| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/09/2015 , 08:12 (GMT+7)

08:12 - 14/09/2015

Những con số giật mình

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến với một tờ báo diễn ra mới đây, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra những con số khiến không ít người giật mình.

Đó là cuộc điều tra trên 6.000 người của ông và những cộng sự, đã cho kết quả: Tật xấu giả dối là nghiêm trọng nhất, chiếm tới 81%, bệnh thành tích chiếm 75,1%, một bộ phận từ quan chức cho đến người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật mà không biết xấu hổ chiếm 68,2%.

Trước đó, tại hội thảo công bố kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em - phụ nữ (MICS), một con số khác cũng được đưa ra khiến cả xã hội bàng hoàng  Hơn 50% số phụ nữ được điều tra chấp nhận cho chồng bạo hành.

Đó có thể thấy là những vấn đề nghiêm trọng nhất trong xã hội hiện nay. Tật giả dối đã khiến cái nhìn về xã hội bị méo mó đi. Ngay trong những cơ quan hay những làng xóm, người ta nói với nhau những điều khác với những gì người ta đang nghĩ, người nọ giả dối với người kia, cấp nọ giả dối với cấp kia.

Xã hội đang có tình trạng “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” (tục ngữ). Cấp dưới làm láo, lộng hành, áp bức dân lành nhưng lại báo cáo với cấp trên toàn những điều hay, khiến cấp trên như ngồi trong đám sương mù, nhìn xã hội toàn màu hồng mà không biết sự thực ra sao. Công trình bị rút ruột, những người phụ trách hoặc quản lý công trình giầu nhanh đến chóng mặt, trong khi báo cáo thì “không phát hiện thấy dấu hiệu tham ô”.

Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định những chính sách vĩ mô, tài sản quốc gia bị tổn thất lớn. Bệnh thành tích cũng nguy hại không kém. Nó đã khiến không ít địa phương chỉ xóa đói giảm nghèo “trên giấy”: Khống chế một tỷ lệ hộ nghèo rất thấp “cho đẹp”, trong khi thực tế số hộ nghèo lớn hơn nhiều.

Trầm trọng nhất là trong ngành giáo dục. Bệnh thành tích đã khiến cho tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp lên đến 99,99%, còn các cấp dưới thì đều lên lớp đến 100%, trong khi có học sinh học đến lớp 7 còn chưa viết nổi tên mình.

Không gì nghiêm hơn pháp luật. Thế nhưng hiện nay, trong các buổi tiếp công dân ở không ít địa phương, người ta đang phải chứng kiến những việc ngược đời: Lẽ ra những người ở các cơ quan công quyền phải là người yêu cầu dân làm đúng pháp luật, tuyên truyền, vận động dân để dân hiểu, làm đúng pháp luật, thì ngược lại, trong những buổi tiếp đó, chính những người dân lại đến để yêu cầu cơ quan công quyền phải làm đúng pháp luật.

Phụ nữ vốn sinh ra để được chiều chuộng, nâng niu. Người phương Tây có câu “không ai được đánh phụ nữ, dù chỉ đánh bằng một… cành hoa”. Nhưng thực tế ở ta, không ngày nào mà trên các báo không có các vụ chồng bạo hành vợ đến phải nhập viện… Trên 50% số phụ nữ được hỏi chấp nhận cho chồng bạo hành, nghĩa là tăm tối vẫn còn ngự trị trên một nửa số phụ nữ. Những chị em đó bị tước đoạt về nhân quyền, bị chà đạp về phẩm giá và bị xâm hại về thân thể, sức khỏe. Đó quả là những con số đau lòng.

Nếu không chấm dứt được những vấn nạn trên, thì chẳng lẽ chúng ta mang chúng đi hội nhập với thế giới ư?