Tất cả vì lợi ích thành viên
Nói chuyện hợp tác xã ở Thừa Thiên - Huế, ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế chia sẻ, sau những đổi mới đến nay, Thừa Thiên - Huế có khoảng 218 hợp tác xã kiểu mới về hình thức nhưng rất nhiều trong số đó vẫn làm theo kiểu cũ. Vẫn không có tư liệu sản xuất, vẫn chủ yếu làm khâu dịch vụ đầu vào cho người dân, thậm chí có nhiều hợp tác xã có thể nói là không làm được việc gì hết, có cũng được mà không có cũng được.
Trong bối cảnh đó, ở Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện những hợp tác xã lâm nghiệp kiểu mới thực chất, “bình mới rượu mới”, cách thức hoạt động, tổ chức sản xuất, kinh doanh khác biệt hoàn toàn và đang gầy dựng được niềm tin rất lớn cho xã viên.
Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) được thành lập từ năm 2018, hoạt động theo nguyên tắc quản lý rừng bền vững, có chứng chỉ rừng FSC, theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn. Mục tiêu hoạt động được ghi rõ “tất cả vì lợi ích của thành viên”.
Trước khi về Hòa Lộc, chúng tôi được nghe hai câu chuyện về hợp tác xã lâm nghiệp này mà ông Phạm Văn Tần cho là mấu chốt để Hòa Lộc có thể thay đổi triệt để, trở thành hợp tác xã kiểu mới thực chất chứ không phải mới nửa vời.
Chuyện thứ nhất, đây là hợp tác xã mà khi tổ chức xây dựng bộ máy hoạt động do chính các thành viên đồng thuận lựa chọn. Mặc dù theo tuần tự thành lập vẫn có người của Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã tham gia nhưng không một ai được phép can thiệp vào công tác tổ chức của hợp tác xã. Đến mức, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp Hòa Lộc đương nhiệm đã từng giữ chức Bí thư chi bộ, trưởng của một thôn ở xã Lộc Hòa nhưng khi phải chịu sức ép, chịu sự can thiệp về bộ máy của hợp tác xã đã sẵn sàng xin nghỉ để toàn tâm toàn ý “vì lợi ích của các thành viên”.
Chuyện thứ hai là những điều lệ hoạt động, những quy định liên quan đến chi tiêu. Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc cấm đối với việc tiếp khách không phục vụ sản xuất kinh doanh, như tiếp khách là cán bộ các cấp tới thăm chơi hợp tác xã, cấm chi hỗ trợ hoặc chào mừng các hoạt động của các tổ chức, cá nhân bằng tiền, lẵng hoa gây thiệt hại nguồn vốn của hợp tác xã.
Đây có lẽ cũng là hợp tác xã lâm nghiệp đầu tiên trên cả nước thu phí khách tham quan rừng. Đoàn dưới 10 người nộp 500.000 đồng/buổi, 10 - 30 người nộp tối thiểu 1 triệu đồng/buổi. Các thành viên cho phép ban quản trị họp mỗi tháng 1 - 2 lần với chế độ họp từ 100 - 200 nghìn/người, tuy nhiên điều kiện là sản xuất kinh doanh phải có lãi, nếu không "các ông có thể họp bao nhiêu lần cũng được nhưng là họp suông"...
Đó có thể là những câu chuyện tiểu tiết nhưng cũng đã cho thấy những sự thay đổi về tư duy của hoạt động của Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc. Từ đó, thay đổi lớn hơn, rõ nét hơn của họ là hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tháng 3 vừa rồi, tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt Đề án Phát triển hợp tác xã lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, trong đó phấn đấu đến 2030 có khoảng từ 29.000 - 30.000ha rừng trồng có chứng chỉ FSC và 6.400 - 6.700 chủ rừng tham gia. Một trong những băn khoăn của đề án này là công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, nhận thức người trồng rừng, tuy nhiên "bài toán" đó ở Hòa Lộc đã được giải xong xuôi.
Trong chuyến đón Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Hồ Đa Thê, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc đã nói rằng trồng rừng gỗ lớn ở đây bây giờ không cần phải tuyên truyền vận động gì nữa cả, bởi bất cứ người trồng rừng nào cũng đã nhận thức rõ hiệu quả lớn mà chủ trương này đem lại.
Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc đã xác định rừng gỗ lớn là mục tiêu và tất cả các hoạt động kinh doanh đều phải phục vụ theo chuỗi từ gieo ươm cây giống chất lượng cao thân thiện với môi trường, trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng đảm bảo đầu ra cho các thành viên… Hòa Lộc cũng là hợp tác xã đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế tổ chức sản xuất trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, sau hai năm đã có 690ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ trong tổng số 804ha rừng trồng. Đó đều là những khu rừng không phát đốt, không có bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật, không túi ni lông, đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn quốc tế rất khắt khe.
“Để trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác xã chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, đẩy mạnh công tác tỉa thưa chuyển đổi từ rừng trồng gỗ dăm nhỏ sang gỗ lớn và cam kết rừng trồng ít nhất 7 năm tuổi mới khai thác. Nhờ vậy, rừng cho sản lượng 200 m3/ha, có giá trị 250 - 300 triệu đồng/ha, đặc biệt có lô rừng đạt giá trị đến 380 triệu đồng/ha. Tính theo thời gian của chu kì trồng rừng thì hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn cao hơn trồng rừng gỗ nhỏ khoảng 40 - 50% và ngày càng có nhiều thành viên trong hợp tác xã trở nên giàu có từ kinh tế rừng”, ông Hồ Đa Thê chia sẻ.
Một trong số những người giàu từ rừng gỗ lớn ở Hòa Lộc là ông Hồ Đức Lăng. Với diện tích 30ha, những năm trước khi còn trồng rừng gỗ nhỏ, cứ đến thời kỳ thu hoạch là gia đình ông lại bị thương lái ép giá, lời lãi rất bấp bênh mà lại tốn công mất sức. Sau khi trở thành thành viên của Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc, ông Lăng quyết định chuyển toàn bộ rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC.
“Việc trồng rừng có chứng chỉ FSC thì thời gian cho thu hoạch dài hơn (7 - 8 năm) nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trước và rất ổn định. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, không chỉ tôi mà hầu hết người trồng rừng ở đây bây giờ đều đi theo chủ trương này”, ông Lăng nói.
Không chỉ những hộ thành viên như ông Lăng, người trồng rừng ở Hòa Lộc chưa đủ điều kiện tham gia hợp tác xã cũng đã liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng diện tích trồng rừng gỗ lớn ngày càng nhiều hơn. Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ, diện tích xây dựng 700m2 với giá trị 1,2 tỷ đồng, đầu tư vườm ươm gần 2ha giống chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu thường xuyên từ 500.000 đến 1 triệu cây giống phục vụ người dân.
Liên kết cùng lớn mạnh
Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ NN-PTNT xác định ở Thừa Thiên - Huế sẽ có khoảng 10.000ha rừng trồng trong giai đoạn này. Từ mô hình Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Scansia Pacific nhằm mục tiêu trồng và chế biến gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 473 thành viên của các hợp tác xã là chủ rừng có chứng chỉ rừng FSC với diện tích khoảng 5.172ha, tuy nhiên với thực tiễn đã có, chủ trương đã có, mô hình đã có thì mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng đạt chuẩn quốc tế ở Thừa Thiên - Huế chắc chắn sẽ thành công.
“Chúng tôi lựa chọn hình thức liên kết để cùng nhau lớn mạnh. Liên kết giữa người dân với hợp tác xã và các doanh nghiệp, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, bởi vì chỉ có liên kết mới tạo thành chuỗi được. Và những hợp tác xã như Hòa Lộc sẽ là đầu tàu, trung tâm trong các chuỗi liên kết đó”, ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế khẳng định.
Cụ thể, với việc liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp như Công ty TNHH Scansia Pacific, thêm một bài toán tưởng chừng nan giải trong chủ trương trồng rừng gỗ lớn là thu nhập người dân trong một chu kỳ dài tiếp tục có lời giải.
Tất cả các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững mới thành lập ở Thừa Thiên - Huế đều được Scansia Pacific hỗ trợ chính sách và 50% số vốn để trở thành “bà đỡ” của người trồng rừng. Nhờ đó, điều lệ hoạt động của hợp tác xã có quy định, thành viên vì hoàn cảnh cụ thể buộc phải bán rừng trước tuổi khai thác theo kế hoạch sẽ được hợp tác xã thu mua rừng non theo đúng giá thị trường. Khi rừng đến tuổi khai thác, sau khi trừ chi phí mua rừng và lãi suất, số tiền chênh lệch còn lại hợp tác xã được hưởng 50% và người trồng rừng được hưởng 50%.
Điều này giúp đảm bảo ở các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững ở Thừa Thiên- Huế, không một khoảnh rừng trồng gỗ lớn nào phải khai thác non so với kế hoạch.