Ðó là cái bí ẩn của những bình rượu gốm Gia Thủy. Nhưng câu chuyện cổ tích có thật ở Gia Thủy, bên sông Bôi lại kể về cô gái đẹp đã làm những ông Hoàng mê mệt, cuồng say...
Chuyện đã hơn 1.000 năm, nhưng người dân làng Gia Thủy không ai không nhớ đến cô gái xinh đẹp Dương Vân Nga, người quê mình. Nàng là con gái của ông Dương Thế Hiển, một người được coi là gia thần của vua Ngô Quyền một thời gắn bó. Mười sáu tuổi nàng đã nổi tiếng cả một vùng quê quanh con sông Bôi với cặp mắt phượng mày ngài, long lanh và luôn đắm đuối sắc tình.
Dường như con nước sông Bôi đã làm nên nước da trắng hồng của nàng rực rỡ tràn đầy sức sống. Khuôn mặt thanh tú của nàng có sức thu hút kỳ lạ. Những thanh niên trai tráng trong làng luôn nhìn nàng từ xa mà trầm trồ mơ mộng. Họ luôn luôn ước vọng được nàng trò chuyện một lần nhưng đâu có dễ, bởi không những nàng là con gái của một nhà gia thế, đồng thời lại có một sức mạnh huyền bí nào đó tỏa ra từ đôi mắt ấy, một đôi mắt luôn làm xiêu đổ lòng người, có sức mạnh của thần linh.
Người trong làng cho đến nay vẫn còn nhớ đến truyền thuyết, khi Dương Vân Nga mới sinh thường hay khóc “dạ đề”, liên tục ba tháng trời. Có một đạo sĩ tình cờ đi qua nghe tiếng khóc mà giật mình. Ông dừng chân, nhắm mắt chắp tay, rồi bất ngờ ngâm một lời ru vang lên tự trong lòng mình rằng: “Nín đi thôi, nín đi thôi. Một mai gánh vác cả đôi sơn hà”.
Càng lớn lên, Dương Vân Nga càng nức tiếng xinh đẹp thông minh. Nhan sắc của Dương Vân Nga còn được mô tả lại với sự ngưỡng mộ của người đời, với nét đẹp tràn đầy sinh lực: “Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn. Mắt kia sao mọc cờn cờn. Cổ kia trắng lại tròn hân hân” (Hoàn vương tích ca). Kèm theo vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng làm đảo lộn thế gian: “Đồi Đông điểm ngọc, đồi Tây mây vàng. Suối trong tựa ánh nguyệt trần. Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây. Chim kề mỏ, bướm xô mày. Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm”.
Chính sắc đẹp kỳ lạ ấy đã làm Đinh Tiên Hoàng đế sửng sốt mê muội, trong lần ông về quê ngoại gặp ông Dương Thế Hiển để hỏi về công việc triều chính khi mới lên ngôi. Khi người đẹp Dương Vân Nga bước ra tiếp nước cùng bố, Đinh Tiên Hoàng lập tức thấy trái tim mình rộn ràng và cảm ơn trời đất đã trao cho mình một vương phi sắc nước hương trời là đây. Đinh Tiên Hoàng xin cưới về làm Hoàng hậu trong triều. Từ đó người đẹp Dương Vân Nga, con gái của làng Gia Thủy trở thành vị vương phi quyền quý của triều đại Hoàng đế đầu tiên ở nước ta.
Hình minh họa thái hậu Dương Vân Nga |
Cuộc tình duyên giữa Đinh Tiên Hoàng đế với Dương Vân Nga như một định mệnh do trời sắp đặt vậy. Bởi chính Gia Thủy cũng là quê ngoại của Đinh Bộ Lĩnh. Những câu chuyện tập trận với trẻ chăn trâu trong làng của ông cũng diễn ra trên những cánh đồng cỏ bên sông Bôi. Hiện nhiều người già vẫn kể lại, khi còn nhỏ vì sớm mất cha, nên Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về Gia Thủy sống. Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cho người bà con trong họ kiếm ăn.
Ngôi nhà mẹ con Đinh Bộ Lĩnh ở bên cạnh đền Sơn Thần trong làng vẫn còn di tích để lại. Nền nhà cũ được gọi tên là Long Viên, nơi nhìn ra sông Bôi, có những con cầu Ngư và cầu Phanh. Ngay bên cạnh đó là vườn cỏ mà Đinh Bộ Lĩnh thường bày trận cờ cỏ lau cùng với bạn bè. Người ta vẫn nhớ, Đinh Bộ Lĩnh còn tổ chức trận đánh ở cả trên đồng Rộc Xéo. Sau này người làng thường đặt tên cho những địa chỉ ở những nơi mà Đinh Bộ Lĩnh cùng bạn tổ chức đánh trận, như đồng Trống, đồng Quân, cầu Mổ, hay bến Vội...
Tất cả những nơi đó gắn kết như một câu chuyện thời niên thiếu Đinh Bộ Lĩnh được con sông Bôi nuôi dưỡng tinh thần quật khởi, với khát vọng lớn của dân tộc, thống nhất non sông về một mối. Sau này khi sự nghiệp dẹp loạn 12 xứ quân thống nhất đất nước thành công, một số bạn bè thời niên thiếu cùng làng Gia Thủy với Đinh Bộ Lĩnh cũng là những người kề vai sát cánh với Đinh Bộ Lĩnh trị vì đất nước khi ông lên ngôi Hoàng đế (968-980). Quốc hiệu được Đinh Tiên Hoàng Đế đặt tên là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư (thuộc huyện Gia Viễn), phía bên kia sông Bôi.
Số phận của người đẹp Dương Vân Nga nghiệm đúng lời tiên tri của vị đạo sĩ nọ. Sau 12 năm khi Đinh Tiên Hoàng Đế mất, con trai là Đinh Toàn nối ngôi mới 6 tuổi, bà là người quyết định vận mệnh đất nước trước họa xâm lăng của giặc Tống, khi trao vương quyền cho tướng quân Lê Hoàn, một danh tướng tài ba của Đinh Tiên Hoàng Đế. Việc thay đổi một triều đình từ họ Đinh sang họ Lê của hoàng hậu Dương Vân Nga làm chấn động non sông.
Danh tướng Lê Hoàn xưng vương Lê Đại Hành, dựng nghiệp triều Tiền Lê (980-1009), vẫn đóng đô ở Hoa Lư. Phải nói khi đó là thời khắc lâm nguy của đất nước, Hoàng hậu Dương Vân Nga đã táo bạo dẫn tới một quyết định mang tính sống còn, tuy không ít sự dèm pha đố kỵ. Nhưng khi vua Lê Hoàn cầm quân đánh thắng giặc Tống trở về, đất nước bình yên làm nức lòng người, mới thấy sự chuyển đổi vương triều của Dương Vân Nga là hợp lẽ. Sau đó duyên phận nảy sinh, Dương Vân Nga kết hôn với vua Lê Đại Hành, trở thành Hoàng hậu nhà Lê.
Có thể nói người đẹp làm hoàng hậu, hai vương triều (Đinh-Lê), như Dương Vân Nga là một hiện tượng kỳ lạ nhất trong lịch sử các thời đại phong kiến nước ta. Hai mươi năm chung sống với vua Lê Đại Hành (980-1.005), sau khi gả con gái công chúa Lê Thị Phất Ngân cho Lý Công Uẩn (năm 999), năm sau bà qua đời tại một am chùa phía Đông kinh thành Hoa Lư (942-1.000). Hiện tên hai người, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga được đặt cho hai con đường song hành bên bờ sông Vân ngay giữa lòng thành phố Ninh Bình.
Khi gặp được nghệ nhân Đinh Quang Hà tại Gia Thủy, người đã bốn mươi năm làm gốm. Những vò rượu, dạng bình hay chum của ông đều có những điểm xuyết hình họa hay tượng đắp nổi tạo nên sắc thái mỹ cảm đặc biệt. Theo nghệ nhân, kho đất vàng của Gia Thủy tựa như mỏ quý của làng Gia Thủy. Nước sông Bôi đã nuôi dưỡng đất, hòa trộn với phù sa của những con sông của xứ sở Hoa Lư mà hình thành. Nó dồn tụ trên cánh đồng làng. Cách đây 60 năm những người thợ gốm từ Thanh Hóa dịch chuyển trong công cuộc đi tìm đất làm những bình rượu bằng sành.
Một nghệ nhân làm gốm làng Gia Thủy |
Dân làng Gia Thủy đã học được và tự khai thác mỏ đất vàng để làm ra những chum sành ủ rượu. Từ xa xưa ông cha mình đã có kinh nghiệm ủ rượu bằng chum hay vò được chôn dưới đất (hạ thổ), hoặc đặt trong những bể chứa cát cho nước chảy điều hòa. Từ đây rượu sẽ bay hết chất độc aldehit và một số chất gây sốc, hay đau đầu cho người uống. Vậy chum hay vò đựng rượu phải là sản phẩm gốm sành mới bền và không bị ngấm rượu ra ngoài, hoặc ngấm những chất lạ từ đất. Chum có tác dụng giữ nhiệt độ đều từ 15 - 20oC. Nếu được hạ thổ càng lâu thì rượu càng ngon là vì khử được aldehit nhiều nhất. Những chum ủ rượu lớn nhất hiện có trữ lượng tới 200 lít. Còn hũ nhỏ nhất là 0,5 lít.
Trò chuyện với nghệ nhân Đinh Quang Hà, mới hay ông rất say mê với những cung bậc văn hóa rượu cổ xưa mà ông cha đã tạo dựng. Ông từng biết có những người còn tạo hầm rượu trong hang núi, hoặc thậm chí có người con đào núi tạo hầm ủ rượu tự nhiên, trong nhiều năm mới đem ra uống. Họ đã kỳ công tạo dựng chất lượng rượu sạch và thơm mang hương vị của một vùng miền khác biệt. Chén rượu ngày gặp mặt phải được coi trọng và là niềm vui với sự say đến ngọt lịm làn môi. Mỗi chén mỗi tâm sự đổi trao và lúc thăng hoa nhất, rượu ẩn chứa những sự thật trong tâm hồn. Nó được bộc bạch chân tình và đáng yêu.
Các cụ nói không được uống nhiều mà phải là thưởng thức sự tinh túy của trời đất mang lại cho con người. Không được say mềm mà chỉ uống đến độ thấm với nhịp đập con tim làm thăng hoa những ý tưởng và tĩnh tại cốt cách khi quyết định làm một việc gì. Nói rồi ông Hà dẫn tôi ra xem một chum rượu mà ông bày trước hiên nhà. Chung quanh vò rượu được khắc họa những cành hoa của bốn mùa. Bên cạnh còn có hình tượng con rồng uốn mình quanh chum rượu. Đó là biểu tượng của thời gian “hạ thổ” phải trọn ít nhất đủ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, mới được uống.
Sau đó nghệ nhân Hà múc ra một gáo rượu nếp hương thơm phức. Tôi nhận ly rượu từ tay ông và nhấp một ngụm để thưởng thức hương vị của sông Bôi thơm thảo. Tôi đang lơ mơ đến ngụm thứ ba thì bất chợt ông Hà ngẫu hứng đọc mấy câu thơ. Đôi mắt ông lim dim. Tôi cũng dỏng tai lắng nghe. Giọng ông say như rượu vậy: “Thêm một chén dịu êm. Tình mơ màng đằm thắm. Đôi cánh dài vạn dặm. Bồng bềnh trong mắt ai”. Hết sức ngạc nhiên, uống đến hớp rượu thứ tư, lòng thấy lâng lâng, tôi bèn hát lên những câu vu vơ, không đâu vào đâu. Đúng là vị rượu “hạ thổ” có khác, làm cho tâm hồn bay bổng muốn làm ra một điều gì mới tự trong nhịp đập của con tim. Rạo rực và hưng phấn.
Trước khi ra về, tôi vội hỏi lại ông Hà có còn nhớ những câu mà tôi đã hát không. Ông xoa cái đầu hói, cười vang lên, rồi ngâm một khúc hề chèo, rõ ra cái chất quê hương hóm hỉnh, tài hoa của Ninh Bình rằng: “Quạt mo lượn khúc chào mời. Rượu tràn be khát niềm vui chân tình. Lão cười luẩn quẩn loanh quanh. Và say cái nắng long lanh tươi vàng”. Đúng lúc đó, nắng ném lên mặt chúng tôi những giọt rượu vàng. Tôi ngắm chum rượu với họa khắc con rồng đất như đang muốn bay ra phía sông Bôi. Cứ thế tôi đi giữa làng Gia Thủy với câu ca của lão hề chèo say khát mọi niềm vui.