Quyết định của Vương quốc Anh điều tàu pháo đến Jersey để đáp lại các cuộc phản đối đánh bắt cá của các tàu đánh cá Pháp không gây ngạc nhiên: Lịch sử của EU đầy rẫy những cuộc đụng độ về đánh bắt cá.
Quản lý chung và đa phương đối với các nguồn tài nguyên này - như Chính sách Nghề cá chung (Common Fisheries Policy - CFP) của EU - luôn là một cách để tránh nguồn tranh chấp tiềm ẩn này leo thang.
Tuy nhiên, trong suốt lịch sử, các cuộc xung đột và căng thẳng xã hội giữa các ngư dân ở các nước khác nhau thường dẫn đến các cuộc khủng hoảng ngoại giao, một số cuộc khủng hoảng liên quan đến EU và các nước thành viên.
Cuộc chiến sò, Pháp và Anh - những năm 2010
Vào năm 2012, năm chiếc thuyền của Anh đánh cá ngoài khơi cách bờ biển Le Havre ở Normandy của Pháp 20 hải lý, đã bị khoảng 40 tàu thù địch của Pháp bao vây.
Các nhà chức trách Pháp tạm thời đóng cửa khu vực đó đối với ngư dân của họ vì lý do bảo tồn nhưng về mặt pháp lý không thể làm gì để ngăn cản ngư dân Anh.
Hải quân Pháp đã phải can thiệp khi các tàu của Anh bị ngư dân Pháp ném đá và một cuộc họp ngoại giao giữa chính quyền Pháp và Anh được thực hiện để giải quyết vấn đề.
Việc đánh bắt sò trong eo biển Manche không được quản lý thông qua hạn ngạch cấp EU mà do những hạn chế trong cái gọi là "cơ chế nỗ lực", có nghĩa là các quốc gia có lợi ích trong việc đánh bắt thủy sản trong khu vực phải thực hiện các biện pháp riêng.
Căng thẳng bùng phát trở lại giữa ngư dân Anh và Pháp vào cuối tháng 8/2018, khi ngư dân Normandy tuyên bố rằng họ đã được phân bổ thời gian đánh bắt sò điệp ngắn hơn so với các đối tác Anh.
Vấn đề đã được giải quyết bằng một thỏa thuận mà Anh và Pháp đạt được vào tháng 9/2018, quy định cho tất cả các tàu châu Âu dưới 15 mét hiện đang đánh bắt trong khu vực được tiếp tục đánh bắt và tất cả các tàu đánh cá lớn hơn của châu Âu sẽ tiếp tục hoạt động vào tháng 11/2018.
Chiến tranh cá bơn (Turbog), Canada kiện Tây Ban Nha/EU năm 1995
Vào tháng 3/1995, Cảnh sát biển Canada đã bắt giữ tàu đánh cá Tây Ban Nha Estai ngoài khơi bờ biển Newfoundland vì tội đánh cá quá mức, loài cá bơn Greenland có giá trị cao nhưng có số lượng đang giảm.
Căng thẳng nhanh chóng leo thang khi ủy viên thủy sản của EU lúc bấy giờ là Emma Bonino coi vụ bắt giữ là “một hành động cướp biển có tổ chức”.
Tây Ban Nha yêu cầu Canada thả con tàu - cũng như sản phẩm đánh bắt của nó - và cử một tàu chiến đến bảo vệ ngư dân của họ.
Sự cố ngoại giao lớn cuối cùng đã được giải quyết một tháng sau đó với một thỏa thuận giữa Tây Ban Nha, Canada và EU, tạo tiền đề cho một cách tiếp cận phối hợp và bền vững hơn trong việc quản lý nguồn cá sụt giảm.
Sự cố Cherbourg, giữa Pháp và Anh năm 1993
Một số sự cố đã xảy ra giữa Anh và Pháp trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/1993, cần sự can thiệp của Hải quân Hoàng gia Anh.
Năm 1992, EU đã công nhận giới hạn sáu hải lý của Anh đối với các quyền đánh cá độc quyền xung quanh các đảo ở eo biển Anh (eo biển Manche), được chính phủ Vương quốc Anh ca ngợi là một chiến thắng to lớn và bị người Pháp phản đối kịch liệt.
Khi người Anh đưa ra các hạn chế mới của EU, một số sự cố đã xảy ra khi tàu hải quân của Anh giám sát việc đánh bắt của các tàu đánh cá Pháp.
Một tàu Hải quân Hoàng gia được cử đi tuần tra trong khu vực đã bị các tàu đánh cá của Pháp bao vây và bắt giữ, trước khi chính quyền Pháp can thiệp để trao trả nó cho Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh tuyên bố khu vực đặc quyền sẽ được duy trì bằng vũ lực nếu cần thiết. Cuối cùng, Pháp đã công nhận các hạn chế của EU, mặc dù không chính thức.
Chiến tranh cá tuyết lần thứ ba, giữa Vương quốc Anh và Iceland năm 1975
Khởi nguồn của tất cả các cuộc đối đầu về nghề cá giữa Anh và Iceland thực sự bắt đầu từ năm 1958, trước khi Vương quốc Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) vào năm 1973.
Tuy nhiên, cái gọi là "cuộc chiến cá tuyết" thứ ba với Iceland xảy ra vào năm 1975 và chứng kiến các nước EEC ủng hộ Vương quốc Anh khi Iceland đơn phương mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và quyền đánh bắt cá trong khu vực lên tới 200 dặm (tương đương 322km).
Tranh chấp kết thúc bằng một hội nghị hòa bình ở Oslo năm 1976, sau khi Mỹ gây sức ép với Anh khi Iceland đe dọa đóng cửa một căn cứ của NATO trên lãnh thổ của nước này.
Gần đây, Vương quốc Anh đồng ý không có bất kỳ quyền nào đánh bắt cá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Iceland.