Mỹ muốn thay mặt hơn 140 thành viên WTO
Ông Nguyễn Viết Vinh - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ NN-PTNT, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể lại những ký ức không thể nào quên được:
Nói đến ngoại thương là nói đến xuất nhập khẩu nhưng hồi đó ta mới chỉ phát triển thị trường ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Ta có ít nông sản thừa như lạc, đậu xanh, vừng… nhưng lại thiếu gạo nên phải nhập gạo, tấm, bo bo. Phương thức thanh toán rất đơn giản là bù trừ, có nghĩa là tôi đưa cho anh bao nhiêu tấn lạc thì anh đưa lại cho tôi bao nhiêu cái xe ô tô U-oát với Liên Xô, hay tôi đưa cho anh bao nhiêu tấn vừng thì anh đưa lại cho tôi bao nhiêu cái xe đạp với Trung Quốc. Hai nước hai sổ để cộng trừ.
Nhưng đó chỉ là cân đối trong khối xã hội chủ nghĩa còn đối với các nước tư bản để nhập gạo, phân bón, sắt thép… ký hợp đồng thanh toán bằng đô la, thì phải có người biết tiếng Anh để giao dịch ký kết hợp đồng. Học xong năm 1978, tôi được điều về Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm một đơn vị mẹ mà về sau đẻ ra hàng loạt đơn vị con như Vinafood, Vinatea, Vinacafe…
Năm 1993 ta có đơn xin gia nhập khối Asean. Đàm phán 2 năm thì được gia nhập tổ chức này. Năm 1995 ta thấy rằng phải mở rộng thị trường ra thế giới nên đã viết đơn xin làm quan sát viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhưng nếu không đàm phán với Mỹ trước thì không thể bước chân vào WTO được. Qua nhiều mối quan hệ, trước đó ta đặt vấn đề và được Mỹ đồng ý đàm phán hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA). Tôi được mời tham gia vào đoàn đàm phán Chính phủ, là người duy nhất phụ trách về mảng nông nghiệp.
Mỹ áp dụng toàn bộ những nguyên tắc của WTO vào đàm phán Hiệp định BTA. Việt Nam biết được ý đồ của họ là thay mặt hơn 140 thành viên của WTO để đi đàm phán với Việt Nam chứ không để EU, Trung Quốc hay nước nào nhảy vào, nhưng ta vẫn chấp nhận bởi cũng muốn lợi dụng qua đó để đàm phán với các nước.
Sức ép về thuế với Mỹ không nhiều bởi họ biết tiến tới mở cửa thị trường sẽ bỏ dần thuế nhưng thể chế chính sách họ ép ta phải minh bạch hóa. Tất cả những chính sách thời bao cấp làm hạn chế thị trường thì phải mở ra, phải để hết trên bàn. Tất cả những quyết định, nghị quyết, thông tư phải thông báo cho Mỹ biết và sửa đổi bổ sung theo quy định của quốc tế và WTO.
Hồi ấy trong nông nghiệp có hai nội dung rất quan trọng là Hiệp định áp dụng các biện pháp về vệ sinh, kiểm dịch động, thực vật (S.P.S) và Hiệp định Nông nghiệp (A.o.A) cắt giảm hỗ trợ trong nước, xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp. Mỹ đòi hỏi quá nhiều.
Ta thống nhất một nguyên tắc rằng giữa một quốc gia GDP 2.000 tỉ đô la và một quốc gia GDP 20 tỉ đô la, một đã công nghiệp hóa, mỗi nông trại có hàng trăm ha đất so với một vẫn con trâu đi trước cái cày đi sau, mỗi hộ nông dân chỉ trung bình có 0,5 ha thì phải có lộ trình. Ép quá thì không thể đàm phán vì Việt Nam khi đó là nước đang phát triển ở ngưỡng thu nhập thấp.
Mỹ đồng ý. Đàm phán về Hiệp định S.P.S tôi nghĩ đối với Việt Nam 5 năm không thể làm được, 10 năm không thể làm được mà phải 15-20 năm nên cam kết khoảng thời gian như vậy. Thực tế sau BTA và WTO ta đã xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể và làm những thứ đó rất nhanh. Hiệp định BTA mất 4 năm ta mới đàm phán xong và ký năm 1995. Nó là gốc rễ để tiến lên đàm phán WTO lúc đó ta đã hiểu đầy đủ về tổ chức này.
EU “xoay” ta ngay ở phiên áp chót
Khi đàm phán WTO về nông nghiệp có rất nhiều nội dung nên tôi đề nghị cần thêm một người nữa bên Vụ Kế hoạch của Bộ. Các phiên đàm phán đa phương, song phương diễn ra ở Giơ Ne Vơ của Thụy Sĩ, anh em phải tự túc đi chợ, nấu ăn hết bởi tiền bồi dưỡng rất ít.
Chúng ta đàm phán WTO mất 11 năm, qua 200 phiên, nhiều phiên diễn ra vào ban đêm bởi chênh giờ, đàm phán song phương với 27 nước thì với Mỹ phải 15 vòng. Họ đưa ra nhiều câu hỏi cho Việt Nam trả lời và cung cấp tài liệu liên quan. Có khoảng 1.500 câu hỏi riêng với nông nghiệp. Để trả lời mỗi câu hỏi đó rất khó khăn bởi phải đi xin ý kiến và lấy tài liệu của các bộ liên quan.
Mỗi bộ đều có chức năng nhiệm vụ với cùng nội dung về SPS và cũng ngại sửa đổi bổ sung những chính sách của mình. Nhiều chính sách từ đó tới giờ đã có nhiều sửa đổi bổ sung nhưng vẫn còn một số chưa thay đổi theo hướng thúc đẩy cho khối doanh nghiệp phát triển.
Cái may là Việt Nam trợ cấp cho xuất khẩu hầu như không có còn hỗ trợ trong nước cũng rất ít. WTO cho phép mức hỗ trợ 10% trên tổng thu GDP nông nghiệp thì chúng ta chỉ tính có 0,5%. Việt Nam nghèo quá, không đủ tiền mà trợ cấp nên thôi các ông đừng hỏi nữa. Thế mà mấy nước châu Mỹ trước đó còn nói rằng ta làm loạn thị trường cà phê thế giới bởi hỗ trợ cho sản xuất, trợ cấp xuất khẩu.
Khi họ đàm phán WTO với ta mới thốt lên: “Hóa ra thế à, các ông giỏi quá”! Cái giỏi đấy phải nói là do nông dân bỏ sức lực, trí tuệ ra để sản xuất với một chi phí rất thấp. Chỉ có vấn đề nặng nhất của ta hồi ấy là trợ cấp cho ngành mía đường, khoảng 4.000 tỉ đồng nhưng cộng cả cái đó vào tỷ lệ phần trăm vẫn rất thấp, đâu có ngán gì?
Hồi đó, Mỹ có bệnh bò điên nên ta đã hạn chế nhập thịt bò của họ. Mỹ nói rằng trình độ của chúng tôi cao, đã khoanh vùng, dập dịch rất tốt rồi, Việt Nam hãy xem lại chính mình đi, đã có vùng cách ly về động vật như thế chưa? Phải cho Mỹ xuất thịt bò từ những vùng không có dịch chứ?
Ở thời buổi dịch Covid-19 này mới thấy là giá trị của vùng cách ly nó như thế nào chứ hồi đó chúng ta đã là thành viên của Tổ chức Thú y Thế giới rồi nhưng chưa làm được, mua một đàn bò ở Campuchia là xua về thế thôi. Phía Mỹ còn mời đoàn Việt Nam sang xem quy trình kiểm soát bệnh bò điên của mình. Để đổi lại chuyện chấp nhập nhập thịt bò từ Mỹ, ta yêu cầu họ phải cho phép rau quả Việt Nam sớm vào thị trường Mỹ (lúc đó rau quả của ta còn xếp thứ gần cuối cùng danh sách của họ) và bỏ quota dệt may với Việt Nam.
Để kết thúc các vòng đàm phán về nông nghiệp phía Việt Nam có đề xuất tổ chức một phiên đa phương do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng làm trưởng đoàn, có các lãnh đạo của các vụ, cục tham gia để các nước muốn hỏi gì thì trả lời hết. Sau phiên đó thì họ mới hiểu dần hết chính sách về nông nghiệp của Việt Nam.
Việt Nam biết tận dụng mối quan hệ với các nước, nắm được họ muốn gì. Ví dụ như đàm phán với Cu Ba phải tính đến điếu xì gà. Mỗi một nước đàm phán với ta họ đều nghĩ lấy được gì của Việt Nam và mất gì với Việt Nam. Tất cả đều là lợi ích quốc gia hết. Nhưng lợi ích quốc gia là cái gì? Đằng sau người đàm phán là toàn bộ khối doanh nghiệp. Nó ác liệt ở chỗ này.
Khối doanh nghiệp của các nước lớn rất có kinh nghiệm trong “hậu trường” đàm phán trong khi đó của Việt Nam lại chưa có mấy kinh nghiệm. Với những nước nông nghiệp như chúng ta thì lợi ích quốc gia là lợi ích của nông dân. Người bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng là nông dân. Khối doanh nghiệp ít gắn với nông dân, ít tham gia vào chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp bởi rủi ro.
Khi tôi còn làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm chỉ có 5.000 tấn lạc nhân đang trong kho ở cảng Hải Phòng chờ xuất khẩu có trận mưa thôi mà cả đêm không ngủ được vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng hàng không xuất được thì chết. Khi đàm phán chúng tôi có mời các doanh nghiệp của mình đến lấy ý kiến nhưng họ chưa thực sự quan tâm. Muốn họ gắn bó vào việc này thì phải biết phân chia lợi ích. Lợi ích của doanh nghiệp đến đâu, lợi ích của Nhà nước đến đâu, lợi ích của nông dân đến đâu. Phải bảo hiểm cho sản xuất của nông dân cũng như kinh doanh của nhà doanh nghiệp chứ không chỉ đưa ra chính sách là xong.
Ở phiên đàm phán đa phương lần thứ 14, vào buổi sáng cả đoàn Việt Nam đều phấn khởi chờ đón phiên kết thúc. Lúc đó, ông Chủ tịch phiên họp sẽ gõ búa tuyên bố kết thúc đàm phán của Việt Nam gia nhập tổ chức này. Khi mọi người tập trung đông đủ trong khán phòng lớn, theo thường lệ, ông Chủ tịch phiên họp hỏi lại lần cuối xem các thành viên còn có ý kiến gì không để tuyên bố kết thúc thì một vài nước thành viên đoàn EU và Thụy Sĩ vẫn còn yêu cầu đàm phán tiếp. Trong đó có đến 7 nội dung yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung về kiểm dịch động thực vật do EU đưa ra và mở cửa thị trường vận tải biển do Thụy Sĩ yêu cầu.
Cả khán phòng như bị “nghẹn” lại, mọi người nhìn nhau rất ngạc nhiên. Lúc đó tôi - thành viên phụ trách về lĩnh vực S.P.S ngồi gần cuối khán phòng cũng run lên vì tức với những yêu cầu này bởi trong các phiên trước chúng ta đã đàm phán rồi, nay vì một số thành viên mới của họ mà lại đòi hỏi. Vấn đề “hóc” nhất vẫn là EU yêu cầu Việt Nam bổ sung vào cam kết: “Chấp nhận không điều kiện giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật do EU cấp khi kiểm dịch hàng nông sản, thực phẩm vào Việt Nam”.
Yêu cầu này là không thể chấp nhận được vì như vậy EU đã phủ nhận hoàn toàn quy định luật pháp về S.P.S của chúng ta. Ngay lúc đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đứng phắt dậy, bức xúc nói phiên dịch của đoàn nối điện thoại trực tiếp với lãnh đạo EU tại Bỉ yêu cầu hủy bỏ các đề nghị này.
Nhưng cuối cùng ông Chủ tịch phiên vẫn yêu cầu đoàn Việt Nam tiếp tục đàm phán theo kế hoạch với EU vì đây là nguyên tắc đồng thuận của WTO. Kết thúc phiên, đoàn tổ chức họp để chuẩn bị cho đàm phán vào buổi tối. Trong cuộc họp có ý kiến yêu cầu điện về xin ý kiến trong nước nhưng tôi đã báo cáo là không nên vì chúng ta vẫn chưa đàm phán lại với họ. Và Việt Nam đã vận động các nước thành viên khác đã chấp thuận nội dung cam kết của ta như Mỹ, Argentina và Úc để thuyết phục, gây sức ép với EU phải rút lui yêu cầu này.
Vai trò tham tán nông nghiệp
Đã là kinh tế phải tính đến sự cân đối tổng thể của một quốc gia, liên kết vùng, liên kết công nghiệp-nông nghiệp… Đừng bảo dệt may lãi thế này là của nó mà phải có nông nghiệp để nuôi người làm dệt may chứ? Mà dệt may nói xin lỗi nhé, làm gia công, tiếng được dăm tỉ đô la nhưng lợi nhuận được bao nhiêu đâu còn cà phê xuất được ba tỉ đô la là “thóc thật”. Công nghiệp có bia, rượu, thuốc lá… lãi thế thì phải bù lại cho nông nghiệp chứ bởi nó là cái dạ dày nuôi sống cả quốc gia.
Tư duy kinh tế của ta còn nhiều điều phải bàn, chỉ khi nào có yếu tố mất giá mới nghĩ đến nông nghiệp, không nghĩ đến cái tổng thể cũng như đánh giá được nó trong tương lai. Sau khi nghỉ hưu tôi làm Tổng thư ký rồi Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, rất nhiều lần Hiệp hội đề xuất các bộ ngành và Chính phủ cho thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam. Vì Chính phủ Brazil mạnh về cà phê như thế nhưng vẫn có quỹ cà phê để dự trữ, dự phòng còn ta thì lại không. Các cụ ta cũng từng nói “được mùa chớ phụ ngô khoai đến khi thất bát lấy ai bạn cùng?”.
Chỉ cần “mồi” của Chính phủ thôi. Chúng tôi xin chính sách chứ không xin tiền để lập quỹ mà thu từ nguồn phí xuất khẩu cà phê, khi giá xuống, lấy quỹ đó ra hỗ trợ cho nông dân, bù vào. Các bộ ngành có thể tham gia vào điều hành quỹ giống như bây giờ có quỹ vacxin Covid vậy. Nhưng xin bao nhiêu lần vẫn bị gạt đi. Người ta bảo cà phê có quỹ thì các nông sản khác cũng có quỹ à? Tôi nghĩ phải làm thí điểm đi xem có thành công không.
Vừa rồi Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Minh Hoan có nói chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo tôi là quá chuẩn. Lẽ ra câu đó phải nói lâu rồi. Chúng ta sản xuất hàng hóa thì phải tiêu thụ, mà tiêu thụ thì phải kinh doanh, thừa thì bán sau khi tích lũy, dự phòng, thiếu thì nhập chứ đừng quan niệm cứ khư khư không nhập.
Tại sao Mỹ họ có hai loại thuế nông sản, thuế khi thời vụ đánh rất cao, hết thời vụ thì giảm thuế để hỗ trợ nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi như ngô, đậu tương? Thực tế thì Việt Nam sản xuất hàng hóa lâu rồi nhưng chính sách không đi theo kịp chuỗi sản xuất hàng hóa lớn. Phải gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất, nhập khẩu.
Nhiều lần đã đề xuất về đối ngoại phải đưa tầm Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ lên thành Cục Đối ngoại Nông nghiệp để có trách nhiệm đầu mối thu hút đầu tư, thương mại và hội nhập quốc tế. Một đất nước nông nghiệp lớn như ta mà không có Cục Đối ngoại Nông nghiệp trong khi Mỹ lại có? Tại sao các bộ có tham tán mà nông nghiệp không có trong khi đất nước là nông nghiệp?
Nhưng qua các thời kỳ Bộ trưởng có đề án rồi mà không làm được mãi đến bây giờ mới có được một tham tán tại Thụy Sỹ (đã có sau khi là thành viên của WTO); một đại diện ở Bỉ (EU) và đang chuẩn bị một tham tán tại Washinton D.C Hoa Kỳ. Nhưng dù sao đi nữa nông nghiệp cũng đã có tham tán tại nước ngoài rồi.
Phải có người ở trong nước nắm về sản xuất rồi có người ở nước ngoài để nắm nông nghiệp của họ ra sao, thị trường của họ thế nào mà cân đối chứ? Đại diện ở nước ngoài khi đi phải viết báo cáo về tình hình nông nghiệp của họ thế nào, thị trường ở đó đang cần cái gì, ta có gì có thể xuất khẩu vào. .
Công tác xúc tiến thương mại của ta vẫn cắt cứ chia đều cho các bộ rồi các bộ lại chia ra cho các cục, vụ. Đã có ít tiền lại chia ra nhiều mục. Phải giao một đầu mối thực hiện chỉ đạo chung, tăng cường người quản lý giám sát để có hiệu quả hơn. Trong khi đó các hiệp hội ngành hàng có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu nhưng lại không có nguồn kinh phí để làm.
Vai trò, vị thế của Việt Nam bây giờ khác xưa rất nhiều. Đã từng tham gia làm lãnh đạo của các tổ chức quốc tế lớn như Liên hiệp quốc (UNDP), Tổng Thư ký Asean và đã là Tổng giám đốc Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC)… Bởi thế, tại sao Việt Nam không tham gia vào làm Tổng giám đốc của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) trong khi lại cứ nộp tiền phí rồi để Brazil làm lãnh đạo trong suốt bao nhiêu năm?
Cách đây 2 năm, Hiệp hội Cà phê - Ca cao có đề xuất giới thiệu nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT là ông Bùi Bá Bổng nhưng cứ “đệ trình” mãi mà không thành. Đáng nhẽ chúng ta phải làm thủ tục nhanh và bỏ tiền ra cho đại diện Việt Nam đi tranh cử làm chức này. Đến nay, nhiệm kỳ Tổng giám đốc mới trong năm 2022 của ICO, cơ quan chính phủ của Brazil đã lại có văn bản tiến cử người của họ tham gia rồi. Trong khi đó, Việt Nam mới làm thông báo cho các bộ mà chưa thấy bộ nào trả lời lại cho Bộ NN-PTNT.