| Hotline: 0983.970.780

Những lệnh trừng phạt Triều Tiên khao khát được dỡ bỏ

Thứ Ba 05/03/2019 , 07:11 (GMT+7)

Một trong những vấn đề mấu chốt dẫn tới bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên khiến hai nước không thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai liên quan tới các lệnh trừng phạt vốn đang “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-un họp với các quan chức Triều Tiên và Mỹ tại Việt Nam. (Ảnh: AP)

 

Việc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được cho là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính liên quan tới các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Bình Nhưỡng từ nhiều năm nay.

Trong cuộc họp báo được tổ chức vào nửa đêm ngày 28/2 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt được áp đặt vào các năm 2016 và 2017, trong tổng số 11 lệnh trừng phạt, vốn ảnh hưởng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng đã đưa ra những đề xuất “thiết thực” cho Mỹ, bao gồm việc dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon - nơi được xem là “vương miện” trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra như các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đã gây tổn hại như thế nào cho nền kinh tế Triều Tiên và vì sao Bình Nhưỡng khao khát được nới lỏng trừng phạt đến như vậy.

Tháng 7/2018, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính nền kinh tế Triều Tiên đã chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 2 thập niên. GDP Triều Tiên năm 2017 giảm 3,5% so với năm trước đó, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 giảm 37,2%.

Triều Tiên hiện phải đối mặt với khoảng 11 lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực chính gồm nhập khẩu dầu mỏ, than đá, vải…

Dầu thô

Tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết áp đặt mức trần cho hoạt động nhập khẩu dầu của Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng chỉ được nhập khẩu 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng dầu tinh luyện mỗi năm. Ngoài ra, Triều Tiên cũng bị cấm nhập khẩu khí tự nhiên.

Triều Tiên có rất ít trữ lượng dầu và chủ yếu phụ thuộc vào dầu nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu của người dân và lực lượng quân sự.

Trung Quốc và Nga, hai nước cung cấp dầu chính cho Triều Tiên, đồng thời là hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã nhất trí bỏ phiếu thông qua nghị quyết hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu từ nước ngoài vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và một loạt vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Dệt may

Việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm may mặc, bao gồm cả vải vóc và quần áo, của Triều Tiên đều bị cấm theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. May mặc là một trong những ngành công nghiệp chính của Triều Tiên. Kim ngạch xuất khẩu may mặc của Triều Tiên ước tính khoảng 750 triệu USD vào năm 2016.

Trước đây, các công ty Trung Quốc thường cung cấp nguyên liệu cho Triều Tiên. Tại Triều Tiên, các nguyên liệu này sẽ được sản xuất thành quần áo ở trong các nhà máy, sử dụng nguồn lao động giá rẻ tại địa phương. Sau đó, quần áo sẽ được xuất khẩu sang các nước, trong đó chủ yếu là Trung Quốc và Nga.

Than đá

Than đá Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

 

Hội đồng Bảo an cấm Triều Tiên xuất khẩu các mặt hàng như than đá, sắt và chì vào năm 2017. Trước khi lệnh cấm được áp dụng, Triều Tiên được cho là đã kiếm khoảng 200 triệu USD mỗi năm từ việc xuất khẩu các mặt hàng này, chiếm khoảng 30% trong tổng giá trị xuất khẩu của Bình Nhưỡng.

Lệnh cấm trên có tác động rất lớn đến Triều Tiên. Các phóng viên của hãng tin AFP tại Triều Tiên đã chứng kiến hàng núi than đá chất đống tại các cảng và không thể xuất khẩu. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết giao dịch thương mại với Trung Quốc, vốn chiếm 95% trong hoạt động ngoại thương của Triều Tiên, đã sụt giảm đáng kể trong nửa đầu năm ngoái.

Lao động nước ngoài

Nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2017 đã yêu cầu các nước trục xuất hàng chục nghìn lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng lao động của họ hết hạn.

Lực lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, trong đó chủ yếu tại các công trường xây dựng ở các nước Trung Đông, Nga và Trung Quốc, được xem là nguồn thu tài chính quan trọng cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Lệnh cấm khác

Ngoài các lệnh trừng phạt trên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng ra nghị quyết cấm Triều Tiên mua bán các loại vũ khí và thiết bị quân sự, các thiết bị sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự, một số phương tiện, máy móc công nghiệp. Các lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên nhập khẩu các hàng hóa xa xỉ, cấm xuất khẩu hải sản và các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, gỗ, kim loại, đá quý.

Triều Tiên cũng bị hạn chế quyền đánh bắt cá và những cá nhân bị cáo buộc có liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ bị đóng băng tài sản. Ngoài ra để trừng phạt Triều Tiên, Liên Hợp Quốc cũng yêu cầu dừng các dự án hợp tác kinh tế chung giữa Bình Nhưỡng với các nước.

Lệnh trừng phạt của Mỹ

Bên cạnh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên, trong đó nhắm mục tiêu nhiều hơn tới các hoạt động kinh tế và các cá nhân cũng như doanh nghiệp của Triều Tiên. Mục đích của các lệnh trừng phạt này là nhằm cản trở Bình Nhưỡng phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật đầu tiên trừng phạt Triều Tiên vào năm 2016, trong đó yêu cầu các tổng thống Mỹ trừng phạt bất kỳ đối tượng nào có liên quan tới các hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Năm 2017, quốc hội Mỹ tiếp tục thông qua một đạo luật bổ sung mang tên Ứng phó với các kẻ thù của Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt, trong đó áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.

Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với các ngân hàng, công ty và các cá nhân ngoài lãnh thổ Triều Tiên, đặc biệt tại Nga và Trung Quốc, nếu phát hiện những đối tượng này hỗ trợ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Trong năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã ủy quyền cho Bộ Tài chính Mỹ cấm các công ty hoặc cá nhân nước ngoài tham gia hệ thống tài chính của Mỹ nếu bị phát hiện có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.