| Hotline: 0983.970.780

Những điều trông thấy ở Venezuela: Thóc lúa chín rụng ngoài đồng vẫn thiếu ăn

Thứ Năm 28/06/2018 , 13:15 (GMT+7)

Máy móc hỏng, không có thiết bị thay thế thì lúa sẽ chín rũ, rơi rụng ở ngoài đồng cũng không ai quan tâm. Dù đói nhưng chúng tôi cũng không thấy có ai đi ăn trộm thóc vì có lấy về cũng không biết phải làm cách nào để biến thành hạt gạo được...

Đã lâu rồi chúng tôi lại nghe thấy tiếng kẻng ở các cơ quan nhà nước gõ keng keng báo giờ nghỉ, giờ làm.

Những điều trông thấy

Nông trường chúng tôi ở mang tên “Công ty Thủy lợi xã hội chủ nghĩa Guarico”, bang Guarico, có khoảng 500 ha với hàng trăm nhân công nhưng số ra đồng rất ít. Chỉ cỡ 30 người thuộc đội cơ khí, còn lại toàn ngồi văn phòng. Nông trường cũng có 1-2 cán bộ kỹ thuật nhưng yếu về chuyên môn.

15-23-47_cy_ruong_venezuel
Cày ruộng ở Venezuela

Ngoài diện tích hợp tác với Việt Nam, họ còn tự sản xuất. Đầu vụ, trên giao kế hoạch cho từng tổ sản xuất gọi là ốp xà. Mỗi ốp xà được cung cấp máy móc, thiết bị, giống, phân bón nhưng lại không quan tâm nhiều lắm đến sản lượng cuối cùng vì đó là trách nhiệm chung của nông trường. Lương của công nhân được trả không liên quan đến hiệu quả công việc của họ làm, cứ đến tháng là lĩnh. Một ngày họ làm việc trung bình 2-3 tiếng.

Đông người là thế nhưng vào vụ, chúng tôi vẫn phải thuê thêm lao động bên ngoài. Đồng ở Venezuela không gắn với làng mạc như ở ta. Người dân chỉ ở trong các thành phố, thị trấn, thị xã cách đồng 20-30 thậm chí 40 km, mất khoảng 20-40 phút đi ô tô. Máy móc tuy hiện đại nhưng lại thiếu thốn nghiêm trọng phụ tùng thay thế. Có chừng 10-15 chiếc máy cày nằm chết dí trên bãi của nông trường, dù trông còn rất mới. Cái hỏng xích, cái hỏng bơm thủy lực…Việt Nam phải gửi sang 2 máy cày loại trung và 1 máy cày loại nhỏ. Những ngày này trên nông trường bao la, chủ yếu là 3 chiếc máy cày Việt Nam xông xáo tiến lùi.

Người làm đất chỉ biết sao cho đủ diện tích, chất lượng thế nào không quan trọng. Đất xong rồi sẽ đến việc của người gieo hạt, mọc hay không cũng không quan trọng. Khâu thu hoạch không thuộc trách nhiệm của ai trong tổ sản xuất cả mà phải báo lên cho nông trường để chuẩn bị máy móc. Nếu nông trường báo xuống máy móc hỏng, không có thiết bị thay thế thì lúa sẽ chín rũ, rơi rụng ở ngoài đồng cũng không ai quan tâm. Dù đói nhưng chúng tôi cũng không thấy có ai đi ăn trộm thóc vì có lấy về cũng không biết phải làm cách nào để biến thành hạt gạo được.

Tất cả các máy xay xát đều của nhà nước, chúng rất to chứ không như kiểu máy xát lèng mèng của mấy bà hàng xáo Việt Nam. Lúa được thu hoạch xong sẽ đưa vào nhà máy sấy rồi tải xuống xilo để chờ xay xát, đóng bao. Quy trình chặt chẽ và hiện đại là thế nhưng chỉ một mắt xích nào đó bị trục trặc là “xôi hỏng, bỏng không” ngay. Có lần chúng tôi thấy máy gặt đập đã thu hoạch, thóc đã chất lên đầy thùng xe rơ móc rồi, chỉ cần kéo về nhà máy sấy, xay xát nữa là xong nhưng do không tìm có đầu máy người ta cũng để cả rơ móc ngoài đồng, mặc cho mưa nắng có thể làm thóc mọc mầm, hỏng hết.

15-23-47_xi_lo_khong_lo_de_chu_lu_
Xilo khổng lồ để chứa lúa nhưng trống rỗng

Chính bởi thế mà chúng tôi đã phải mang một cái máy xát gạo mini từ Việt Nam sang. Các ốp xà (tổ sản xuất) rất thích mô hình này. Mọi người nô nức kéo đến đông như trẩy hội chỉ để xem cảnh thóc trút vào là tuôn gạo trắng ra. Tiếng máy nổ giòn giã như là minh chứng hùng hồn của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Bên cạnh những ưu việt, bản thân chúng tôi cũng thấy nền văn minh này có nhiều hạn chế như tiểu nông, manh mún, thiếu tính bao quát tuy nhiên lại rất hợp với hoàn cảnh Venezuela ở thời điểm này.

Quyền hạn của chúng tôi có mức độ, suy cho cùng chỉ là người làm thuê. Bởi vậy, chúng tôi có tư vấn cho bạn, nếu muốn phát triển phải khích lệ những thành phần sản xuất, kinh tế tư nhân, chúng tôi sẵn sàng giúp nhưng phải được cho phép vì đó là hiệp định chính phủ giữa đôi bên.

Vụ 2018 này, từ mô hình nhỏ chúng tôi tiến hành xây dựng một mô hình lớn 150 ha trong đó 50 ha người Việt làm hoàn toàn, 100 ha là sự hợp tác đôi bên. Hơn 20 chuyên gia, công nhân Việt Nam được gửi sang đợt này với mục đích làm sao để chi phí của mỗi kg thóc sản xuất ra phải rẻ hơn cách làm lúa đang có của bạn (1 kg thóc khoảng 1-1,2USD, tương đương 23-26.000đ/kg).
 

"Văn hóa hứa"

Chuyên gia tốt, giống tốt, kỹ thuật tốt nhưng làm sao để mô hình lan tỏa được lại phụ thuộc vào phía bạn chứ không phải phía chúng tôi. Lê Quốc Thanh-Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bảo: “Đi khắp Venezuela chúng tôi chỉ toàn thấy dịch vụ chứ không thấy sản xuất là mấy. Rất nhiều điều phi logic nhưng vẫn tồn tại ở đây như ruộng đất phì nhiêu, thiết bị hiện đại, nhân công sẵn có nhưng không mấy ai chịu làm bởi không thấy quyền lợi, trách nhiệm của họ ở đâu cả. Làm ra được nhiều thóc gạo nhà nước cũng bắt thu mua hết với giá rẻ. Chính vì đó mà triệt tiêu mất động lực sản xuất của cả một đất nước”.

“Văn hóa hứa” cũng vì đó mà hình thành, sống ký sinh. Chuyện người ta hẹn giờ rồi thất hứa diễn ra thường xuyên, coi như không đáng để quan tâm. Chắc họ không nghĩ rằng thời gian là có giá trị? Họp hành nội dung nào cũng ok nhưng không mấy khi được triển khai. Nói hôm trước, lập văn bản ký với nhau rồi nhưng hôm sau hỏi lại như chuyện mới. Coi như việc hôm qua là của hôm qua, hôm nay là của hôm nay.

Để phá vỡ sức ì này, chúng tôi quyết định lôi kéo những công nhân nhập cuộc bằng phương pháp “du kích” là chia sẻ từ cả lương chuyên gia đến hạt gạo cùng họ. Vừa qua, ngoài lúa giống chúng tôi cũng sản xuất được mấy tấn lúa thịt, dùng máy xát mini tách gạo để thỉnh thoảng cho mỗi công nhân vài kg. Máy móc của bạn đầy rẫy nhưng nay bảo thiếu phụ tùng này, mai bảo thiếu phụ tùng khác vậy mà chỉ cho một tí gạo là mai có khi máy lại chạy ro ro.

15-23-47_my_xt_go_mini_viet_nm_mng_sng
Máy xát gạo mini Việt Nam đưa sang

Trước đây chúng ta cũng một thời hô hào HTX kiểu cũ rồi đại bại vì tổ chức sản xuất ở quy mô lớn, trách nhiệm thuộc về toàn dân nhưng không thuộc về cụ thể một ai dẫn đến không có năng suất. Sau khoán 100 rồi khoán 10 giao đất về cho nông dân, chúng ta tổ chức sản xuất ở quy mô nhỏ, trách nhiệm cụ thể lập tức có hiệu quả, thừa lương thực để xuất khẩu nhưng để lại hệ lụy ruộng đồng rất manh mún. Giờ đây Việt Nam sửa sai bằng cách thành lập các mô hình cánh đồng lớn mà ở đó tổ chức sản xuất lớn nhưng trách nhiệm được chia nhỏ và cụ thể tới từng người dân.

Tổng thống Hugo Chavez từng rất thích mô hình HTX, muốn theo mô hình HTX nhưng thực tế khi chúng vận hành lại gặp nhiều vấn đề. Trên các cánh đồng chúng tôi để ý thấy có những xi lô rất lớn, rất hiện đại để chứa thóc nhưng bên trong trống rỗng vì có ai sản xuất đâu, đất bỏ hoang phần lớn. Khi chúng tôi sang, có một số doanh nghiệp, trang trại tư nhân rất thích công nghệ trồng lúa Việt Nam, nền văn minh lúa nước của Việt Nam, họ đến xem và tha thiết mời chúng tôi giúp họ.

Nhưng cơ chế như thế liệu có giúp được không? Cả hệ thống của bạn đang ủng hộ cho kinh tế tập thể, Việt Nam lại sang chuyển giao công nghệ cho kinh tế tư nhân liệu có ổn không? Nhóm sản xuất tư nhân bên nước bạn tuy rất nhỏ nhưng lại rất giàu và là nhóm không được khuyến khích. Đấy là chuyện khó cho chúng tôi!

Trên diện tích trồng cấy kiểu Việt Nam cuối vụ này dự kiến sẽ có vài trăm tấn thóc. Nếu có cơ chế như khoán 10 thì sẽ là sức hấp dẫn rất lớn trong bối cảnh Venezuela đang thiếu thốn lương thực trầm trọng.

Gần đây do thực phẩm thiếu thốn nên đồ đạc trong nhà của những cán bộ, công nhân quanh chỗ chúng tôi ở dần bị đem bán gần hết. Nhóm chuyên gia thủy sản được phân công hướng dẫn bạn nuôi tôm và nuôi cá nhưng an ninh ở điểm nuôi tôm không được tốt nên bị ăn trộm nhiều lần ghé thăm. Chỉ còn điểm nuôi cá là được, năng suất rất khá. Tuy nhiên họ lại đang gặp khó về thức ăn. Thức ăn chăn nuôi của Venezuela phải nhập khẩu hoàn toàn trong khi thức ăn cho người hiện cũng đang thiếu trầm trọng.

Bên cạnh sản xuất lúa, trước tình hình khó khăn của bạn chúng tôi còn xây dựng mô hình tự cung tự cấp về thực phẩm, về rau xanh. Rau ở Venezuela còn đắt hơn cả thịt. Khoảng 2 USD/kg thịt bò nhưng rau phải 3-4 USD/kg dù rất dễ trồng, dù đất đai bạt ngàn bỏ hoang nhưng không ai trồng cả. Chúng tôi vỡ những mảnh đất quanh nhà để trồng. Rau lên rất tốt, đủ các loại cải, muống, mồng tơi… Không chỉ nông dân mà ngạc nhiên là cả bán bộ ở Viện nghiên cứu Nông nghiệp của bạn cũng đến xin rau về ăn.

Ngoài rau ra chúng tôi còn thả vài chục con gà trong vườn, sử dụng cám bã thừa từ chiếc máy xát gạo mini, thóc lép, thóc lửng thừa từ quá trình sản xuất làm thức ăn cho chúng. Mô hình này chứng minh với bạn rằng không cần phải ra chợ, không cần phải có quá nhiều tiền, chỉ cần bỏ chút công sức ra thôi vẫn có thể sống ngon lành qua cơn khủng hoảng kinh tế. Người Venezuela đã sống trong bao cấp quá lâu rồi nên dường như không quen lao động.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.