| Hotline: 0983.970.780

Những bông hoa tỏa sáng giữa đời thường: [Bài 4] Người 'khai sinh' một khu rừng đẹp

Thứ Năm 22/08/2024 , 11:30 (GMT+7)

Từ một vùng đất trống, khô cằn, sau 30 năm trồng, chăm sóc, nay đã là một khu rừng quý, là một điểm đến lý tưởng cho tham quan, du lịch và học tập.

Khu rừng rất đẹp này tọa lạc tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Chủ nhân là ông Trần Văn Tấn, nguyên cán bộ cơ quan an ninh. Hiện ông là Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh dịch vụ Vĩnh Phúc.

Trả ơn rừng

Ông Trần Văn Tấn sinh năm 1951, tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Ông là người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi đất nước giải phóng, ông công tác tại cơ quan an ninh, công an TP.HCM.

“Tôi yêu rừng, biết ơn rừng, coi rừng là máu thịt của mình từ những năm tháng làm cách mạng, được rừng che chở và nuôi sống mình. Đó là lý do tôi đến đây… Hiện nay, rừng phát triển rất tốt, có rất nhiều loại gỗ quí như lim, sao đen, chò chỉ, cẩm lai, giáng hương, dầu, nhiều cây đã to gần 2 vòng tay ôm”, vừa lái xe đưa chúng tôi đi tham quan trên con đường rừng gập ghềnh, ông Tấn vừa khoe.

Ông Trần Văn Tấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Trần Văn Tấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Nói về nguồn gốc khu rừng, ông Tấn cho biết, đầu thập niên 1990, khi nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất lâm nghiệp cho cá nhân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế bằng các dự án trồng rừng theo hướng đầu tư cây công, nông nghiệp, ông đã làm hồ sơ xin nhận dự án này.

“Hồi đó, khu vực này gần như là đất trống, đồi trọc, địa hình xấu, toàn đồi dốc, suối, khe. Nhưng tôi không quan trọng đẹp xấu, miễn có đất làm là được. Tôi may mắn vì có người mẹ cũng rất yêu thiên nhiên, chính bà là người “truyền lửa” cho tôi, khuyến khích tôi nhận, vì khi đó tôi còn công tác, đâu có thời gian làm. Sau khi nhận dự án, mẹ tôi đã lên đây sống đến cuối đời. Trong 12 năm sống ở đây, bà đã trồng hàng ngàn cây rừng”, ông Tấn trầm ngâm khi nhắc về mẹ.

Ngoài gỗ quý, khu rừng còn có hệ động vật ngày càng phong phú, với nhiều loại thú như nai, heo, khỉ, gà, thỏ, chồn, chim, rắn, tê tê. Trang trại hiện có 7ha mặt nước là hồ, ao, trên mặt nước là những đàn vịt trời, chim cò tìm đến, dưới làn nước có các loại cá, trong đó có cá lăng đuôi đỏ đặc sản, rùa, ba ba... Hằng năm, người dân còn mang nhiều loại thú rừng đến đây để thả về tự nhiên.

Khu rừng của ông Tấn có nhiều loại gỗ quý, được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Hồng Thủy.

Khu rừng của ông Tấn có nhiều loại gỗ quý, được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Hồng Thủy.

“Các anh nhìn xem, rừng có đẹp không? Ở đây có suối lớn, có hồ, trảng cỏ rộng, và nhiều loại chim muông, thú rừng, có cả những loại quý hiếm, thuộc nhóm I-IIB nữa đấy. Vì thế, nhiều năm nay, cả tập thể mấy chục người chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để bảo vệ hệ sinh thái này, chăm sóc, trồng thêm cây rừng. Hiện chúng tôi đang thực hiện từng phần kế hoạch xây dựng nơi này thành một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan và sinh hoạt cộng đồng, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ rừng cho các thế hệ trẻ”, ông Tấn tâm sự.

Không chỉ thế, trang trại của ông Tấn còn có nhiều công trình “độc nhất vô nhị” như vườn đá Lập Thạch với hàng trăm trụ đá đủ kích cỡ, hình dáng; ngọn sơn đăng cao hơn 100m. Hay công trình cầu gỗ độc mộc, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục “Cây cầu gỗ lợp ngói bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất”. Ngoài ra còn có một số công trình khác đang thi công như Nhà sàn, ao cá Bác Hồ, tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người khai sinh đường dây 500KV chạy qua khu rừng, vườn Thọ Mai 102 cây (tưởng nhớ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp)…

Cây cầu gỗ độc mộc có mái lợp ngói dài nhất Việt Nam trong trang trại ông Tấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Cây cầu gỗ độc mộc có mái lợp ngói dài nhất Việt Nam trong trang trại ông Tấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Của để dành cho những thế hệ sau

Ông Tấn cho biết, chỉ riêng hàng rào bảo vệ bao quanh khu rừng bằng lưới B40 cao 2m, tổng chiều dài đến 17km, đã tốn nhiều tỷ đồng. Nguồn kinh phí lớn để duy trì, bảo vệ khu rừng dựa vào 70ha cao su, 20ha điều, hơn 10ha quýt đang cho thu hoạch và 30ha trồng rau, củ, quả. Ngoài ra còn một trại gà đẻ quy mô 120 ngàn con.

Nhiều năm nay, thu nhập từ các nguồn lợi nói trên lên đến hàng chục tỷ đồng, được ông Tấn “đầu tư ngược” trở lại cho rừng, cho các công trình của khu rừng. “Tôi làm theo lời mẹ, muốn để lại một công trình giá trị cho các đời sau, chứ ăn thì tiền lương hưu còn không hết, cần nhiều làm gì”, ông Tấn nói.

Đưa chúng tôi đến thăm vườn quýt đang trĩu quả, ông Tấn cho biết, sau khi tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu vùng Bình Phước, ông thấy phù hợp với cây quýt nên trồng thử vài chục cây và để chúng tự lớn như cây rừng. Mặc dù vậy, cây vẫn phát triển tốt và trái ăn rất ngon. Sau đó, ông quyết định dành một khoảnh đất trống hơn 10ha trồng quýt để lấy chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng.

Một trong số những hồ nước tuyệt đẹp trong trang trại ông Tấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Một trong số những hồ nước tuyệt đẹp trong trang trại ông Tấn. Ảnh: Hồng Thủy.

“Đất ở đây trước giờ không canh tác gì, rất sạch, lại được hệ thống cây rừng bảo vệ, không bị rửa trôi, nên toàn bộ dinh dưỡng còn nguyên. Tôi chỉ việc làm đất rồi trồng cây thôi chứ chăm bón rất ít, nước thì có cả dòng suối, một mặt hồ rộng 2ha gần đây, tôi đầu tư thêm hệ thống ống dẫn nước, máy bơm tự động. Đất đã sạch, còn phân bón thì dùng phân bò, phân gà từ trại gà của tôi ngay ở đây, ủ đủ thời gian mới bón. Cây quýt ở đây rất ít sâu bệnh, có lẽ vì nó nằm biệt lập trong khu rừng chăng? Đây là lý do vườn quýt này không dùng bất cứ loại hóa chất phun xịt nào, chỉ lâu lâu mới dùng chế phẩm sinh học, ủ từ các loại thảo dược để tưới, cỏ thì dùng tay, máy cắt. Riêng phân bón là phân bò, gà được ủ sinh học theo quy trình”, ông Tấn nói.

Mặc dù không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng vườn quýt của ông Tấn vẫn phát triển rất tốt. Năng suất đạt từ 30-40 tấn/ha. “Trái quýt ở đây múi mềm, nhiều nước, thơm, ngọt, lại canh tác thuận tự nhiên, nên thương lái đến 1 lần là thích. Chỉ có điều, giá cũng trồi sụt theo thị trường thôi chứ chưa ế bao giờ. Còn bạn bè, khách tham quan mỗi khi lên đây đều hái ăn tại vườn, ăn luôn cả vỏ, rất tốt”, vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt, ông Tấn vừa nói.

Vườn quýt sạch trong trang trại ông Tấn. Ảnh: BL.

Vườn quýt sạch trong trang trại ông Tấn. Ảnh: BL.

Để kiểm chứng, ông Tấn hái 1 trái, quẹt lên vạt áo mấy cái rồi không lột vỏ, đưa lên miệng cắn. Sau đó, hái đưa cho chúng tôi. Giữa trưa nắng gắt, những múi quýt mọng nước khiến chúng tôi ai nấy tỉnh người.

Mặc dù chỉ là “tay ngang” làm nông nghiệp, nhưng khi nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, ông thao thao như một lão nông đầy kinh nghiệm: “Quýt đường là loại cây dễ trồng, nhưng phải có đủ nước tưới, đồng thời, cũng không được để đọng nước. Vì cây không chịu úng. Thông thường, nhiều người trồng theo luống, đất vun cao, giữa 2 luống là rãnh thoát nước. Nhưng ở đây, chủ đích của tôi là tạo ra một vườn quýt tán rộng, để du khách đến tham quan có không gian di chuyển giữa các cây để tiện chụp hình mà không bị vướng nhiều, vì thế, tôi trồng rất thưa, mỗi gốc trồng trên mô đất vun cao”, ông Tấn nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.