| Hotline: 0983.970.780

Những giám đốc 'bù nhìn' vướng vòng lao lý trong đại án Phạm Công Danh

Thứ Năm 11/01/2018 , 19:37 (GMT+7)

Tại phiên toà ngày 11/1, các bị cáo nguyên là các giám đốc “bù nhìn” của Phạm Công Danh “choáng” với khoản tiền nghìn tỷ mà họ ký tên vay từ các ngân hàng.

Những giám đốc “bù nhìn” bỗng phải chịu trách nhiệm với món tiền khủng từ Phạm Công Danh

Những người này là bảo vệ, lái xe, thậm chí là chồng của nhân viên đang làm việc tại Tập đoàn Thiên Thanh do bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo đứng tên làm giám đốc các Cty thuộc tập đoàn.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Thái, nguyên giám đốc Cty nhà Quốc Thắng do bị cáo Danh đưa lên đứng tên mua đất tại sân vận động Chi Lăng (TP. Đà Nẵng), bản thân Thái làm bảo vệ cho một Cty thuộc tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng. Sau khi có yêu cầu của Danh, Thái đã nộp một bản photo chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu để làm giám đốc Cty nhà Quốc Thắng nhằm đứng tên vay tiền mua đất của sân vận động Chi Lăng. Thái không hề biết việc Cty Quốc Thắng do mình làm giám đốc đứng ra vay tiền. 

Về số tiền nhận được khi làm Giám đốc Cty Quốc Thắng, Thái khai khoảng 5-6 tháng sau khi đứng tên làm giám đốc, bị cáo có nhận số tiền từ 5 – 10 triệu đồng/tháng từ Phạm Công Danh. Thái khai đây là số tiền mà Cty hỗ trợ. Về số tiền mà Cty mình đứng tên vay của các tổ chức tín dụng, Thái cho rằng không hưởng được đồng nào.

Theo cáo trạng, bị cáo Thái có liên đới đến khoản vay 356 tỉ đồng. Cho rằng cả đời mình cũng không thể có khả năng để khắc phục số tiền lớn như vậy, bị cáo Thái mong HĐXX và đại diện VKS xem xét.

Ngoài bị cáo Thái, các bị cáo Lê Đài (GĐ Cty Bảo Gia), Lê Duy Lương (GĐ Cty Thành Thành Công), Nguyễn Hồng Dũng (GĐ Cty Đại Long)…đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hàng trăm tỉ đồng với tư cách là giám đốc. 

Các bị cáo này đều khai rằng, bản thân chỉ đứng tên làm giám đốc các Cty này rồi ký vào các giấy tờ vay vốn, chứ không biết mục đích của các khoản vay này và không sử dụng số tiền mà các pháp nhân do mình đứng tên vay được. Khi bị luật sư chất vấn về lời khai của các bị cáo này, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng đó là những lời khai đúng. Bị cáo Danh cũng cho rằng, những khoản tiền mà các giám đốc này nhận được là do bị cáo tự nguyện chi trả, chứ họ không có điều kiện gì. Khi đứng tên làm giám đốc, những người này do tin tưởng Danh nên không kiểm tra hồ sơ. Khi ký các hợp đồng vay tiền từ ngân hàng, bị cáo Phạm Công Danh đều không che đậy và không có thủ đoạn nào với các giám đốc này.

Trong các ngày qua, bị cáo Phạm Công Danh liên tục đề nghị toà xem xét việc thu hồi các khoản lãi ngoài đã chi cho nhóm ông Trần Quý Thanh và và con gái là Trần Ngọc Bích. Theo lời Danh khai, từ năm 2012 - 2013, bị cáo đã vay tổng cộng hơn 20.000 tỉ đồng từ ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích. Và phải chi lãi suất vượt trần hơn 2.700 tỉ đồng cho nhóm này. Ngoài số tiền lãi ngoài, Danh nêu trong giai đoạn 1 của vụ án đã xác định Danh trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích hơn 47 tỉ đồng nhưng chưa được thu hồi. Từ đó, Danh đề nghị được xem xét thu hồi các khoản lãi ngoài này để khắc phục hậu quả triệt để.

 

Xem thêm
Bị giật dây chuyền khi đi tập thể dục buổi sớm

Công an huyện Lương Sơn vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Điền (Nhuận Trạch, Lương Sơn, Hòa Bình) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.