* Xem xét khởi kiện nhà thầu Trung Quốc
Sau khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cơ quan chức năng xác định, ¾ vụ việc có liên quan đến Tổng giám đốc TISCO trong giai đoạn thực hiện dự án.
Ngày 12/7/2007, Tổng giám đốc TISCO là ông Trần Trọng Mừng đã ký Hợp đồng EPC với ông Shen He Ting, Tổng giám đốc Cty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Sau lễ khởi công, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty Gang thép Thái Nguyên trở thành nơi chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng |
Dấu hiệu hình sự thứ nhất là việc Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ lãnh đạo thuộc TISCO, TCty Thép Việt Nam (VNS), Bộ Công thương có liên quan trong việc ký các biên bản thỏa thuận phân chia công việc Phần C, chuyển một số phần việc từ Phần P sang Phần C; ký hợp đồng giao TCty xây dựng công nghiệp VN (VINAINCON), các nhà thầu phụ khác thực hiện Phần C; thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát vốn đầu tư.
Thứ hai, việc Tổng giám đốc TISCO, một số cán bộ liên quan trong việc ký các phụ lục hợp đồng EPC và một số văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc thiết bị không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá không đúng Hợp đồng EPC, tiêu chuẩn quản lý chất lượng hàng hoá, bất lợi cho TISCO, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu Cty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.
Thứ ba, việc Tổng giám đốc TISCO, một số cán bộ liên quan trình, phê duyệt và thanh toán nhiều khoản tiền cho MCC, các nhà thầu phụ, các tổ chức tư vấn, vi phạm quy định, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.
Ngoài các dấu hiệu hình sự liên quan đến Tổng giám đốc TISCO, việc VINAINCON lập dự toán Phần C theo đơn giá điều chỉnh, báo cáo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ thiếu căn cứ; vi phạm hợp đồng thực hiện Phần C, chậm tiến độ Dự án, phát sinh tăng tổng mức đầu tư, bán thầu hưởng phí trái pháp luật cũng là vụ việc TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra các daaush iệu vi phạm hình sự.
Cũng liên quan đến các sai phạm tại dự án, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc là Cty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), phương án cấp bách sau thanh tra là chỉ đạo thu hồi các khoản chi sai và xem xét khả năng khởi kiện.
Theo đó, không chỉ vi phạm hợp đồng, những “của nợ” mà nhà thầu trung Quốc tuồn vào dự án đa phần là máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam. Ví dụ việc cung cấp 42 ô tô trị giá thanh toán hơn 1 triệu USD chưa có thuế nhập khẩu, nhưng tất cả các xe này đều sai về tải trọng giữa hồ sơ mà TISCO xin đăng ký đăng kiểm, với kết quả kiểm tra của Cục Đăng kiểm; 5 đầu máy toa xe trị giá 5,4 triệu USD không đúng các thông số kỹ thuật, nhà cung cấp theo hợp đồng đã ký…
Tính tổng cộng, MCC cung cấp các loại máy móc thiết bị có sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam có giá trị lên tới 38,8 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, một số thiết bị được cung cấp đã bị gỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ của dự án.heo
Để khắc phục hậu quả, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo VNS, TISCO thu hồi của MCC các khoản: Tiền thuế TISCO đã nộp thay số tiền trên 11,6 triệu USD; các khoản chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị trên 4,7 tỷ đồng và phí quản lý Phần C là 708.343 USD. Thu hồi tiền đã chi cho các tổ chức, cá nhân sai quy định trên 3 tỷ đồng và trên 439.562 USD; giá trị thiết bị máy móc gần 39 triệu USD do MCC cung cấp, có sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu,…
Ngoài ra, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chỉ đạo TISCO, VNS rà soát lại toàn bộ các hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký với MCC, thực tế triển khai, làm rõ căn cứ pháp lý, trách nhiệm của các bên, khả năng khởi kiện MCC, đề xuất giải pháp tổng thể dự án sau thanh tra.