Quan tâm đến trẻ sơ sinh
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện sinh ngày 30/4/1898, trong một gia đình nhà nho tại Bắc Ninh. Năm 24 tuổi, ông vào học Trường Y khoa Đông Dương (Hà Nội). Sau 4 năm học tại đây, ông đã đạt thành tích xuất sắc và được cấp học bổng sang học ở Pháp. Năm 1928, tại Paris, ông hoàn thành luận án bác sĩ với đề tài: "Nghiên cứu y học xã hội về tử vong của trẻ sơ sinh".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luyện (thứ 3 từ phải sang) ra mắt đồng bào Thủ đô |
"Ý nghĩ của tôi hướng về Tổ quốc, về đất nước An Nam, nơi mà tỉ lệ tử vong trẻ em cao khủng khiếp, nơi mà cuộc đấu tranh chống thảm họa này mới chỉ manh nha… Ước vọng của chúng tôi là sau nay sẽ được hiến dâng tất cả sức lực của mình để chống lại tai họa làm đau khổ và cướp đi mạng sống của các gia đình" (Trích luận văn của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện).
Ông kêu gọi cộng đồng xã hội, chính quyền hãy chú trọng tới sự nghiệp vì trẻ em, chống lại cái họa tử vong cao ở trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi sơ sinh… Luận văn này được đánh giá xuất sắc và hiện vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Paris và Thư viện Quốc gia Hà Nội.
Về nước, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện vẫn tâm nguyện với sự nghiệp cứu giúp, bảo vệ trẻ em. Ông đã từng đi tới các vùng núi xa xôi như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… để khám, chữa bệnh cho người nghèo. Sau này, ông đã quyết định không làm cho Pháp, mở nhà thương tư ở 167 Phùng Hưng (Hà Nội) để hỗ trợ người nghèo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện còn là tác giả cuốn "Sản dục chỉ nam" (hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh) của ông được in ấn, tái bản nhiều lần, có tác dụng rộng rãi trong nhiều cộng đồng dân cư.
Quyết tử bảo vệ Thủ đô
Có tư tưởng tiến bộ nên bác sĩ Nguyễn Văn Luyện hết sức ủng hộ cách mạng và Chính phủ mới trong những ngày đầu thành lập còn non trẻ. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, tại Thủ đô Hà Nội có 74 ứng cử viên ra tranh cử để chọn ra 6 đại biểu. Ngày hội bầu cử tại Thủ đô Hà Nội, 172.765 cử tri trong tổng số 187.000 cử tri toàn thành phố đã chọn mặt gửi vàng vào 6 đại biểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng, luật sư Vũ Đình Hoè, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, kĩ sư Hoàng Văn Đức và giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên.
Kì họp Quốc hội đầu tiên (2/3/1946), bác sĩ Nguyễn Văn Luyện được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội (đến tháng 10/1946 là ủy viên chính thức). Sau đó, ông được tín nhiệm cử làm thành viên phái đoàn tham gia Hội nghị trù bị Đà Lạt (từ ngày 12/4/1946 đến 12/5/1946; Cố vấn của phái đoàn Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đi đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6/7 đến 10/9/1946).
“Tôi ước sao đến một ngày tại Thủ đô sẽ có đường phố tên là “Phố Ba cha con liệt sĩ”, bởi cả hai người con trai ở tuổi hoa niên đã ngã xuống cùng ông rất đáng được tôn vinh” - Cụ Vũ Đình Hòe (1912-2011) nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. |
Trong thời gian họp ở Hội nghị Fontainebleau tại Pháp, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã bỏ tiền cá nhân để mua một máy in hiện đại tặng Chính phủ nhằm phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Rất tiếc là máy in chưa kịp về nước thì ông đã ra đi mãi mãi vì sự nghiệp bảo vệ Thủ đô...
Những ngày cuối năm 1946, tình hình ở Hà Nội căng thẳng với những hành động gây hấn liên tục của thực dân Pháp. Trong bối cảnh nguy cấp đó nhiều người đã khuyên bác sĩ nên đi sơ tán, nhưng chỉ có vợ ông là bà Phùng Thị Thược cùng 3 cô con gái đi tản cư. Còn bác sĩ Nguyễn Văn Luyện cùng em vợ là ông Phùng Văn Chương và hai con trai đã quyết định ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô…
Cụ Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên, đại biểu Quốc hội đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội cùng bác sĩ Nguyễn Văn Luyện kể lại: Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ, đêm 30 Tết chuyển từ năm Bính Tuất (1946) sang năm Tân Hợi (1947), Hồ Chủ tịch đã hỏi thăm về gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Luyện.
"Anh Luyện đã chiến đấu hi sinh ngay đêm đầu tiên kháng chiến tại Thủ đô. Hồi đó, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lợi dụng cơ hội Đồng Minh thắng trận và quân đội Nhật còn đóng ở sân bay Gia Lâm, thực dân Pháp cho phái viên nhảy dù xuống sân bay, chắc mẩm sẽ liên hệ được với những cơ sở xã hội của chúng ở Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, chủ báo Tin Mới, mau lẹ viết và cho in một cuốn sách nhỏ, lên án chính sách thuộc địa mới của Chính phủ De Gaulle và phanh phui thủ đoạn phỉnh phờ lôi kéo giới trí thức Việt Nam.
Biết chắc chúng sẽ trả thù, bác sĩ Luyện phòng thủ nhà riêng (tại trước mặt Tòa án, bây giờ là Sứ quán Cuba) như một lô cốt, có súng máy bảo vệ. Đêm 19/12, anh ở lại. Bị Pháp tấn công, ba bố con anh chống trả kịch liệt, nhưng hết đạn thì bị chúng xông vào hạ sát! Chắc Cụ Hồ nhớ lại sự kiện ấy. Thấy vẻ mặt bùi ngùi của ông Cụ, tôi báo cáo việc Trung ương Dân chủ vừa cử người đại diện về quê thăm, chúc Tết chị Luyện. Bà đang công tác trong Hội Bà mẹ chiến sĩ huyện, các con gái dạy giúp lớp Bình dân học vụ ở xã... Cụ vui vui".
Tháng 12/1953, kì họp thứ ba Quốc hội khóa I họp tại chiến khu Việt Bắc. Kì họp dành thời gian để tưởng niệm các đại biểu Quốc hội đã vì nước hi sinh: Lý Chính Thắng (Sài Gòn - Chợ Lớn), luật sư Thái Văn Lung (Gia Định), bác sĩ Nguyễn Văn Luyện (Hà Nội), Lê Thế Hiếu (Quảng Trị), Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố (Nam Định), Trần Kim Xuyến (Bắc Giang)...