rộng đường, tháo dỡ công trình, mọi người bị ảnh hưởng đã họp bàn với nhau. Lúc đầu cũng có người còn đắn đo, cân nhắc. Nhưng suy đi, tính lại, nếu cứ đòi hỏi bồi thường, đền bù thì biết đến bao giờ mới có đường rộng rãi, khang trang để đi, nên chúng tôi đều thống nhất theo chủ trương của xã. Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân thì chúng tôi hưởng ứng ngay”.

Rất nhiều gia đình không chỉ hiến đất làm đường, mà còn sẵn sàng cưa vườn cao su đang thu hoạch hàng trăm cây. Ảnh: Hồng Thủy.

Rất nhiều gia đình không chỉ hiến đất làm đường, mà còn sẵn sàng cưa vườn cao su đang thu hoạch hàng trăm cây. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, từ năm 2021 đến nay, người dân xã Tân Hòa đã hiến hơn 25ha đất, khoảng 11.000 cây trồng cùng nhiều công trình, vật kiến trúc trên đất có giá trị lớn.

“Ban đầu, công tác tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn do đất đai là tài sản giá trị lớn, việc hiến một phần hoặc toàn bộ đất cha ông để lại không phải là chuyện dễ dàng đối với họ, nhất là những hộ ít đất, khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi tổ chức những buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ. Có vướng mắc chỗ nào chúng tôi lại báo cáo lên trên, tìm cách tháo gỡ để tìm hướng giải quyết thấu tình đạt lý cho dân”, ông Năm nói.

“Nếu không có sự chung tay của người dân thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường khó mà hoàn thành đúng tiến độ được. Việc người dân hiến đất làm đường giao thông đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đây là bài học lớn trong việc phát huy sức mạnh và sự đoàn kết của nhân dân. bởi “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.