| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi thủy sản giỏi nhất Bà Rịa - Vũng Tàu

Chủ Nhật 01/12/2019 , 15:26 (GMT+7)

Vừa là tỷ phú tôm, anh Lê Trọng Nghĩa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa là 1 trong 16 nông dân nuôi trồng thủy sản giỏi nhất nước.

Dưới ao tôm của anh Nghĩa, đàn tôm tung tăng bơi như trẩy hội. Ảnh: Hồng Thủy.
 
Khoảng năm 1994, lúc còn là chàng trai ngoài 20 tuổi, vừa đi bộ đội xuất ngũ trở về, anh Nghĩa bắt đầu vào khai hoang vùng đất Lộc An. Khi đó, vùng đất này còn ít người, phần lớn diện tích đất vẫn bỏ hoang. Sau vài năm cải tạo, anh đã có thành quả đầu tiên, đó là hơn 1ha mặt nước ao nuôi cua biển.
 
“Nhưng mấy năm đầu vất vả vô cùng. Máy móc chẳng có như bây giờ, đào ao bằng tay, nên ao không sâu, đắp bờ không cao, toàn bị nước lũ tràn về cuốn cua đi mất hoặc chết. Trong khi vốn không, kinh nghiệm cũng không. Tôi liều vay mượn anh em, bà con, mỗi người một ít về đầu tư lại”, anh Nghĩa nhớ lại.
 
Sau vài năm kiên trì, quyết tâm sắt đá, cuối cùng anh Nghĩa đã thành công, trở thành người nuôi cua có tiếng trong vùng. Anh được mệnh danh là vua cua biển vùng Đất Đỏ.
 
Lứa tôm chuẩn bị thu hoạch của anh Nghĩa kích cỡ 35-36 con 1kg và khá đồng đều. Ảnh: Hồng Thủy.
 
Những năm đầu thế kỷ 21, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, rất nhiều người từ TP.HCM tìm về vùng biển Lộc An đầu tư ao nuôi tôm. Anh Nghĩa cũng mày mò theo học nghề và chuyển qua nuôi tôm. Và anh tiếp tục “nếm trái đắng”.
“Tay mơ vào làm nên thất bại là chuyện đương nhiên. Hồi đó chưa có điện, phải chạy máy nổ, tôm không đủ oxy, chết trắng ao. Rồi kinh nghiệm chưa có, không biết cách phòng, tôm bệnh mà không biết, cũng chết hàng loạt. Lúc nuôi cua, trả hết nợ, tích cóp được ít vốn, rồi nướng sạch vào 2ha tôm, lại trở về điểm xuất phát”, anh Nghĩa kể tiếp.
 
Anh Nghĩa hiểu rõ nguyên nhân thất bại, nên sau khi trắng tay, anh lên kế hoạch “nhét” kiến thức nuôi tôm vào đầu bằng cách tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư của huyện, tỉnh; tìm sách báo, tài liệu nghiền ngẫm. Anh lặn lội tìm về các vùng nuôi tôm thành công ở miền Tây, Đông Nam bộ để tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi tôm thành công.
 
Trở về sau khi học được rất nhiều “sàng khôn”, anh bắt đầu làm mô hình nuôi tôm áp dụng khoa học kỹ thuật: đào ao lắng, ao ương, vệ sinh ao, sau đó phủ bạt đáy ao..., con giống được anh ra tận Nha Trang mua về. Cuối cùng, sau bao vất vả, thất bại, thành công đã đến với anh. 
 
Mặc dù thành công, nhưng quá trình nuôi tôm, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Anh nghĩa cho biết, nếu không có kinh nghiệm phát hiện sớm các triệu chứng bệnh trên tôm, thì rất dễ thất bại. Nhất là khi nhiều người đổ xô đến Lộc An nuôi tôm, nước thải xả ra môi trường nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước. Từ đó làm phát sinh nhiều dịch bệnh trên con tôm, nhất là bệnh đốm trắng.
 
Năm 2013, không chỉ riêng anh mà một số hộ trong vùng liên tiếp thất bại do tôm bị dịch đốm trắng. Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy sau nhiều năm, môi trường nước không còn sạch như trước. Và nuôi cá chẽm xen canh tôm là 1 giải pháp nhằm cải tạo nguồn nước. “Cá chẽm không cho lợi nhuận cao như tôm nhưng ổn định và ít rủi ro. Đặc biệt, con cá chẽm sẽ góp phần cải tạo môi trường nước, hạn chế bệnh cho tôm. Hiện nay, tôi nuôi xen canh 2 vụ tôm 1 vụ cá chẽm. Từ khi áp dụng hình thức này, rủi ro trong nuôi tôm của tôi giảm rõ rệt. Hiện, riêng cá chẽm mỗi vụ nuôi tôi cũng thu 40-50 tấn, lãi khoảng 500-600 triệu đồng”, anh Nghĩa cho biết.
 
Sau nhiều năm miệt mài đầu tư, giờ đây, tài sản của anh Nghĩa là 14 ao nuôi tôm, cá, trên tổng diện tích gần 5ha. Ngoài cá chẽm, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 60 – 70 tấn tôm sú, tôm thẻ. Tùy theo giá thị trường, sau khi trừ chi phí, anh Nghĩa “đút túi” vài tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động thường xuyên và cả thời vụ.
 
Để trở thành 1 trong 16 người nuôi thủy sản giỏi nhất nước, anh Nghĩa từng nhiều lần thất bại, trắng tay. Ảnh: Hồng Thủy.
 
“Nếu không có kiến thức, chuyên môn, không áp dụng kỹ thuật vào quy trình sản xuất, thì thành công là may mắn. Muốn thành công và phát triển bền vững, ngoài ý chí, sự kiên trì, cần nắm rõ quy trình kỹ thuật. Đó là bài học tôi rút ra sau những thất bại”, anh Nghĩa chia sẻ.
 
Nói về nông dân Lê Trọng Nghĩa, ông Phạm Văn Xum, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ cho biết: Anh Nghĩa không chỉ ham học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng, mà còn là người có ý chí sắt đá. Nhiều lần thất bại, anh vẫn quyết làm cho bằng được. Kết quả là anh đã trở thành 1 trong 16 nông dân nuôi trồng thủy sản giỏi nhất nước. Nhiều người nuôi tôm khác đã tìm đến anh học hỏi và được anh “truyền” hết kinh nghiệm, bí quyết cho họ, giúp họ cùng thành công. Hiện nay, chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh, với hy vọng sẽ có nhiều nông dân tỷ phú như anh Nghĩa. 

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.