Ấm no với nghề
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 700 hộ nuôi cá đặc sản, với hơn 1.940 lồng cá, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt 480 tấn. Nhiều địa phương ở huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang đã có các làng nuôi cá cho mỗi hộ thu lãi cả trăm triệu đồng/năm.
Đến nay, huyện Chiêm Hóa có 418 lồng bè nuôi thủy sản tập trung tại 4 xã Yên Nguyên, Ngọc Hội, Yên Lập và thị trấn Vĩnh Lộc. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của toàn huyện đạt hơn 1.000 tấn, tăng 180 tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Nhờ nuôi cá đặc sản nhiều hộ dân ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. |
Cả khúc sông Lô ở thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa hiện nay được trải kín bởi những nhà lồng nuôi cá chiên, cá chép, cá rô phi. Hơn 10 năm nay, dòng sông cho người dân nơi đây phát triển thêm nghề mới - nghề nuôi cá lồng. Từ vài ba lồng cá nhỏ lẻ ban đầu, đến nay thôn đã có 58 lồng với 29 hộ tham gia, trong đó có 35 lồng cá chiên.Từ các lồng cá đã có hơn 20 hộ thu lãi từ 100 đến 300 triệu đồng.
Gia đình bà Đinh Thị Loan là người nuôi cá có tiếng ở thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên. Hơn 10 năm gắn bó với cá chiên, cá chép, cá rô phi… bà hiểu được đặc tính của từng loài. Trong đó loài nuôi khó nhất là cá chiên.
Bà Loan cho biết, nuôi cá chiên thành công khâu chọn giống là yếu tố quan trọng. Con giống lựa chọn nuôi thì mình cá không được trầy xước, đuôi phải thẳng, thân dài. Chọn được cá giống địa phương là tốt nhất, bởi không phải thích nghi với môi trường sống mới nên cá đỡ chột, lớn nhanh hơn. Từ nuôi cá lồng, mỗi năm gia đình bà thu lãi gần 200 triệu đồng.
Tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương phong trào nuôi cá lồng đặc sản đang phát triển mạnh. Xã đã có 15 hộ gia đình áp dụng mô hình nuôi cá chiên trên sông Lô. Hộ nhiều nuôi từ 10-15 lồng, hộ ít thì 4-5 lồng. Với giá trên thị trường hiện nay dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/kg, mỗi lồng cá người dân xã Vĩnh Lợi thu lãi khoảng từ 50 – 60 triệu đồng.
Ông Trần Văn Tiến, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương cho biết, nước sông Lô là môi trường khá lý tưởng cho nghề nuôi cá lồng phát triển. Để cá ít dịch bệnh, ngoài nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng thì việc vệ sinh lồng nuôi cũng phải được chú trọng. Hiện nay, gia đình ông có 5 lồng cá chiên, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi hơn 150 triệu đồng từ nuôi cá lồng.
Mở rộng mô hình nuôi cá sạch
Phát triển thủy sản bền vững, ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang hướng người dân hình thành các mô hình nuôi cá sạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Trần Văn Hải, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 mô hình nuôi cá VietGAP tại HTX thủy sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên và Công ty TNHH Nhật Nam, huyện Na Hang với tổng số khoảng 150 lồng cá. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng thêm 3 mô hình nuôi cá VietGAP tại khu vực hồ sinh thái Na Hang với tổng 80 lồng cá.
Mô hình nuôi cá lồng theo chuẩn VietGAP trên hồ sinh thái Na Hang. |
Công ty TNHH Nhật Nam là 1 trong những cơ sở xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm cá có truy xuất nguồn gốc của tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, công ty có 60 lồng cá lăng, chiên và rô phi trên vùng hồ sinh thái Na Hang. Tùy từng đặc tính cá mà thời gian sinh trưởng, phát triển khác nhau. Cá của công ty nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên luôn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Bà Trần Thị Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam cho biết, lợi thế lớn nhất trong việc nuôi thủy sản sạch ở Na Hang là nguồn nước tự nhiên khá sạch; nguồn cá tạp làm thức ăn trên vùng hồ còn khá phong phú nên các hộ nuôi ít sử dụng thức ăn công nghiệp. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường từ 100 đến 150 tấn cá đặc sản các loại.
Xã Tân Long, huyện Yên Sơn có 10 hộ nuôi với 30 lồng cá chiên, bỗng. Lồng bé khoảng 70 con và lồng to khoảng hơn 100 con. Dù chưa được công nhận VietGAP những các hộ dân nơi đây đều ý thực được rằng, nếu muốn dễ tiêu thụ thì cần phải nuôi theo hướng sạch. Tháng 10 vừa rồi, các hộ đã bán ra thị trường được 7 lồng, với 1,4 tấn cá. Với giá thu mua tại lồng đạt 470.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lồng cho thu lãi khoảng 60 triệu/lồng
Anh Phạm Thanh Tân, chủ hộ nuôi cá ở Tân Long cho biết, vừa rồi chính quyền địa phương đã gợi ý hỗ trợ các hộ nuôi xây dựng thương hiệu cá Tân Long. Nhưng do chưa đủ nguồn cung cấp ổn định theo nhu cầu của thị trường nên bà con chưa tự tin đăng ký làm thương hiệu. Nhưng trước mắt, từ nay đến năm 2020, chắc chắn người nuôi cá ở Tân Long sẽ bảo nhau cùng xây dựng mô hình VietGAP.
Với giá trung bình từ 450.000 – 500.000 đồng/kg cá, nuôi cá lồng đặc sản đang giúp người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm của tỉnh Tuyên Quang nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 12.200 ha; có trên 1.400 lồng cá với 50% là cá quý hiếm, đặc sản. Đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.700 tấn, trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.140 tấn.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, thúc đẩy ngành thủy sản địa phương phát triển, tỉnh đang nỗ lực mở rộng kết nối các kênh tiêu thụ thủy sản tại các chợ đầu mối, nhà hàng, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh. Tỉnh cũng tạo điều kiện giúp các đơn vị đủ điều kiện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gắn với chỉ dẫn địa lý cá đặc sản của tỉnh.