| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Lào Cai: Thay đổi nhỏ, kết quả lớn

Thứ Ba 05/12/2023 , 15:08 (GMT+7)

LÀO CAI Hệ thống khuyến nông Lào Cai sau 30 năm hình thành, phát triển ngày càng được củng cố, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Lào Cai.

Ở mỗi giai đoạn, hoạt động khuyến nông đều khẳng định được vai trò là cầu nối, luôn có sự đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển; giúp các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ giới hóa vào sản xuất; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa…

Nuôi lợn đen tại mô hình ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương. Ảnh: Lưu Hòa.

Nuôi lợn đen tại mô hình ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương. Ảnh: Lưu Hòa.

Giai đoạn 1994 - 2004: Thoát khỏi đói nghèo

Khi tái lập tỉnh Lào Cai (tháng 10/1991) tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp chỉ đạt trên 278 tỷ đồng, giá trị canh tác trên 1ha đất đạt 6 triệu đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt gần 115 ngàn tấn, bình quân lương thực chỉ đạt 200kg/người/năm, tỷ lệ che phủ rừng 15%, tỷ lệ đói nghèo gần 55%.

Giai đoạn này, mục tiêu của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp là tập trung xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất thâm canh, ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác, tăng vụ sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực.

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã triển khai hàng trăm chương trình, dự án ứng dụng, khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới, lựa chọn và đưa vào sản xuất theo quy mô nhỏ. Về lĩnh vưc trồng trọt, bắt đầu đưa vào khảo nghiệm một số giống lúa lai, ngô lai, đậu tương giống mới, khoai tây vụ đông, mía đường…

Về lĩnh vực chăn nuôi, thí điểm đưa các giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, các giống dê nhập ngoại, bò lai Sind (nhằm cải tạo tầm vóc của đàn bò vàng địa phương)… Bên cạnh đó, chuyển giao, áp dụng hàng loạt tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiên tiến, tăng vụ sản xuất; đào tạo tập huấn cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ, nông dân...

Cán bộ Khuyến nông Lào Cai hướng dẫn bà con phát triển chuỗi quế theo hướng hữu cơ. Ảnh: Lưu Hòa.

Cán bộ Khuyến nông Lào Cai hướng dẫn bà con phát triển chuỗi quế theo hướng hữu cơ. Ảnh: Lưu Hòa.

Với đóng góp tích cực của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, kết quả đến hết năm 2004, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Lào Cai đã đạt những kết quả bước đầu hết sức khả quan, đó là: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức trên 616 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với khi mới tái lập tỉnh; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 170 ngàn tấn; lương thực bình quân đạt 332kg/người/năm; tỷ lệ đói, nghèo giảm xuống còn 21%, tỷ lệ che phủ rừng tăng lên mức 32%...

Giai đoạn 2005 - 2015: Tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất hàng hóa

Đến hết năm 2015, nông nghiệp Lào Cai đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tương đối rõ nét. An ninh lương thực được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế nông nghiệp có sự phát triển mạnh.

Cụ thể: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 1.008 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2004; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 281 ngàn tấn, tăng trên 100 ngàn tấn so với năm 2004; bình quân lương thực đạt 363kg/người/năm; tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 16%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,3%, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngành nông nghiệp đã hoàn thành những mục tiêu quan trọng trong việc giữ vững an ninh lương thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp; tiếp tục nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Tập huấn về cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh theo hướng hữu cơ cho bà con vùng sản xuất quế tại Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Tập huấn về cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh theo hướng hữu cơ cho bà con vùng sản xuất quế tại Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Trong thành quả đó, vai trò hệ thống khuyến nông đã đóng góp rất quan trọng như: Tham mưu trong công tác quy hoạch kế hoạch của ngành, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo tập huấn cho cán bộ và nông dân, phát triển mạnh hệ thống khuyến nông cơ sở (đặc biệt là bổ sung 152 khuyến nông viên xã, hình thành hệ thống khuyến nông thôn bản), tham mưu ban hành nhiều chính sách của tỉnh hỗ trợ các mô hình dự án khuyến nông, chính sách cho cán bộ khuyến nông cơ sở...

Qua đó, đã tạo nền tảng vững chắc giúp ngành nông nghiệp Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Một số mô hình, dự án như sản xuất rau, hoa; trồng cây ăn quả giống mới, sản xuất chè; trồng tre măng, trồng rừng bằng cây giống lai, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ; cải tạo đàn trâu, đàn bò, nuôi trồng thâm canh thủy sản… đã đạt được kết quả đáng kể.

Giai đoạn này, hoạt động khuyến nông có sự kết hợp hài hòa giữa 2 phương pháp tiếp cận từ trên xuống và tiếp cận từ dưới lên. Các hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh. Tổ chức và tham gia 25 hội chợ nông nghiệp cấp vùng, 06 hội thi cấp tỉnh và khu vực, gần 30 diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, 79 phiên chợ khuyến nông vùng cao.

Tổ chức 40 điểm tư vấn và dịch vụ khuyến nông tại các xã để hướng dẫn bà con sử dụng giống, phân bón một cách hiệu quả, giúp bà con tiếp cận với nguồn vật tư đầu vào tốt, đồng thời hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản.

Thành lập tổ nhóm sản xuất, tư vấn cải thiện kinh doanh, phát triển sản phẩm, quản lý sản xuất cho bà con vùng trồng quế, dược liệu, chè, dứa. Ảnh: Lưu Hòa.

Thành lập tổ nhóm sản xuất, tư vấn cải thiện kinh doanh, phát triển sản phẩm, quản lý sản xuất cho bà con vùng trồng quế, dược liệu, chè, dứa. Ảnh: Lưu Hòa.

Khuyến nông Lào Cai cũng tranh thủ huy động được nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho hoạt động khuyến nông. Các tổ chức như Oxfam Anh, Tổ chức IPADE Tây Ban Nha và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã phối hợp chặt chẽ với Khuyến nông Lào Cai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh phát triển kinh tế, nâng cao năng lực, nâng cao vai trò quyền năng cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc H’Mông, Dao.

Giai đoạn 2016 đến nay: Đổi mới mạnh mẽ

Giai đoạn này, Khuyến nông Lào Cai khuyến nông tập trung bám sát chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định 6 ngành hàng nông nghiệp chủ lực (chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, thịt lợn) và 2 lĩnh vực quan trọng là khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng và khai thác lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của địa phương (những sản phẩm nông nghiệp bản địa, bản sắc văn hóa địa phương gắn với đời sống sản xuất của 25 dân tộc anh em). Đồng thời chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế đổi mới công tác khuyến nông.

Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, GAP, GACP, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tuần hoàn, góp phần nâng cao chất lương sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới (giống, biện pháp canh tác…) và liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm là nhiệm vụ thường xuyên của Khuyến nông Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới (giống, biện pháp canh tác…) và liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm là nhiệm vụ thường xuyên của Khuyến nông Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Đã xây dựng, triển khai 81 mô hình, dự án; các mô hình khuyến nông chuyển dần từ hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ sang hỗ trợ sản xuất hàng hóa, áp dụng kỹ thuật thâm canh và công nghệ sản xuất tiến tiến để tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm; chuyển đổi mô hình dự án kỹ thuật thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, có sự tham gia của cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đổi mới hoạt động tư vấn dịch vụ nông nghiệp theo cơ chế đặt hàng, bám sát các địa phương đã thành lập tổ nhóm nông dân cùng sở thích nhằm tư vấn hoạt động của các tổ nhóm gắn với tổ chức sản xuất và kinh doanh; các gói tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã tham gia tư vấn và triển khai thành công 07 dự án NGO. Đã thành lập trên 30 tổ nhóm nông dân sản xuất quế, tham gia xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, chứng nhận trên 3.500ha quế hữu cơ tại Bắc Hà và Văn Bàn; nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ vùng cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Tổ chức 43 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các hoạt động khuyến nông…

Khuyến nông Lào Cai tập huấn, hướng dẫn lập kế hoạch cho phụ nữ khởi nghiệp tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Ảnh: Lưu Hòa.

Khuyến nông Lào Cai tập huấn, hướng dẫn lập kế hoạch cho phụ nữ khởi nghiệp tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Ảnh: Lưu Hòa.

Trong giai đoạn này, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến xã và thôn bản đã có sự đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; là lực lượng nòng cốt tham gia chỉ đạo sản xuất ở cơ sở, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại nông sản, kết nối thị trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Đến hết năm 2022, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Lào Cai đã đạt trên 8.800 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt hơn 90 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%; tỷ lệ đói nghèo giảm xuống mức 8%; toàn tỉnh có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

 Sau 30 năm hoạt động, Khuyến nông Lào Cai đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành; nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững; góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.