| Hotline: 0983.970.780

Những công trình thủy lợi, thủy điện song hành phòng chống thiên tai

Thứ Tư 21/12/2022 , 14:29 (GMT+7)

Trong mùa mưa lũ, những công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn Bình Định phối hợp với nhau trong công tác vận hành để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hàng năm trước mùa bão lũ, ngành chức năng tỉnh này tiến hành rà soát, xây dựng hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Đối với các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, hàng năm đều được rà soát, kiểm tra, đánh giá và lập phương án ứng phó thiên tai cho từng công trình. Phương án được trình Sở NN-PTNT thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sau đó mới được triển khai thực hiện theo quy định.

UBND tỉnh Bình Định còn phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp ở 6 hồ chứa lớn trên địa bàn, gồm: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Vạn Hội, Hội Sơn, đập dâng Văn Phong và các hồ thuộc lưu vực sông Kôn-Hà Thanh. Đặc biệt, trong đó có xây dựng được bản đồ ngập lụt, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du do xả lũ khẩn cấp hoặc khi xảy ra sự cố vỡ đập.

Hồ Núi Một, 1 trong 6 hồ chứa lớn ở Bình Định có phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp riêng. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Núi Một, 1 trong 6 hồ chứa lớn ở Bình Định có phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp riêng. Ảnh: V.Đ.T.

Đối với các hồ chứa do UBND các huyện quản lý cũng được kiểm tra, đánh giá công tác an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão. Hầu hết các hồ này chưa xây dựng được phương án ứng phó thiên tai chi tiết cho từng hồ, mà chỉ mới xây dựng lồng ghép trong phương án ứng phó thiên tai của địa phương. Vì vậy, công tác triển khai phòng chống thiên tai các hồ này khi có bão, lũ xảy ra được các địa phương đặc biệt chú trọng để tránh lúng túng, hạn chế thiệt hại.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thời tiết trên địa bàn Bình Định tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật. Lũ muộn vào cuối tháng 3 gây ngập úng trên diện rộng. Trên biển, gió lốc và sóng cao đánh chìm 91 tàu cá của ngư dân ở thành phố Quy Nhơn. Thiệt hại ước tính hơn 43 tỷ đồng.

“Trước những diễn biến thiên tai bất thường như đã kể trên, Bình Định luôn sẵn sàng công tác ứng phó, ứng cứu, khắc phục, hỗ trợ thiệt hại; kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Bình Định lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương khắc phục thiệt hại do bão lũ tại 26 công trình, với tổng kinh phí hơn 260 tỷ đồng”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Hồ chứa nước Núi Một ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Núi Một ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tuân thủ nghiêm cẩn quy trình vận hành

Năm 2022, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt phương án ứng phó thiên tai riêng cho công trình hồ chứa nước Định Bình có dung tích chứa hơn 226 triệu m3. Trước mùa mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định kiểm tra đập bê tông đảm bảo an toàn công trình; 6 cửa tràn xả mặt và 6 cửa tràn xả đáy; hệ thống điện vận hành công trình và máy phát điện dự phòng; thiết bị đo mực nước thượng lưu đập, các thiết bị đo mưa tự động; 12 camera giám sát vận hành cửa tràn; hệ thống mái gia cố và đường quản lý…

Trong vận hành điều tiết lũ, Ban chỉ huy PCTT-TKCN hồ chứa nước Định Bình thực hiện đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa nước lưu vực sông Kôn-Hà Thanh và Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Định Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian mưa lũ, nhất là khi mực nước hồ lên cao, đơn vị quản lý công trình tổ chức thực hiện kiểm tra thường xuyên thân đập, cống lấy nước, tràn thoát lũ, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.

Trong thời gian mưa lũ, đơn vị khai thác, vận hành công trình thủy lợi hồ Định Bình tính toán dự báo lưu lượng nước đến, tình huống bất lợi nhất có thể xảy ra cho công trình. Trước khi vận hành điều tiết lũ, đơn vị căn cứ tình hình diễn biến mưa lũ và dự báo khí tượng thủy văn báo cáo Sở NN-PTNT, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh để quyết định phương án điều tiết lũ.

Nhà máy Thủy điện Định Bình ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhà máy Thủy điện Định Bình ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trên địa bàn Bình Định hiện có  6 công trình thủy điện đang hoạt động, trong đó có 5 công trình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Do đó, trước mùa mưa bão, UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo chủ tịch UBND các xã và các đơn vị có liên quan có biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc để chủ động ứng phó với thiên tai.

Trong trường hợp có bão mạnh, mưa lũ lớn bất thường, các đơn vị liên quan của huyện cập nhật thông tin về tình hình thời tiết; thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh để có phương án huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực tại chỗ sẵn sàng ứng cứu và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; thông báo kịp thời tình hình vận hành điều tiết lũ của các công trình thủy điện cho UBND các xã và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động đối phó.

“Bình Định có hệ thống đê Đông tổng chiều dài gần 43,6km, trải dài từ thành phố Quy Nhơn đến các xã phía Đông của huyện Tuy Phước và Phù Cát, giữ vai trò quan trọng trong ngăn mặn, giữ ngọt cho 3.600 ha đất sản xuất, tiêu úng cho hơn 5.400 ha, tháo lũ cho hơn 22.500 ha, bảo vệ trên 200.000 dân và nhiều tài sản khác của Nhà nước. Việc đảm bảo an toàn hệ thống đê này đang được Bình Định chú trọng triển khai nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai. Trước mùa bão lũ, ngành chức năng Bình Định lên phương án phối hợp với Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các xã, phường ven hệ thống đê Đông tiến hành kiểm tra, rà soát những đoạn đê, kè, cống xung yếu và các vùng trũng thấp, nằm kề khu dân cư để thực hiện các biện pháp gia cố, sửa chữa, đề xuất phương án di dời dân cư trước lũ”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở N-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Xuất nhập khẩu đạt mốc gần 800 tỷ USD

Xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng gần 14%, vượt xa so với mục tiêu đề ra (6%).

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.