| Hotline: 0983.970.780

Những điều cần lưu ý khi nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ 4.0

Thứ Ba 01/02/2022 , 07:46 (GMT+7)

Việc sử dụng thiết bị hiện đại, những công nghệ mới nhất có thể không dành cho tất cả. Một trong những yếu tố cần tính toán đầu tiên là chi phí.

Thiết bị hiện đại và công nghệ mới nhất có thể không phù hợp với mọi hoạt động canh tác nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Neil Quijano.

Thiết bị hiện đại và công nghệ mới nhất có thể không phù hợp với mọi hoạt động canh tác nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Neil Quijano.

Nuôi cá tự động bằng cảm biến, trí tuệ nhân tạo và được hỗ trợ bởi internet, Big data được coi là tiền đề tiếp theo trong sản xuất bền vững để đáp ứng nhu cầu thủy sản trong tương lai - nhưng người nuôi phải tính đến điểm mấu chốt trước khi đầu tư vào công nghệ mới.

Các trang trại cá đô thị hiện đại có diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng có thể đạt được sản lượng gấp 58 lần so với các trang trại truyền thống. Các trang trại truyền thống có thể sản xuất 34 tấn cá/ha/năm, nhưng với công nghệ phù hợp, các trang trại thế hệ tiếp theo có thể thu hoạch tới 2.000 tấn/ha/năm trong môi trường trong nhà, khí hậu, an toàn sinh học và không có kháng sinh.

Trang trại thông minh cũng tiết kiệm năng lượng hơn. Một kg cá có thể chỉ cần 1,5 kW điện để sản xuất trong khi các hệ thống thông thường có thể sử dụng 25 - 30 kW. Những tiến bộ gần đây về di truyền học, dinh dưỡng và các kỹ thuật khác giúp các trang trại có thể sản xuất nhiều hơn với ít hơn.

Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị hiện đại và những công nghệ mới nhất có thể không dành cho tất cả mọi người. Một chuyên gia nuôi trồng thủy sản cảnh báo, để thành công, trước tiên người nuôi cá phải hiểu rõ chi phí triển khai công nghệ.

Matthew Tan, phó giáo sư về nuôi trồng thủy sản tại Đại học James Cook và đại diện khu vực tư nhân của Singapore tại Đối tác Chính sách APEC về An ninh Lương thực cho biết: Nuôi trồng thủy sản “là một ngành công nghiệp có lợi nhuận rất cao” .

Trong một bài giảng, Phó giáo sư Tan cho biết người nuôi cá nên hiểu mô hình tài chính trước khi chuyển sang Nuôi trồng thủy sản 4.0, nghề nuôi cá thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) được xác định bởi xu hướng tự động hóa thông minh, liên kết và các công nghệ đột phá khác hiện nay.

Phó giáo sư Tan khuyên: “Đầu tiên hãy nhìn vào thị trường. Ai đang mua? Giá của con cá là bao nhiêu? Chi phí thực hiện công nghệ là bao nhiêu?”.

Tính chi phí

Phó giáo sư Tan nói thêm rằng đối với mỗi nâng cấp bổ sung về thiết bị hoặc công nghệ, chi phí bổ sung phải được xem xét để xác định xem nó có xứng đáng theo đuổi/áp dụng hay không. 

Ví dụ, ông Tan kể lại kinh nghiệm của mình khi điều hành một trại sản xuất giống bào ngư ở Trung Quốc, nơi chi phí sản xuất một “bào ngư con” là 3-4 cent. “Nếu chi phí thực hiện một công nghệ của tôi… khiến tôi mất thêm 4 cent, điều đó có nghĩa là tôi mất 8 cent để sản xuất một con bào ngư con. Tôi sẽ không sử dụng công nghệ đó vì giá bán của tôi chỉ từ 6-7 cent”. (1 USD = 100 cents = 6,36 nhân dân tệ)

“Chi phí sản xuất phải thấp hơn, trong khi duy trì giá bao tiêu hoặc giá bán của mình, thì công nghệ mới có ý nghĩa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng và các lĩnh vực nói chung”, Phó giáo sư Tan nói thêm.

Đối với mỗi nâng cấp bổ sung về thiết bị hoặc công nghệ, chi phí bổ sung phải được xem xét để xác định xem điều đó có đáng để theo đuổi/áp dụng hay không. Ảnh: JALA.

Đối với mỗi nâng cấp bổ sung về thiết bị hoặc công nghệ, chi phí bổ sung phải được xem xét để xác định xem điều đó có đáng để theo đuổi/áp dụng hay không. Ảnh: JALA.

Mặt khác, ông nói rằng các khoản đầu tư ban đầu cao vào nuôi trồng thủy sản hiện đại “… có thể có ý nghĩa hơn về mặt tài chính”. Ông Tan hiện đang nghiên cứu các trang trại nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà mà ông thừa nhận rằng việc thiết lập sẽ đắt hơn so với các ao mở. Nhưng nếu xét đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở tôm, thì các hệ thống khép kín có độ an toàn sinh học cao có thể là một lựa chọn tốt hơn.

Để cạnh tranh với tôm được sản xuất trong hệ thống ao mở, nhóm của Phó giáo sư Tan tính toán rằng cần sản xuất ít nhất 15 kg tôm thẻ chân trắng trên một mét khối nước. Trong khi đó, những người nuôi trong ao mở có thể sản xuất từ ​​3-5 kg mỗi mét khối, nếu không có dịch bệnh ảnh hưởng đến đàn.

“Người nuôi thả trong ao mở luôn nghĩ rằng tôm rẻ hơn rất nhiều, do đó thu về nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng nếu tính tất cả những thiệt hại khi dịch bệnh ập đến, họ sẽ thấy thực sự lỗ hơn rất nhiều”, ông Tan nói.

Công nghệ mới và sự hợp tác

Một chuyên gia khác cũng giải thích cách công nghệ và thiết bị mới có thể giảm chi phí điện năng, đặc biệt là ở Philippines, nơi các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) sử dụng nhiều điện năng đang gặp khó khăn để phát triển.

Francis Neil Quijano, người thành lập Công ty đa ngành Agritektura, cho biết: “Ở Philippines, chúng tôi đang sử dụng công nghệ cũ, ví dụ như sử dụng máy sục khí có công suất tối thiểu một mã lực và cần 745 watt". 

Ông cho biết hiện đang sử dụng một loại bể nuôi thủy sản tiết kiệm năng lượng tốt hơn, chỉ tiêu thụ khoảng 165 watt và điều đó có thể làm cho các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn trở nên khả thi hơn.

Quijano nói rằng trong khi những người nuôi cá vẫn đang sử dụng các công nghệ của những năm 1990, ông đã thấy những công nghệ cập nhật hơn, được giới thiệu vào cuối năm 2020, bằng cách làm việc với các chuyên gia khác, bao gồm cả những người từ bên ngoài Philippines.

“Hãy bắt đầu với việc làm việc với mọi người, làm việc với các chuyên gia khác nhau… đó không chỉ là những người nuôi trồng thủy sản hiện đại, mà còn là các kiến ​​trúc sư, kỹ sư, nhà nghiên cứu”, ông nói thêm.

Quijano đã phát biểu về cách đối phó với đại dịch Covid-19, Agritektura đã phát triển các hệ thống nuôi trồng thủy sản mô-đun sử dụng nuôi trồng thủy sản tuần hoàn với các hệ thống sục khí, lọc và dinh dưỡng tự động.

“Hãy đón nhận và lĩnh hội công nghệ mới - điều tôi biết sẽ hoạt động tốt ở Philippines”, ông nói, đặc biệt đề cập đến thiết bị và cơ sở hạ tầng. “Các hệ thống cũ sẽ không hoạt động hiệu quả bằng”.

(Theo Fishsite)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.